Qua thời bán lẻ di động?
Ảnh: Quý Hòa
Các doanh nghiệp bán lẻ di động đang kinh doanh bết bát giữa lúc cạnh tranh càng ngày khốc liệt.Di Động Việt cho biết doanh số quý II/2023 của Hãng chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Công ty cũng gần như không có lợi nhuận.
Kinh doanh ảm đạm
Không riêng Di Động Việt mà các doanh nghiệp cùng ngành đều kinh doanh sa sút. Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho biết 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần ở 2 chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Đi Động chỉ đạt hơn 41.500 tỉ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 39 tỉ đồng, chưa bằng 1% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đề ra là 4.200 tỉ đồng. Đáng chú ý, Công ty không còn công bố doanh thu từng tháng như trước, cho thấy tình hình kinh doanh đã không thuận lợi để liên tục cập nhật với nhà đầu tư.
FPT Shop cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ sức cầu tiêu dùng giảm. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính FPT Shop có thể chịu lỗ trong quý II và quý III này. CellphoneS thì chỉ tăng trưởng gần 8%, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Ông Huy Nguyễn, sáng lập Schannel (kênh truyền thông cho CellphoneS), cho biết khó khăn của thị trường bán lẻ công nghệ không phải đợi năm 2023 mới xảy ra mà đã khởi nguồn từ năm 2022, tức sau khi thị trường bán lẻ điện thoại, máy tính bùng nổ nhu cầu làm việc, học tập tại chỗ (năm 2021). Khi đó, các hãng đều đề ra các kế hoạch tăng trưởng nóng và tăng mạnh hàng tồn kho. Theo báo cáo của Counterpoint Research, quý III/2022, các lô hàng smartphone của Việt Nam đã tăng 34% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2023, tình hình càng khó khăn. Theo khảo sát của PwC, 62% người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Đây cũng là nhận định của ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, khi cho rằng thời điểm khó khăn hiện tại, các sản phẩm không thiết yếu, đặc biệt là thời trang, phụ kiện, đồ điện tử sẽ bị cắt giảm chi tiêu.
Lúc này, hàng tồn kho trở thành nỗi đau đầu của các nhà bán lẻ. Lãnh đạo Digiworld cho biết, các doanh nghiệp bán lẻ như MWG và FPT Shop thay vì mua iPhone trực tiếp từ Apple đã chuyển sang mua qua Digiworld để giảm rủi ro tồn kho. Digiworld kỳ vọng các doanh nghiệp bán lẻ sẽ hoàn tất việc thanh lý hàng tồn kho trước thời điểm ra mắt iPhone mới (dự kiến tháng 10/2023). Nhưng trước sức ép tồn kho và lực cầu suy giảm, MWG đã khơi mào một cuộc chiến về giá.
Tại Đại hội cổ đông năm 2023, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG Nguyễn Đức Tài bày tỏ: “Trước đây, MWG không quá căn ke về chênh lệch giá bán các sản phẩm Apple của chuỗi Thế Giới Di Động so với các đối thủ và đây chính là khe hở để các đối thủ kiếm khách hàng”. Vì thế, MWG quyết định đặt mức giá bán sát với đối thủ và chênh lệch giá không còn là chỗ để các đối thủ khai thác.
MWG đã mở màn chiến lược quảng cáo với thông điệp “Giá rẻ quá”. FPT Retail cũng nhanh chóng đáp trả bằng chiến dịch “Rẻ hơn cả rẻ quá”. Di Động Việt thì tung ra chiến dịch “Rẻ hơn các loại rẻ”. Hoàng Hà Mobile cũng triển khai chiến dịch “Chào hè rực rỡ, sale rẻ hết cỡ”. Cuộc chiến về giá này được ông Huy Nguyễn nhận định là khốc liệt nhất trong lịch sử ngành bán lẻ ICT từ trước tới nay. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld, cũng cho rằng cuộc chiến giá cả đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bán lẻ và các sản phẩm của Apple. Đáng chú ý hơn, giữa lúc cuộc chiến về giá chưa chấm dứt, MWG tiếp tục châm ngòi cho cuộc chiến mới: cuộc chiến độc quyền.
Theo đó, MWG đã ký kết nhiều thương vụ hợp tác với hàng loạt mẫu smartphone mới ra mắt như realme C53, Vivo Y36, Xiaomi Redmi 12. Hãng cũng bắt tay với MSI, Asus, HP và Acer. Với chiến lược này, MWG đã có thêm một lượng khách hàng hùng hậu. Đơn cử, sản phẩm Xiaomi Redmi 12 Series đã có hơn 17.000 đơn hàng chỉ sau 1 tuần mở bán hay realme C53 đạt được 6.500 đơn chỉ sau 3 ngày.
Nhưng khác với cuộc chiến về giá, đại diện truyền thông của Di Động Việt cho biết: “Công ty không quá quan tâm vấn đề độc quyền của các ông lớn”. Điều mà hãng này quan tâm là các giá trị vượt trội tạo ra cho khách hàng.
Thị trường đã thay đổi
FPT Shop vẫn thận trọng với nhận định “khó khăn có thể còn kéo dài”. Thực tế, từ vài năm gần đây, các tay chơi trong lĩnh vực này nhận thấy “thị trường điện thoại đã bão hòa và xu hướng cửa hàng chuyên biệt lên ngôi”. Diễn biến này không khác biệt so với tình hình chung trên thế giới khi doanh thu smartphone toàn cầu năm 2022 chỉ đạt 409 tỉ USD, thấp nhất kể từ năm 2017, theo Counterpoint Research.
Vì thế, cả FPT Shop lẫn MWG đã tái cơ cấu, thu hẹp quy mô, tạm dừng mở mới cửa hàng. MWG còn tiến hành rà soát và cắt bỏ mọi thứ lãng phí, tiếp tục tối ưu vận hành, tự động hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động. CellphoneS, Di Động Việt, FPT Shop cũng kinh doanh sản phẩm gia dụng và bắt tay với các đối tác trong lĩnh vực tài chính để có được những gói hỗ trợ và kích cầu như trả góp không lãi suất hoặc rất thấp, trả chậm...
Ông Huy Nguyễn thì đề cao giải pháp “quản trị tốt về dòng tiền, triển khai nhiều chương trình có thể tạo ra nhu cầu mới cho người tiêu dùng và cải tiến chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng”. Đây là các giải pháp mà ông khẳng định đã giúp CellphoneS vượt qua khó khăn hiện tại và tăng tốc sau này khi sức mua tiêu dùng cải thiện hơn. Theo dự báo của VNDirect, từ quý IV/2023 kinh doanh mảng bán lẻ ICT sẽ khả quan hơn khi niềm tin tiêu dùng sau thời điểm “chạm đáy” sẽ tăng lên và nhu cầu cũng tăng mạnh sau 1 năm thắt chặt. VNDirect cũng đánh giá, xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ giúp tín dụng tiêu dùng dần quay trở lại sau khi nợ xấu được kiểm soát.
Có thể bạn quan tâm:
8 tháng năm 2023: Xuất khẩu rau quả tăng 57,5%
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư