Kinh Doanh

Những biến động lớn của ngành titan Việt Nam trong năm 2013

Thứ Tư | 29/01/2014 23:35

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành titan Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh lớn, trực tiếp bởi biến động giá ở quy mô toàn cầu.

Theo nghiên cứu thực hiện bởi các chuyên gia của Công ty cổ phần tư vấn Khoáng sản Quốc Tế S.O.N (SonMinerals), năm 2013 là một năm nhiều biến động của ngành công nghiệp titan thế giới cũng như Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành titan Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh lớn, trực tiếp bởi biến động giá ở quy mô toàn cầu. Đây cũng là đợt biến động giá lớn nhất trong lịch sử ngành titan thế giới. Cùng thời gian này, lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu ilmenite chịu mức thuế xuất cao nhất (40%) trong bối cảnh giá thị trường đang lao dốc. Bên cạnh đó, tuyên bố về tài nguyên titan cát đỏ tại Bình Thuận đang thu hút sự chú ý của ngành titan thế giới.

Xuất ilmenite tồn kho với mức thuế xuất khẩu cao nhất trong lịch sử

Suốt 6 tháng cuối năm 2012 , khi giá ilmenite đang ở cao nhất trong lịch sử ngành titan thế giới (khoảng 350 đên 360 usd/tấn) , thì các doanh nghiệp sản xuất ilmenite Việt Nam phải xếp hàng trong kho chờ giấy phép xuất khẩu.

Theo Thông báo 407/TB-VPCP ngày 17/12/2012 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về quy định xuất khẩu khoáng sản, xử lý hồ sơ hoạt động khoáng sản tồn đọng và công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản, từ tháng 2/2013 để giải quyết các khó khăn liên quan đên giải quyết hàng ilmenite tồn kho và giúp doanh nghiệp tích lũy vốn cho các dự án chế biến sâu, Bộ Công Thương cho phép tiếp tục xuất khẩu ilmenite theo quote. Tuy nhiên thuế xuất khẩu ilmenite là 40% cao nhất trong lịch sử.

Thời gian này cũng là lúc giá thị trường thế giới có xu hướng giảm mạnh. Các doanh nghiệp được cấp quote xuất khẩu đã khẩn trương xuất hàng nhưng không trách khỏi cơn lốc giảm giá.

Giá giảm trên 50% trong vòng 1 năm

Chưa một năm nào trong lịch sử, giá titan trên thị trường thế giới có mức biến động lớn như 2013. Trong năm 2013 giá các sản phẩm titan trung bình giảm từ 50% đến 60%. Không những thế, xu hướng nhu cầu tiêu thụ vẫn đang tiếp tục sụt giảm. Bằng chứng là rất ít đơn hàng dài hạn được đàm phán trong năm 2013, khách hàng hầu hết không mặn mà tìm mua sản phẩm titan như năm 2012 mặc dù mức giá hiện tại là khá thấp.

Theo quan sát của SonMinerals, tại các hội nghị chuyên ngành lớn trên thế giới về lĩnh vực Titan – Zircon, ở mức giá hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất titan tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới đang đối mặt với thua lỗ. Đây có thể gọi là cú trả lái sau cơn bão giá lần thứ 3 trong lịch sử ngành titan titan thế giới thời kỳ 2010 -2013.

Giá giảm, thuế tăng, kéo theo sự suy giảm đáng kể của kim ngạch xuất khẩu. Theo nghiên cứu của SonMinerals, chỉ tính riêng cho thị trường Trung Quốc, nếu như 6 tháng đầu năm 2012 (6 tháng cuối năm quặng ilmenite không được phép xuất khẩu) tổng sản lượng quặng thô ilmenite của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là 1,1 triệu tấn với giá trị xuất khẩu đạt 345 triệu đô la Mỹ thì cả 12 tháng của năm 2013 tổng khối lượng xuất khẩu vào thị trường này giảm 45% đạt 580 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu đạt chỉ 142 triệu đô la Mỹ giảm 60% so với 2012.

Giới thiệu nguồn tài nguyên titan cát đỏ khổng lồ

Nằm trong kế hoạch Hành động Hợp tác khoáng sản ASEAN (AMCAP) giai đoạn 2011 – 2015 được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Khoáng sản ASEAN lần thứ 3 (AMMin 3). Tại AMMin 3, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng các nước ASEAN về khoáng sản đã thông qua đề xuất tổ chức Hội thảo Titan ASEAN, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì Hội thảo.

Được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu vào ngày 13 tháng 5 năm 2013, hội thảo đã hấp dẫn sự tham gia của trên 150 đại biểu đại diện đến từ các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các đại biểu đến từ các quốc gia khác trên thế giới có thế mạnh trong thăm dò, khai thác và chế biến titan, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến khoáng sản titan.

Tại hội thảo này, đại diện Bộ công Thương đã giới thiệu chính thức về tài nguyên titan cát đỏ tại Bình Thuận đang được đưa vào bản sửa đổi lần thứ 3 của Quy hoach titan Việt Nam. Theo báo cáo này, Việt Nam được đưa vào hàng 5 nước có trữ lương titan lớn nhất thế giới.

Cũng trong thời gian hội thảo, các đại biểu đã có dịp tham quan một số khu vực sản xuất titan tại tỉnh Bỉnh Thuận và thăm quan khu vực đã được thăm dò sơ bộ về nguồn titan trong tầng cát đỏ. Nơi sẽ chiếm 90% tài nguyên titan của Việt Nam.

Dự báo quặng titan Việt Nam 650 triệu tấn.

Không lâu sau hội thảo Titan ASEAN, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030.

Theo đó, trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng titan Việt Nam khoảng 650 triệu tấn khoáng vật nặng (trong đó khoảng 78 triệu tấn zircon); trữ lượng và tài nguyên dự báo khu vực Bình Thuận khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan Việt Nam. Trong kỳ quy hoạch dự kiến huy động khoảng 150 triệu tấn khoáng vật nặng (trong đó khoảng 17 triệu tấn zircon), trữ lượng và tài nguyên còn lại đưa vào dự trữ quốc gia.

Quyết định nêu rõ, quy hoạch 4 vùng quặng titan để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, phù hợp với tính chất công nghệ của quặng, quy mô công suất chế biến, cụ thể, Vùng I: Khu vực Thái Nguyên (quặng gốc và quặng sa khoáng); Vùng II: Khu vực Hà Tĩnh - Thừa Thiên-Huế (quặng sa khoáng trong tầng cát xám); Vùng III: Khu vực Quảng Nam - Bình Định - Phú Yên (quặng sa khoáng trong tầng cát xám); Vùng IV: Khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận (quặng sa khoáng trong tầng cát xám và cát đỏ).

Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, hoàn thành thăm dò các khu vực đã được thống nhất chủ trương tại các khu vực: Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận để có trữ lượng tin cậy đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, hoàn thành thăm dò quặng titan trong tầng cát đỏ khu Lương Sơn, Bắc Bình Thuận phục vụ cho việc khai thác, chế biến quy mô lớn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiền đề cho hoạt động thăm dò chi tiết, để biến con số 150 triệu tấn trong kỳ quy hoạch này từ mức tài nguyên sang mức độ tin cậy cao của báo cáo trữ lượng, cần một nguồn tài chính lớn cho công tác thăm dò chi tiết. Ước tính để có được sản lượng đầu tiên từ khu vực này, cũng phải mất khoảng thời gian ít nhất từ 4 đến 6 năm cho công tác thăm dò chi tiết và xây dựng nhà máy. Đó là chưa kể đến một số yếu tố kỹ thuật khác liên quan mật thiết đến các dự án khai thác và chế biến; quặng titan –zircon khu vực cát đỏ này có hàm lượng thấp, trung bình 0,8-0,9% khoáng vật nặng trong thân quặng, hàm lượng sét cao và nằm ở khu vực không dồi dào nguồn tài nguyên nước ngọt vốn cần thiết cho hoạt động khai thác và chế biến. Đây sẽ là những yếu tố tối quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án khai thác chế biến trên vùng tài nguyên rộng lớn này.

Cắt giảm nhân lực lớn nhất trong lịch sử ngành

Nếu như năm 2009 đến 2011 nhiều mỏ tận thu được tỉnh cấp phép, đưa con số doanh nghiệp khai thác chế biến titan đến trên 60 doanh nghiệp, thì năm 2013 nhiều mỏ tận thu titan hết hạn hoặc buộc dừng khai thác do vấn đề môi trường.

Vì thế, số lượng các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trên cơ sở các giáy phép tận thu buộc phải dừng hoặc đóng cửa do giá titan giảm, doanh nghiệp không hoạt động hiệu quả để đáp ứng được các vấn đề liên quan đến môi trường và đầu tư chế biến sâu là lớn nhất từ trước đến nay. Điển hình tại tỉnh Bình Thuận, nơi đang có nguồn tài nguyên titan cát đỏ lớn nhất cả nước, thì số doanh nghiệp thực sự hoạt động chỉ chiếm 20% số doanh nghiệp đăng ký hoạt động khai thác chế biến titan trong năm 2013.

Gần đây nhất các doanh nghiệp chế biến sâu trong nước đã buộc phải dừng một phần hoặc toàn bộ nhà máy do các vẫn đề về nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành- một công ty niêm yết đã báo lỗ. Đại gia khoáng sản SQC lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi lên sàn với lãi ròng quý âm hơn 7,3 tỷ đồng, SQC giải trình là do chịu ảnh hưởng kép bởi việc giảm giá bán của các sản phẩm từ titan trên thị trường thế giới và các chi phí đầu vào lại tăng cao.

Bối cảnh chung của các nhà máy chế biến sâu là nguyên liệu thô không mua được do giá giảm, trong khi doanh nghiệp khai thác quặng thô đang loanh quanh với bài toán cân đối chi phí sản xuất và đang giữ mức giá chào còn cao, chưa đủ hấp hẫn thì các doanh nghiệp chế biến sâu – người thu mua nguyên liệu thô phải đối mặt với việc nguyên liệu đầu vào giá vẫn cao, mua về làm ra sản phẩm lại khó bán, nhu cầu thị trường vẫn còn rất yếu và giá thì thấp.

Cũng chính vì những lý do như thế, SQC mới đây đã chính thức tuyên bố tạm dừng hoạt động của nhà máy sản xuất xỉ titan từ ngày 25/12/2013 với lýdo thiếu nguyên liệu sản xuất.

Không phải chỉ xảy ra tại Việt Nam, do mức tiêu thụ thụt giảm nghiêm trọng, tình hình thị trường ảm đạm, các nhà sản xuất nguyên liệu thô titan lớn nhất thế giới như RioTinto, Iluka cũng phải đóng cửa mỏ tạm thời, cắt giảm lao động, cắt giảm sản lượng trong bối cảnh thua lỗ để nhằm tạo lại thế cân bằng cung cầu.

Bình Thuận - tiêu điểm titan của quốc gia

Nếu tuyên bố trong quy hoach titan mới nhất đưa Bình Thuận vào danh sách tỉnh có tài nguyên titan chiếm 92% tổng tài nguyên titan Việt Nam thì năm 2013 Bình Thuận cũng có nhiều sự kiện titan thu hút dư luận trong nước và quốc tế .

Ngoài các tin liên quan đến xuất lậu khoáng sản titan kéo dài và lớn tiếng nhất trong ngành titan Việt Nam của một doanh nghiệp titan tại Bình Thuận. Gần đây có 2 doanh nghiệp khác đã khởi công 2 khu công nghiệp tập trung đầu tiên về chế biến sâu titan zircon tại phía bắc và phía nam của Bình Thuận.

Trong tương lai không xa, với nguồn tài nguyên titan – zircon phong phú, Bình Thuận sẽ là địa phương có hoạt động khai thác và chế biến titan sôi động nhất trên cả nước.

Kịch bản nào cho 2014 ?

Có thể nói năm 2013 đã khép lại sau nhiều sự kiện mang dư vị buồn, của ngành titan thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, vật liệu titan là một trong những loại vật liệu chiến lược của thế kỷ 21.

Các nhà khoa học ngày càng tìm thấy nhiều hơn nữa các ứng dụng quan trọng của vật liệu titan trong các ngành công nghiệp mũi nhọn và khẳng định titan là nguyên liệu không thể thay thế trong công nghiệp không gian, quân sự và y tế. Cũng chính vì những ưu điểm đó, khai thác và chế biến titan luôn là một lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư và hoạch định chính sách trên thế giới.

Theo dự báo của giới chuyên gia, 6 tháng 2014, ngành titan vẫn tiếp tục phải đối mặt với việc giảm giá. Tốc độ giảm giá đã chậm lại một cách đáng kể, một số sản phẩm như ilmenite và Zircon đã có vẻ như đã ổn định, trong khi đó các sản phẩm rutile và xỉ titan vẫn đang có xu hướng giảm nhẹ. Quá trình xử lý hàng tồn kho – hiện tại vẫn đang ở mức rất cao tại các thị trường lớn cần đến sự tăng trưởng tích cực trở lại của các nền kinh tế lớn và trong bối cảnh hiện tại, ước tính cần khoảng 6 tháng để nhìn thấy những sự cải thiện quan trọng tại khu vực thị trường nguyên liệu thô.

Rõ ràng, trong dài hạn, đây là một ngành công nghiệp đầy tiềm năng tại Việt Nam nhưng nó cũng bao hàm nhiều rủi ro và biến cốcần đến các giải pháp chuyên nghiệp trong tầm nhìn toàn cầu. Hy vọng sau những thăm trầm, nhà đầu tư cũng như nhà xây dựng chính sách về lĩnh vực khai thác và chế biến titan – zircon tại Việt Nam có thể rút ra những bài học quý báu cho để từng bước xây dựng một ngành công nghiệp titan phát triển bền vững .

Titan là một lĩnh vực rất thú vị và cũng đầy thách thức, để thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ và hợp lý các giải pháp về công nghệ, thị trường, chính sách. Hơn bao giờ hết, tầm nhìn chiến lược của quốc gia và năng lực nội tại của nhà đầu tư sẽ giúp vượt qua những khó khăn và tận dụng được các cơ hội mới trong tương lai.

Nguồn Vietstock


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày