Phong Cách Sống

Loài voọc chà vá quý hiếm đang trên bờ tuyệt chủng

Thứ Hai | 07/03/2016 08:30

Việc phát hiện có ít nhất 500 con voọc chà vá chân xám tại Việt Nam được đánh giá là tin vui đặc biệt với ngành sinh vật học của thế giới.

Sau 2 tháng khảo sát trên một vùng rừng già rộng lớn tại tỉnh Kon Tum, Tây Nguyên, một quần thể voọc chà vá chân xám đặc biệt quý hiếm đã được phát hiện. Với đặc trưng khuôn mặt vàng nổi bật, cằm trắng và lớp lông màu xám mịn bao phủ hầu hết cơ thể, loại voọc chà vá này có ngoại hình thuộc loại đẹp trong nhóm linh trưởng. Ba loài chà vá gồm chân xám, chân nâu và chân đen thường sống trên cây trong các khu rừng già còn nguyên sinh của Việt Nam, tập trung theo đàn từ 4-30 cá thể. Các loài chà vá đều có đuôi dài bằng chiều dài cơ thể, từ 56-76 cm.

Việc tổ chức Fauna & Flora International (FFI), được thành lập từ năm 1903 và là tổ chức bảo tồn lâu đời nhất thế giới, phát hiện và xác nhận có ít nhất 500 con voọc chà vá chân xám tại Việt Nam được đánh giá là tin vui đặc biệt với ngành sinh vật học của thế giới. Tổng lượng cá thể voọc chà vá chân xám toàn cầu được ghi nhận đến thời điểm hiện tại chỉ khoảng 800-1.000 con trên khắp hành tinh.

Ông Trịnh Đình Hoàng, trưởng nhóm khảo sát, cho biết: “Việc khám phá một quần thể lớn như vậy của một trong những loài thú quý hiếm nhất Việt Nam thực sự là một vinh dự”. Rõ ràng, số lượng ít nhất 500 con voọc chà vá chân xám mới phát hiện tại Tây Nguyên đã làm gia tăng đến 50% tổng số cá thể voọc này trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh chúng đang thuộc vào nhóm 25 loài linh trưởng bị đe dọa tuyệt chủng nhiều nhất.

Voọc chà vá chân xám chỉ sinh sống ở các khu rừng Tây Nguyên và hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng phá rừng, mất nơi sinh sống và nạn săn bắn. Loài voọc cũng là nạn nhân của hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, hay bị săn để lấy thịt hoặc dùng làm thuốc.

Giám đốc FFI Việt Nam, Tiến sĩ Ben Rawson, cho biết: “Đây là loài voọc của riêng Việt Nam mà không nơi nào khác có. Việc phát hiện quần thể mới này đem lại nhiều hy vọng, nhưng sự thực đáng buồn là chúng vẫn đang ở trên bờ vực tuyệt chủng. Và FFI đang làm hết mình để ngăn chặn điều này”.

Ông Ben Rawson, người đã có hàng chục năm nghiên cứu các loài động thực vật hoang dã, còn ví von rằng nếu đặt trong hoàn cảnh của cuộc sống con người thì phát hiện này có thể ví như việc tìm thấy một đất nước mới với dân số hơn 1 tỉ người. Hoạt động tại Việt Nam từ năm 1997, FFI dưới sự điều hành của vị chuyên gia này có mục tiêu chính là bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam thông qua hợp tác với Chính phủ và cộng đồng.

Buổi tọa đàm công bố sự kiện phát hiện quần thể voọc chà vá chân xám mới đây do NCĐT tổ chức, ngoài việc thông báo tin vui về tính đa dạng sinh học của Tây Nguyên, còn nhằm tìm kiếm giải pháp đồng bộ, bền vững nhằm bảo vệ các loài thú và hệ sinh thái Việt Nam.

Nhóm giải pháp đầu tiên chính là dựa trên nền tảng khoa học và đánh giá về nhu cầu của người dân bản địa, nhằm từng bước hỗ trợ kinh phí, đồng thời tuyên truyền nhận thức bảo tồn động vật tự nhiên. Thông qua các hoạt động ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, FFI luôn cho rằng vấn đề tiên quyết để cứu các loài thú quý hiếm khỏi nạn tuyệt chủng chính nằm ở việc bảo đảm nơi sinh sống của chúng không bị hủy hoại.

Rõ ràng, vấn đề bảo tồn môi sinh của loại voọc quý hiếm này phụ thuộc rất lớn vào bài toán nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Khám phá mới này của FFI đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các doanh nghiệp trong nước, bao gồm Công ty Galaxy Media & Entertainment, Công ty Cơ Điện Lạnh (REE) và Ngân hàng ACB.

“Trong giới doanh nghiệp, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến việc bảo tồn tính đa dạng sinh học độc nhất vô nhị của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc REE, cho biết. Theo bà, giới doanh nhân có trách nhiệm đóng góp xây dựng tính bền vững cho di sản thiên nhiên của đất nước.

Bà Đinh Thị Hoa, người sáng lập và là Chủ tịch Galaxy Media & Entertainment, nhận xét: “Khám phá của FFI là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy các nỗ lực của chúng ta đang mang lại những kết quả thiết thực và minh chứng rằng cộng đồng doanh nghiệp có thể tích cực bảo tồn tính đa dạng sinh thái thông qua các mối quan hệ hợp tác chiến lược”.

Mặc dù việc phát hiện quần thể mới là một tin vui lớn, nhưng loài voọc chà vá chân xám vẫn đang được xếp hạng bị đe dọa nghiêm trọng. Tiến sĩ Ben Rawson nhận định: “Đây vẫn là một bước tiến đúng hướng, nhưng để bảo đảm được sự sinh tồn lâu dài của loài voọc này, chúng ta cần phải có sự phối hợp hành động giữa Chính phủ, cộng đồng địa phương, xã hội dân sự, giới khoa học lẫn các mạnh thường quân”.

Kế hoạch xem xét để quy hoạch khu rừng già nguyên sinh nơi voọc chân xám sinh sống thành khu rừng được bảo tồn đang được lãnh đạo tỉnh Kon Tum tiến hành như một giải pháp cấp thiết nhất hiện tại. Đà Nẵng cũng đang xem xét chọn voọc Cát Bà thành “linh vật” đại diện cho tính đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà.

Vi An


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày