Kinh Doanh

PTM bước chân vào cửa hẹp

Thứ Hai | 13/04/2015 21:43

Bài học chuyển đổi mô hình kinh doanh từ chuyện của PMT.

Với doanh thu tăng 43% và lợi nhuận cao hơn gấp đôi so với năm 2013, các doanh nghiệp niêm yết ngành ôtô đã có một năm đầy hứng khởi (số liệu do NCĐT tổng hợp từ báo cáo tài chính các công ty). Tuy nhiên, niềm vui lại không san sẻ đều cho các doanh nghiệp trong nhóm này.

Đáng chú ý là Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Ôtô PTM. Với thị giá thấp, thanh khoản kém kéo dài trong những năm qua, đến nay PTM đã chính thức hủy niêm yết sau 3 năm lỗ lũy kế. Đó là vì PTM đã thất bại trong việc chuyển đổi mô hình từ sản xuất sang làm thương mại.

Bỏ sản xuất làm thương mại

Tiền thân của PTM là Công ty Cổ phần Khuôn mẫu chính xác và Máy CNC tại Hà Nội, được thành lập vào năm 2001 và có cổ đông lớn là Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp. Khi đó, hoạt động chủ lực của PTM là gia công cơ khí, sản xuất máy CNC và kinh doanh thiết bị máy móc.

Tuy nhiên, đến năm 2009, đi cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn và PTM cũng không ngoại lệ. Năm 2009, PTM thua lỗ gần 1,6 tỉ đồng. Các cổ đông thúc giục Hội đồng Quản trị nhanh chóng tìm kiếm đối tác chiến lược, phát hành thêm vốn để đầu tư vào ngành nghề kinh doanh mới có hiệu quả hơn.

Đến năm 2010, đối tác chiến lược mới đã xuất hiện. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Ôtô Việt Nam (Visaco) tham gia góp thêm 6 tỉ đồng vào PTM, chiếm tỉ lệ gần 31,6% khi đó. Đến đầu năm 2011, Công ty đổi tên và thay Ban quản trị và Ban điều hành.

Trong đó, đại diện đáng chú ý là ông Đỗ Tiến Dũng và ông Vũ Quang Huy được bầu vào vị trí thành viên Hội đồng Quản trị. Ông Huy sau đó giữ chức Tổng Giám đốc PTM. Còn ông Dũng là đại diện của Visaco và cũng đồng thời là thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Dịch vụ Ôtô Hàng Xanh (HAX), một đơn vị cũng niêm yết trên sàn chứng khoán.

Có lẽ vì thế mà PTM thay đổi chiến lược theo định hướng kinh doanh ôtô nhập khẩu. Ngay sau khi nhân sự cấp cao đã ổn định, PTM tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc kinh doanh ôtô và lấy vốn để nhập khẩu. Công ty đồng thời cũng “đoạn tuyệt” với lĩnh vực sản xuất cơ khí, bằng cách góp vốn vào Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị kỹ thuật số (DEM) và bán toàn bộ tài sản xưởng cơ khí và xưởng nhôm cho công ty này.

Tham vọng của Công ty sau khi chuyển đổi mô hình là tạo ra doanh thu gấp 10 lần trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, ngay trong năm đó, kế hoạch này đã không thực hiện được, mặc dù PTM được điều hành bởi những ông chủ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình.

Khe cửa hẹp

Thất bại của PTM có hai nguyên nhân chính. Một là mô hình kinh doanh truyền thống không có gì nổi trội, nhưng bên cạnh đó phần nhiều có lẽ xuất phát từ việc cố chen chân vào khe cửa hẹp. Năm 2011 có thể được gọi là thời điểm “đen tối” đối với nhiều nhà nhập khẩu ôtô ở Việt Nam vì chính sách hạn chế nhập khẩu của Chính phủ.

Khe cửa đối với các nhà nhập khẩu ôtô tự do gần như đã khép lại với Thông tư 20 có hiệu lực từ tháng 5.2011. Theo đó, các nhà phân phối muốn nhập khẩu ôtô cần phải có đầy đủ 2 giấy phép là giấy ủy quyền chính hãng và giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn bảo hành bảo dưỡng. Tuy nhiên, không có nhiều nhà kinh doanh nhận được đủ loại giấy tờ này.

Hoạt động của PTM khi đó là nhập xe mới 100% và không có nhãn hàng xe đặc biệt nào. “Cảnh cửa cuối cùng đóng lại, gần như không thể làm được gì khác”, một cựu lãnh đạo PTM (xin được giấu tên) nhận định về tác động của Thông tư 20 đối với PTM.

Trước bối cảnh đó, PTM tái cấu trúc theo hướng chờ đợi sự nới lỏng của Thông tư 20. Hệ thống và bộ máy nhân sự vẫn tương đối đầy đủ, nhưng quy mô thì thu hẹp lại, chỉ còn bằng 1/10 so với thời kỳ trước đó.

Sau khi cầm cự khoảng 2 năm, đến năm 2013 Công ty quyết định chuyển hướng sang kinh doanh xe đã qua sử dụng và tập trung làm dịch vụ. Tuy nhiên, ngoài yếu tố nguồn xe hạn chế và không ổn định, lĩnh vực buôn bán xe cũ không đủ bù đắp chi phí. PTM thừa nhận không cạnh tranh được về giá bán với các doanh nghiệp nhỏ hơn và các cá nhân. Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2014 (đã kiểm toán), khoản phải thu của PTM lên đến gần 11,2 tỉ đồng, tương ứng với số tiền PTM trả trước cho các khách hàng ký gửi xe nhưng chưa bán được.

Trong khi đó, hoạt động xưởng dịch vụ hiện nay cũng gặp nhiều bất lợi. Theo nhận định của Hội đồng Quản trị năm 2014, lượng khách hàng vào xưởng ước giảm 40% so với trước đây. “Không còn phần bán hàng, hoạt động dịch vụ chỉ còn lượng khách trước đây nhưng dần dần cũng không vào nữa”, vị cựu lãnh đạo nói trên chia sẻ. Mặt khác, các hãng phân phối chính thức giảm giá phụ tùng tới 30% nên PTM cũng không cạnh tranh được về giá.

Dù vậy, PTM hiện vẫn kiên quyết đi theo con đường kinh doanh ôtô. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2014, bên cạnh việc ổn định sản xuất kinh doanh tại 2 xưởng dịch vụ 256 Kim giang và 46 Láng Hạ, Công ty sẽ tập trung đẩy mạnh thêm mảng kinh doanh ôtô mới. Đồng thời, PTM cũng đã thoái vốn khỏi DEM, vì công ty này luôn hoạt động thua lỗ, theo vị cựu lãnh đạo nói trên.

Cuối năm ngoái PTM có thay đổi lớn về nhân sự. Cụ thể, ông Vũ Quang Huy đã thoái hết gần 5,6% vốn của mình ở PTM và từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc; ông Lê Việt Dũng, Phó Tổng giám đốc PTM, lên thay. Bên cạnh đó, Nghị quyết Hội đồng Quản trị của HAX hồi tháng 10.2014 cũng có nhắc đến việc sẽ liên kết sâu hơn với PTM bằng cách ủy quyền cho Ban Tổng Giám đốc được giao dịch, ký kết các hợp đồng, hợp tác với PTM. HAX cũng quyết định thành lập chi nhánh của Công ty ở địa chỉ 46 Láng Hạ (đây cũng đồng thời là xưởng dịch vụ của PTM). Thị trường kỳ vọng sau những động thái này, PTM sẽ có sự thay da đổi thịt trong năm nay.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày