Bảo vệ - Bảo tồn

Golf "phủi": Đâu chỉ là thú chơi của nhà giàu!

Hoài Sa Chủ Nhật | 12/03/2017 03:00

Golf ở Việt Nam là môn thể thao dành cho giới nhà giàu nhưng vẫn có cách chơi theo kiểu “nhà nghèo”.

Tuấn chỉ là một công chức bình thường, chưa bao giờ sở hữu ô tô đắt tiền. Nhưng điều đó không ngăn cản anh đến với niềm đam mê golf. Bởi theo anh, golf ở Việt Nam là môn thể thao dành cho giới nhà giàu nhưng vẫn có cách chơi theo kiểu “nhà nghèo”.

Dĩ nhiên, “nhà nghèo” ở đây chỉ là cách nói vui khi so sánh với dân siêu giàu. Chứ thực ra, đặt trên mặt bằng chung của xã hội, gia đình anh Tuấn vẫn thuộc tầng lớp trung lưu thành thị. Bộ gậy đánh golf mà anh Tuấn sở hữu chỉ thuộc dạng “second-hand”, song nó vẫn có giá 20 triệu đồng. “Vậy anh có mặc cảm khi đi một chiếc xe cà tàng tới sân golf và vác theo bộ gậy không phải là hàng hiệu?”.

“Tại sao phải mặc cảm cơ chứ! Tôi thậm chí còn hãnh diện vì luôn dẫn đầu trong nhóm chơi cùng”, Tuấn vui vẻ đáp, đồng thời rút điện thoại khoe ảnh hàng loạt chiến tích, trong đó có cả giải thưởng là một cú Hole-in-one của một giải đấu nghiệp dư mà anh tham dự gần đây.

Khi chuyển sang chơi golf, thay vì phải đầu tư tốn kém, Tuấn được những người đi trước truyền thụ một số kinh nghiệm sao cho có thể theo đuổi đam mê một cách tiết kiệm nhất có thể. Bộ gậy đánh golf mà anh có được là từ một đại gia “lên đời” nên sang tên với giá chỉ bằng 1/5 giá ban đầu, chất lượng vẫn rất tốt. “Còn mới đến 90%”, Tuấn cười đắc chí, đồng thời cho biết vị đại gia kia mua gậy golf để... trưng bày là chính. “Mà những người như ổng trên sân golf thì rất nhiều”.

Tương tự, thay vì bỏ 20 triệu đồng tham gia một khóa học căn bản tại các học viện uy tín, Tuấn theo học một ông thầy “phủi” đến từ Malaysia, nói tiếng Việt như gió. Đương nhiên là giá rất “mềm”, học buổi nào tính tiền buổi ấy. Nhà Tuấn ở trung tâm Hà Nội, trong vòng bán kính 5-7 km, anh có đến 3-4 lựa chọn tập golf tại các câu lạc bộ uy tín như Phương Đông, Khách sạn Thắng Lợi hay BRG Hồ Tây.

Trên thực tế, dù ở Việt Nam ngày càng có nhiều sân golf (golf course), sân tập golf (driving range) mọc lên trên khắp cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn và các thành phố du lịch, cũng như số lượng người chơi tăng theo cấp số nhân, song golf vẫn giống một món đồ trang sức cho giới nhà giàu hơn là môn thể thao bổ trợ sức khỏe. Thậm chí, nhiều đại gia còn chi cả tỉ bạc để mua các bộ gậy nạm vàng. Riêng găng tay cũng tốn vài trăm ngàn đồng mỗi chiếc, chưa kể những phụ kiện như giày, quần áo, mũ, thắt lưng, kính... cho đến các loại kem chống nắng, dược mỹ phẩm. Tiếp đó là đầu tư cho các thẻ hội viên tại các sân golf lên tới 20.000-30.000USD, rồi các lần tham dự giải ở khắp nơi...

Golf

Tuấn lý giải: “Người chơi golf đa phần là doanh nhân, trong đó nhiều người ra sân golf để mở rộng quan hệ. Mà đã ra sân thì phải thể hiện đẳng cấp qua bộ gậy và phục trang. Chơi golf lúc đó chỉ còn đóng vai trò... phụ họa mà thôi”. “Nhu cầu trưng diện đó khiến golf trở thành môn thể thao quý tộc, nhưng là bề nổi. Còn như tôi, tập luyện nghiêm túc rồi đàng hoàng có mặt ở các sân golf vào mỗi dịp cuối tuần” , Tuấn giải thích thêm.

Mới đây, anh tham dự một giải đấu ở Quy Nhơn có tổng giá trị giải thưởng lên tới 60 tỉ đồng, mà phí tham dự giải chỉ là... 3,5 triệu đồng (kèm cả ăn ở 2 đêm ở khách sạn 5 sao)! Việc tổ chức giải golf được xem như màn quảng bá tên tuổi, chi phí tổ chức lấy từ ngân sách quảng cáo của một công ty bất động sản. Do đó, họ chủ trương mở rộng cửa cho các tay golf nghiệp dư như Tuấn tham dự với mức phí mà theo anh là “rẻ như cho”. Hơn 1.500 tay golf đã tham dự ngày hội đó.

“Bạn thấy không, mình vừa có cơ hội nghỉ dưỡng ở khu nghỉ mát hàng đầu Việt Nam bây giờ, vừa có thể theo đuổi đam mê golf”, Tuấn kết luận mà không quên thòng thêm câu “chơi golf theo kiểu con nhà nghèo”.

Hoài Sa


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày