Tài Chính

FPT ăn chắc mặc bền

Vũ Hoài Thứ Ba | 03/10/2023 08:47

FPT hiện có 3 khối hoạt động gồm công nghệ, viễn thông, giáo dục và khác. Ảnh: TL.

Bỏ qua những biến động trong ngắn hạn, FPT là một trong số ít những cổ phiếu có đà tăng giá bền bỉ trong hơn 1 thập niên qua.
FPT hiện có 3 khối hoạt động gồm công nghệ, viễn thông, giáo dục và khác. Ảnh: TL.

Thị trường chứng khoán vốn diễn biến nhanh và mạnh trước những thông tin và sự kiện xoay quanh nó. Tuy nhiên, nhìn trong bức tranh dài hạn, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá hấp dẫn, bình quân 12,2% trong giai đoạn 2012-2022 (theo số liệu thống kê của NCĐT).

Nếu như chặng đường VN-Index “lên đỉnh” khá gập ghềnh với những đợt sụt giảm “dò đáy” thì cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT nằm trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng đều đặn qua các năm. Theo thống kê của NCĐT, FPT thường có diễn biến tích cực hơn so với VN-Index. Bình quân giai đoạn 2012-2022 giá cổ phiếu FPT đã tăng 28,3%/năm. Trong hơn 1 thập niên qua, chỉ có năm 2018, cổ phiếu FPT giảm hơn 10,7% và năm 2012 gần như đi ngang trong khi các năm còn lại, cổ phiếu này đều tăng giá tích cực.

Đáng chú ý, trong khi VN-Index vẫn đang miệt mài dò đáy tìm đỉnh và vẫn quanh quẩn ở những vùng giá của năm 2007 (quanh mốc 1.200 điểm) thì FPT là một trong số ít các cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử. Tính đến hết phiên giao dịch 21/9/2023, FPT đang được giao dịch quanh mức giá 96.800 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất kể từ khi chào sàn (theo dữ liệu của FireAnt).

 

Không chỉ tăng giá bền vững, FPT còn là cổ phiếu có thanh khoản tốt với hàng triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên (bình quân trong 1 năm qua, hơn 1,1 triệu cổ phiếu FPT được khớp lệnh mỗi phiên), mức thanh khoản này sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư dễ dàng giao dịch mua bán.

Với mức tăng đều đặn và bền vững, nhiều nhà đầu tư đã ưu ái dành cho FPT cái tên “cổ phiếu “ăn chắc mặc bền” khi bỏ qua những đợt giảm trong ngắn hạn, FPT vẫn đem đến tỉ suất hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Đà tăng giá của cổ phiếu FPT gắn liền với kết quả kinh doanh tích cực. Trong 1 thập niên qua, ngoại trừ năm 2012, FPT luôn tăng trưởng dương về lợi nhuận sau thuế. Trong đó, kể từ giai đoạn 2017-2022, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của FPT duy trì ở mức 2 con số, bất chấp những khó khăn chung của thị trường.

Tính riêng 3 năm 2020-2022, tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) doanh thu, lợi nhuận trước thuế của FPT đạt lần lượt 14% và 13%. Tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) luôn đạt trên 25%. Năm 2022 giá trị vốn hóa của Công ty là 84.361 tỉ đồng. Đặc biệt, trong năm 2023, giá trị vốn hóa đã vượt 5 tỉ USD (tính tại thời điểm 6/9/2023). Cũng trong năm 2022, FPT đã vượt mốc 1 tỉ USD doanh thu ký mới từ thị trường nước ngoài và nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông về thành tích này.

Trao đổi với NCĐT, bà Lương Thị Kim Chi, Giám đốc Phân tích ngành bán lẻ, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), nhận định: “Nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu trong suốt những năm qua, mặc dù có những biến động ngắn hạn nhưng FPT vẫn nằm trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng đều đặn qua các năm. Đóng góp quan trọng nhất vào xu hướng tăng bền vững này phải kể đến các yếu tố nội tại của doanh nghiệp và triển vọng kinh doanh tích cực trong tương lai. Về các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, FPT là công ty công nghệ Việt Nam lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán, có sức khỏe tài chính tốt, mở rộng hoạt động mạnh ra thị trường nước ngoài bên cạnh vị thế tại thị trường trong nước”.

 

FPT hiện có 3 khối hoạt động gồm công nghệ, viễn thông, giáo dục và khác. Trong đó, mảng giáo dục có tiềm năng tăng trưởng tốt dù tỉ trọng đóng góp còn khiêm tốn. Đây cũng là nguồn cung kỹ sư IT cho FPT trong tương lai. Dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài (khối công nghệ) và dịch vụ viễn thông (khối viễn thông) là 2 mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận của Công ty, với tỉ trọng lần lượt là 43%/39% ở mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài và 32%/33% ở mảng dịch vụ viễn thông.

Dịch vụ viễn thông được dự phóng tạo ra dòng tiền và mức tăng trưởng ổn định do trên 50% doanh thu của mảng này đến từ dịch vụ internet băng thông rộng cố định trong khi thị trường thuê bao internet đã gần tiệm cận mức trưởng thành. Trong khi đó, dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài ghi nhận mức tăng trưởng kép bình quân hằng năm lên tới 23,6% về doanh thu trong 10 năm qua.

Theo bà Kim Chi, dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho FPT trong tương lai. Kỳ vọng này đến từ các yếu tố như nhu cầu cho các dịch vụ công nghệ thông tin còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, trong đó nhu cầu chuyển đổi số đang gia tăng mạnh (với tốc độ tăng trưởng kép bình quân dự kiến đạt 16% giai đoạn 2023-2026). Cùng với đó là sự hồi phục của thị trường Nhật do các khách hàng đầu tư trở lại sau dịch COVID-19. Nhật tăng cường tìm đối tác khác ngoài Trung Quốc là cơ hội cho các công ty Việt Nam. Và cuối cùng là khả năng cạnh tranh của FPT do có lợi thế về chi phí, nhân lực trẻ, chăm chỉ, có kỹ năng, chú ý hội nhập văn hóa, ngôn ngữ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày