Giám đốc Fulbright: Hạ lãi suất, tiền hoàn toàn có thể chảy vào chứng khoán
Xung quanh việc NHNN vừa có quyết định giảm các lãi suất chủ chốt, và những tác động của việc giảm lãi suất này ảnh hưởng thế nào đến thị trường tài chính, chứng khoán,…dòng tiền sẽ có xu hướng như thế nào trong thời gian tới.
Bên lề Hội nghị Vietnam Access Day do Viet Capital tổ chức sáng ngày 18/3/2014 tại Tp HCM, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Fulbright Economics Teaching Program –ông cũng là diễn giả với chủ đề “kỳ vọng gì về kinh tế Việt Nam năm 2014”.
Thưa ông, vừa rồi ông có nói tới các chỉ số kinh tế vĩ mô VN, vậy ông có đánh giá gì về sự tác động của yếu tố vĩ mô đến cộng đồng các DN?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Với những doanh nghiệp còn trụ lại thì vấn đề tác động của yếu tố vĩ mô cũng chưa có được sự ảnh hưởng nhiều.
Đối với thị trường chứng khoán, trước đây thị trường chưa phản ứng đầy đủ những thay đổi từ chính sách, còn hiện nay thị trường chứng khoán bắt đầu có sự chuyển biến tích cực nhờ kinh tế vĩ mô đi vào ổn định.
Nhìn vào ngắn hạn những chính sách liên quan đến tài khóa và tiền tệ sẽ ổn định trong giai đoạn 2014-2015.
Còn vấn đề nữa là việc cổ phần hóa, có điểm khác so với trước đây là đã có danh mục cụ thể, và ngoài ra vấn đề cổ phần hóa cũng đang được sự quan tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, dưới sức ép từ yếu tố chính trị nó cũng là một yếu tố nhằm đẩy mạnh vấn đề cổ phấn hóa hơn.
Tuy nhiên, từ trước đến nay nhiều người cho là cổ phần hóa không phải là giải pháp duy nhất để cải thiện tình hình, nhưng đó cũng là biện pháp tích cực. Nhưng cũng phải nhìn nhận một điều là thời gian qua tiến trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, để định lượng hiệu quả là rất khó.
Như vậy, về triển vọng dài hạn kinh tế VN khá tích cực nhưng về ngắn hạn thì chưa thể đánh giá được.
HSBC nhận định rằng việc giảm lãi suất không có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng tín dụng? Ông có đánh giá thế nào về động thái giảm các lãi suất chủ chốt của NHNN?
Nhận định chung của các tổ chức tài chính quốc tế là như vậy.
Giảm lãi suất, thực ra trên thị trường lãi suất đã giảm, tác động để làm tăng tín dụng thì chưa chắc chắn bởi vấn đề đặt ra là ngân hàng vẫn còn nợ xấu, có thể nói tiến độ để giải quyết nợ xấu vẫn chưa thực sự tốt. Vấn đề ở đây là khi các ngân hàng cho vay không phải là lãi suất cao nữa nhưng vấn đề ở đây là ngân hàng không muốn cho vay vì là vẫn có cảm nhận doanh nghiệp vẫn có rủi ro nào đấy, vẫn còn phát sinh thêm nợ xấu.
Nhưng VAMC đã được lập ra để xử lý nợ xấu?
Ở đây bản chất là trách nhiệm giải quyết nợ xấu không phải là VAMC nữa mà trách nhiệm vẫn thuộc về ngân hàng.
Tín dụng đến nay vẫn tăng trưởng âm, ông đánh giá về điều này như thế nào?
Việc hạ lãi suất đã phản ánh cung cầu tín dụng trên thị trường.
Tín dụng 3 tháng đầu năm tăng trưởng âm, đó là động thái của VN trong việc quản lý số liệu thôi. Chẳng hạn như con số GDP, bao giờ vào đầu năm GDP quý 1 tăng trưởng thấp, tăng trưởng tín dụng âm, rồi sau đó là các quý cuối năm, GDP tăng cao hơn và tín dụng lại tăng vọt lên. Bởi chu kỳ của VN là thế, bao giờ những tháng đầu năm là nghỉ Tết thì GDP và tăng trưởng tín dụng đều thấp, còn những tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch, tín dụng lại bung ra, các con số cao lên.
Điều đó khiến nhiều người đặt dấu hỏi về độ tin tưởng vào số liệu.
Theo ông với động thái hạ lãi suất, dòng tiền có đổ vào chứng khoán?
Điều đó là tích cực cho thị trường chứng khoán. Đương nhiên là thanh khoản tín dụng là có, nhưng giờ vấn đề là ngân hàng cũng như định hướng chính sách của NHNN. Còn chuyện nguồn tiền, đặc biệt là dòng tín dụng từ ngân hàng có chảy sang hỗ trợ cho TTCK hay không vẫn là một câu hỏi, tức là hoàn toàn có thể xảy ra.
Xin cám ơn ông!
Nguồn CafeF
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư