Khơi dậy nội lực làng
_24100246.png)
Thông thường, để giúp đỡ một cộng đồng nghèo, người ta đưa giải pháp từ bên ngoài vào nhằm bù đắp những phần mà họ cho rằng cộng đồng còn thiếu. Ảnh: TL
Đích đến cuối cùng của “Cô kiều làng Gò cỏ” không phải là làm du lịch, mà là xây dựng mô hình phát triển bền vững dựa vào nội lực cộng đồng.Nhắc đến Nguyễn Thị Diễm Kiều, người ta thường nghĩ đến hình ảnh “cô Kiều làng Gò Cỏ” bởi những bài báo liên tục khắc họa cô từ năm 2019 đến nay. Cô gái sinh năm 1992 đã biến làng Gò Cỏ từ một cộng đồng già cỗi, ít người biết đến thành một làng du lịch cộng đồng 3 sao OCOP. Thế nhưng, điều ít ai biết là thành công của làng Gò Cỏ không chỉ của một mình Kiều, mà là trái ngọt từ nỗ lực của mọi thành viên Doanh nghiệp xã hội SungCo mà cô là thành viên. Và đó chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh lớn hơn rất nhiều.
Thông thường, để giúp đỡ một cộng đồng nghèo, người ta đưa giải pháp từ bên ngoài vào nhằm bù đắp những phần mà họ cho rằng cộng đồng còn thiếu, còn kém phát triển. Nhưng với Kiều, các cộng đồng này đủ đầy từ bên trong. Cách của cô là làm sao bằng chính năng lực của người dân, bằng chính những thứ họ đang có, họ nhận thấy được sự đủ đầy của mình và tự tin về điều đó.
Cách tiếp cận độc đáo của SungCo tập trung vào “khơi dậy nội lực làng”. Đích đến cuối cùng không phải là làm du lịch, mà là xây dựng mô hình phát triển bền vững dựa vào nội lực cộng đồng. SungCo ra đời từ tình yêu của ông Đoàn Sung, một doanh nhân gốc Quảng Ngãi, với Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, một công viên địa chất toàn cầu. Ông kỳ vọng việc được công nhận là công viên địa chất toàn cầu sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực, mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng.
![]() |
Tuy nhiên, hàng loạt thách thức đã diễn ra trong quá trình họ thực hiện dự án bảo tồn một số khu vực cộng đồng có tiềm năng phát triển du lịch trong phạm vi công viên. Dù những dự án bảo tồn được cộng đồng ủng hộ, nhưng có quá nhiều mâu thuẫn về mặt bản chất giữa doanh nghiệp truyền thống và khối cộng đồng đang mong chờ sự khởi sắc kinh tế một cách bị động.
Điều này khiến người dân không ngừng hoài nghi. Đa phần họ mang tinh thần cảnh giác, dần mất niềm tin và căn bản đứng ngoài các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà dự án đề ra. “Chúng tôi nhận ra rằng, mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ nảy sinh cạnh tranh trực tiếp với người dân bản địa, khiến mục tiêu phát triển bền vững là bất khả thi”, Kiều hồi tưởng lại những ngày đầu khó khăn. Từ đó, mô hình hợp tác xã được họ vận dụng để dung hòa lợi ích của các bên.
SungCo sáng lập và góp vốn đầu tư vào một số hợp tác xã thuộc các địa phương đang sở hữu giá trị di sản. Đa số các hợp tác xã này đều nằm trong phạm vi Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh và lấy du lịch cộng đồng làm nguồn động lực chính để phát triển.
Kinh tế tập thể được xem là thành phần quan trọng bên cạnh doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và FDI. Mục tiêu hàng đầu của hợp tác xã là phục vụ lợi ích thành viên phù hợp với SungCo. Vì vậy, họ theo đuổi mô hình liên hiệp hợp tác xã, dự kiến ra mắt vào cuối quý I năm nay. “Du lịch cộng đồng, dịch vụ văn hóa (chứ không phải dịch vụ du lịch) chính là sản phẩm của quá trình này. Người dân tiếp nhận du khách đến ở trong chính những ngôi nhà tranh vách đất truyền thống và kể câu chuyện về quá trình chuyển đổi nhận thức, cách làm du lịch của họ”, Kiều kể.
Phương pháp ABCD (Asset Based Community Development) của SungCo tập trung vào việc phát huy nội lực của cộng đồng, nâng cao vai trò chủ thể trong phát triển bền vững kinh tế của làng. Thay vì các khoản đầu tư du lịch thông thường tập trung vào các dịch vụ, Công ty ưu tiên đưa cộng đồng trở thành trọng tâm chính. Thay cho những khách sạn, nhà nghỉ hiện đại, họ khuyến khích mỗi người dân xây nhà truyền thống của mình để đón khách.
Thành công với làng Gò Cỏ không đến dễ dàng. Đa phần dân làng, những người ở độ tuổi trên 50, cho rằng làm du lịch với họ là điều viển vông. Vì thế, SungCo tổ chức chuyến đi cho dân làng đến các địa điểm du lịch cộng đồng thành công như Cù Lao Chàm và Hội An. Những chuyến đi này đã mở rộng quan điểm của họ và truyền cho họ niềm tin vào tiềm năng của du lịch.
Vào năm 2019 SungCo thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng, cho phép làng Gò Cỏ cùng nhau quản lý hoạt động du lịch, đảm bảo phân phối công bằng thu nhập và trách nhiệm. Công ty không đo kết quả dự án bằng những con số về tăng trưởng du lịch như lượng du khách, số tiền kiếm được mà đánh giá và xây dựng bộ tiêu chí riêng để đo các chỉ số phát triển bền vững cho ngôi làng, trong đó chú trọng sự chuyển đổi nhận thức của người dân, từ làm thuê sang làm chủ, từ thiếu sang đủ và hạnh phúc với cuộc sống.
Khi Gò Cỏ đạt 3 sao vào năm 2019, họ đã có trong tay bài học thành công để thực hiện bước tiếp theo của kế hoạch dài hơi. SungCo đã hoàn thiện và chuyển giao mô hình cho người địa phương quản lý, vận hành. Kiều trở về với SungCo để vào vai trò tư vấn cho những ngôi làng còn “nghèo” về tiền bạc nhưng “giàu” về tài nguyên, lịch sử và văn hóa khác ở Quảng Ngãi.
![]() |
Thật ra, Gò Cỏ không phải là lựa chọn đầu tiên của Kiều khi cô đầu quân vào SungCo 10 năm trước. Khi ấy, SungCo, một doanh nghiệp xã hội mong muốn khôi phục văn hóa Sa Huỳnh và khai thác tiềm năng của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, đã chọn đảo Bé của Lý Sơn để phát triển du lịch cộng đồng. Kiều đã dành 1 năm ở trên đảo để tìm hiểu. Vì nhiều vướng mắc, họ đã không thể triển khai dự án ở đảo Bé. Nhiều năm sau, thành công của làng Gò Cỏ là bằng chứng hữu hình để chính quyền tại đảo bị thuyết phục. Tiếng lành đồn xa, nhiều làng khác đã tìm đến Kiều. Đến nay, SungCo đã hỗ trợ thành lập và là thành viên của 6 hợp tác xã.
“Người lập nên SungCo có hơn 3 thập kỷ nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển bền vững cho các cộng đồng đang sở hữu di sản thiên nhiên và văn hóa, đã có thành tựu nhất định về công tác bảo tồn di sản, nên muốn thành lập doanh nghiệp xã hội để phát triển mô hình và mở rộng thành mạng lưới các hợp tác xã điều phối như làng Gò Cỏ”, Kiều nói về việc cô đã bị thuyết phục và lựa chọn điều hành doanh nghiệp xã hội giữa những cơ hội khác.
Văn phòng của Kiều đặt ở dãy ki-ốt nhỏ được xây trong khuôn viên Bảo tàng Quảng Ngãi. Đội ngũ của SungCo chỉ đếm trên đầu ngón tay, phụ trách tư vấn mô hình và một vài việc giấy tờ khác. Những việc liên quan đến điều hành hợp tác xã tại các ngôi làng, họ tuyển dụng tình nguyện viên. Sau quê nhà, SungCo đang để mắt đến những bản làng Tây Nguyên. Họ muốn dân làng biến chính cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cùng với truyền thống của họ thành tài nguyên, để rồi đóng gói thành sản phẩm du lịch.
“Dân làng có thêm thu nhập, du khách có thể đóng thêm một khoản phí để được ở trong thiên nhiên. Như vậy, sẽ đem đến thêm lợi ích cho cộng đồng là giữ được rừng”, Kiều lạc quan về một tương lai đang hiện rõ trước mắt.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư