Hơn 100 ngàn tài khoản được mở mới trong tháng giãn cách xã hội

Các bạn trẻ xếp hàng mở tài khoản chứng khoán. Ảnh: Tiền Phong.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại ngày 31/7/2021, trên hệ thống của VSD đang quản lý gần 3,46 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước, trong đó chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân.
Như vậy, trong tháng 7 đã có hơn 101.200 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới. Tốc độ này có phần giảm so với mức kỷ lục hơn 140.000 tài khoản của tháng 6.2021 và là con số thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, đã có gần 721.900 tài khoản của nhà đầu tư trong nước được mở mới, gấp 1,84 lần con số kỷ lục của cả năm 2020.
![]() |
Tháng 7/2021 cũng là tháng dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP. HCM. Để phòng chống dịch bệnh, các biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng, từ đó cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó tác động lớn đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Khác với những phiên giao dịch sôi động và "kỷ lục" của tháng 6.2021, tháng 7 có phần trầm lắng hơn, với giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt hơn 19.000 tỉ đồng/phiên ở sàn HOSE.
![]() |
Đi kèm với sự sụt giảm về thanh khoản là sự đi xuống của chỉ số. Cụ thể, sau khi chạm mốc 1.420 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào nhịp điều chỉnh với mức giảm hơn 11% của chỉ số VN-Index từ vùng đỉnh và giảm hơn 7,7% trong tháng 7.2021.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Dragon Capital, thanh khoản 25.000-30.000 tỉ đồng/phiên tương đương với 130-160% tổng giá trị vốn hóa thị trường HOSE là không thực tế và mức này khó mà ổn định trong thời gian dài. Thanh khoản HOSE 15.000-17.000 tỉ đồng tương đương với 80% vốn hóa là hợp lý và nên ổn định ở mức này.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá COVID-19 sớm muộn rồi sẽ qua, thị trường cũng sẽ ổn định trở lại và đặc biệt là nhiều ngành mặc dù có COVID-19 nhưng số liệu tăng trưởng lợi nhuận rất tích cực. Thậm chí trong quý III này, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như thương mại số, bán lẻ, logistics, bất động sản và một số ngân hàng vẫn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận bất chấp COVID-19.
Các chuyên gia phân tích kỳ vọng sự chùng xuống hiện tại của thị trường chỉ là nhất thời và nhà đầu tư sẽ sớm quay trở lại thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước và trở về trạng thái tích cực như giai đoạn cuối tháng 6, khi thị trường liên tục có những phiên đạt mốc 30.000 tỉ đồng mỗi phiên. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sức hút, đợt điều chỉnh vừa qua định giá nhiều nhóm ngành hấp dẫn hơn, sắp tới là cơ hội cho nhà đầu tư sàng lọc cổ phiếu.
Có thể bạn quan tâm
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư