Kinh Doanh

Vũ Ngọc & Son bén duyên với thời trang cao cấp trung niên

Lê Phan Thứ Bảy | 08/10/2022 07:30

Nhận định về thị trường thời trang cao cấp trong nước, 2 nhà thiết kế cho rằng, khái niệm này đang bị lạm dụng và còn nhiều nhầm lẫn.

Với Vũ Ngọc Tú, công việc anh đang làm không hẳn là thiết kế thời trang mà là mang đến niềm vui cho người mặc.
Nhận định về thị trường thời trang cao cấp trong nước, 2 nhà thiết kế cho rằng, khái niệm này đang bị lạm dụng và còn nhiều nhầm lẫn.

Sau tuổi 30, đa phần phái đẹp có xu hướng chọn màu cơ bản hoặc màu trung tính cho trang phục, nhằm che khuyết điểm và cũng là để phù hợp hơn với lứa tuổi. Vũ Ngọc & Son không nghĩ như vậy. Họ phá vỡ quy chuẩn thường thấy, mang đến cho người mặc sự tự tin qua các thiết kế đầy màu sắc.

Gặp nhau ở đường kim, mũi chỉ

Gắn bó với mảnh đất xứ Kinh Kỳ từ thời sinh viên, Vũ Ngọc Tú bị kỹ thuật may thêu thủ công nơi đây cuốn hút. Tú gặp Đinh Trường Tùng, chàng trai sinh ra và lớn lên ở đất Cố Đô. Niềm đam mê những thước vải, mũi thêu và nghệ thuật thủ công truyền thống đã gắn kết 2 người bạn ấy lại với nhau.

Một cửa hàng nhỏ dựng nên, ban đầu chỉ đặt mục tiêu may trang phục cho khách du lịch và bạn bè hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. 10 năm kinh nghiệm thực tế, tiếp xúc với ngày càng nhiều khách hàng trong nước, Tú nhận ra gần như không có thương hiệu thời trang Việt nào dành cho phụ nữ tuổi từ 30, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp.

“Chúng tôi nhận thấy kỹ thuật may đo của người Việt không hề thua kém các nhà mốt quốc tế, nhưng thị phần đó gần như bị bỏ trống hoặc chỉ dừng lại ở cấp độ gia công cho nước ngoài, đó là điều vô cùng đáng tiếc", Vũ Ngọc Tú chia sẻ lý do chọn thời trang ứng dụng cao cấp.

 

Vũ Ngọc & Son (Son là tên ở nhà của Tùng) chính thức ra đời vào đầu năm 2015 tại Sài Gòn nhờ sự giúp sức của không ít bạn bè. Nhờ định dạng rõ nét: thời trang ứng dụng cao cấp, màu sắc rực rỡ và dành cho phụ nữ sau 30, Vũ Ngọc & Son nhanh chóng tìm được chỗ đứng giữa nhiều thương hiệu thời trang thiết kế địa phương trỗi dậy. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước khoảng 300%. 7 show diễn cá nhân được tổ chức tại nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam với lượng khách mới tham dự lên đến 1.200 người.

Tú ví von, công việc của anh không hẳn là thiết kế trang phục mà là mang đến niềm vui cho người mặc. Niềm vui ấy đến từ việc giúp khách hàng tự tin đối với cơ thể và từ việc lắng nghe họ. “Trên quy chuẩn của thiết kế, chúng tôi hoàn thiện trang phục theo ý khách hàng đến khi họ hài lòng mới thôi”, Tú chia sẻ.

Thay vì chọn giới trẻ hoặc người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí, đối tượng trọng tâm Vũ Ngọc & Son hướng đến là nữ doanh nhân nói riêng và phụ nữ sau 30 tuổi nói chung, phân khúc khách hàng không dễ theo đuổi. Bởi phụ nữ ở lứa tuổi này đều đã khẳng định được vị trí, vai trò của họ trong công việc cũng như đã định hình phong cách cá nhân.

Nhận định về thị trường thời trang cao cấp trong nước, 2 nhà thiết kế cho rằng, khái niệm này đang bị lạm dụng và còn nhiều nhầm lẫn. Không phải bất kỳ sản phẩm nào bán giá đắt cũng là cao cấp hoặc pha một chút may thêu đều là "luxury". Vì bản thân các mặt hàng fast fashion hiện nay đã làm rất tốt khâu này. Sản phẩm cao cấp ngoài sự tỉ mỉ trong đường kim, mũi chỉ hay những chi tiết đính kết được làm hoàn toàn bằng thủ công còn phải kể được câu chuyện về văn hóa phía sau nó và chứa đụng những kỹ thuật đặc trưng của nhà mốt mà thương hiệu khác không thể có được.

Mang Việt Nam đến với thời trang cao cấp

“Chúng tôi học được từ các nhà mốt thế giới như Dolce & Gabana hay Dior, ngoài sự tiên phong trong sáng tạo còn là sự liên kết chặt chẽ của họ với các nghệ nhân, những người thợ thủ công lành nghề để tạo ra những sản phẩm tinh tế nhất. Điều này còn giúp tạo ra vòng tròn bền vững cho ngành thời trang và chúng tôi đã học theo điều đó từ lúc khởi dựng thương hiệu”, nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú nhấn mạnh.

 

Vì thị phần thời trang cao cấp Việt Nam khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 5-6%, trong khi thương hiệu nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam nên các thương hiệu Việt phân khúc này trụ vững đến hôm nay chỉ còn vài cái tên nổi bật như Cong Tri, Phuong My. 

“Mỗi năm, chúng tôi đều giới thiệu những mẫu họa tiết mới, đậm chất văn hóa, truyền thống Việt. Đó có thể là họa tiết cách điệu 12 con giáp mỗi dịp Tết, có thể là họa tiết gắn liền với một vùng đất di sản, hoặc ký ức thời thơ ấu, những chuyến viễn du bất tận. Chúng tôi tin, bất kỳ khách hàng nào cũng có thể tìm thấy hình bóng và xúc cảm thân thuộc trong các thiết kế đầy hiện đại của mình”, Tùng chia sẻ.

COVID-19 phác họa diện mạo khác về ngành thời trang, vốn dĩ bảo thủ. Trình diễn trực tuyến, thậm chí bán hàng trên các kênh thương mại điện tử được các nhà mốt Dior, Gucci, LV... áp dụng. Tại Việt Nam, mặc dù xu hướng này có sự tăng trưởng nhưng số liệu từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng doanh số bán lẻ.

Vũ Ngọc & Son nhận định, trong bối cảnh công nghệ trình diễn vẫn còn chưa phát triển và nhiều tốn kém như tại Việt Nam thì việc trình diễn trực tuyến không giúp khách hàng xem chi tiết từng họa tiết hay chạm vào thớ vải để cảm nhận được. 

Trong tương lai xa hơn, nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú cho biết, anh vẫn duy trì định hướng đã chọn, biến sự vui tươi trở thành một phong cách sống thay vì chỉ là dấu ấn nhận diện của thương hiệu. Bên cạnh việc mở rộng ra thị trường quốc tế với các thiết kế ứng dụng, Vũ Ngọc & Son đẩy mạnh liên kết với các nghệ nhân tại các làng nghề để tạo ra những thiết kế cao cấp, hướng đến định dạng Haute couture (may đo cao cấp, theo số đo, hoàn toàn thủ công, đặt trước và không có sản phẩm thứ 2).

Những thiết kế đan móc bằng tay trong bộ sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật mới đây là minh chứng cho định hướng này và được người trong nghề ủng hộ, trong đó có nhà thiết kế Thủy Nguyễn - một người say mê văn hóa Việt và nghệ thuật thủ công truyền thống


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày