Tài Chính

Phép tính “phi mã” của VNZ

Viết Nguyên Thứ Tư | 22/02/2023 07:30

Năm 2017, lãnh đạo của VNG và Nasdaq từng ký thỏa thuận sơ bộ để thúc đẩy quá trình IPO. Ảnh: ShutterStock

Cổ phiếu VNZ của VNG đã có lúc vượt 1,3 triệu đồng/cổ phiếu, một kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Liệu có điều bất thường ở đây?
Năm 2017, lãnh đạo của VNG và Nasdaq từng ký thỏa thuận sơ bộ để thúc đẩy quá trình IPO. Ảnh: ShutterStock

Theo thông tin từ thị trường, chỉ sau hơn 1 tháng niêm yết trên sàn UPCoM, cổ phiếu VNZ của VNG đã có bước tăng giá đầy ngoạn mục, từ mức chào sàn 240.000 đồng/cổ phiếu vọt lên hơn 1,3 triệu đồng/cổ phiếu (phiên 15/2).

Thị giá “bất thường” 

Dù đà tăng phi mã của VNZ sau đó bị khựng lại, thậm chí đã xuống mức sàn, nhưng thực tế VNZ là cổ phiếu có thị giá cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 20 năm qua.

 

Trong quá khứ, chứng khoán Việt Nam cũng từng ghi nhận những cổ phiếu có thị giá rất cao như BMC từng đạt mức 847.000 đồng/cổ phiếu ở thời hoàng kim hay đỉnh cao nhất mà FPT đạt tới là 665.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chạm đến vùng giá 1,3 triệu đồng như VNZ là chưa từng có.

Theo giải trình của lãnh đạo VNG, “cổ phiếu VNZ tăng trần hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của các nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua”.

Ông Vicente Nguyễn, CIO của AFC Vietnam Fund, cho rằng: “Xét trên phương diện vốn hóa, giá cổ phiếu của VNG không quá khó hiểu”. Vốn hóa của VNG chỉ khoảng trên dưới 1,3 tỉ USD, một mức giá “không quá cao cũng không quá thấp”.

Trong mắt giới đầu tư ngoại, VNG từng được định giá 1 tỉ USD vào năm 2014. Sau đó, năm 2019, Quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore đưa ra mức định giá 2,2 tỉ USD cho VNG. Với mức này, cổ phiếu VNZ tính ra tương đương 1,8 triệu đồng/cổ phiếu. Sang năm 2021, Công ty quản lý quỹ Mirae Asset cũng định giá cổ phiếu VNZ ở mức 1,7 triệu đồng/cổ phiếu.

 

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, định giá cho VNG nói riêng và nhóm doanh nghiệp công nghệ nói chung không thể theo cách tính thông thường. Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp thua lỗ nhưng nhà đầu tư vẫn sẵn sàng trả giá cao. Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng từng ghi nhận những cơn sóng đột biến về giá cổ phiếu bất kể doanh nghiệp đang kinh doanh thế nào. Vì thế, theo ông Hiển, “diễn biến giá cổ phiếu VNZ hiện nay không có gì bất ngờ”.

Tuy nhiên, xét về khối lượng giao dịch của VNZ thì có yếu tố không bình thường, bởi VNZ đang giao dịch mỗi phiên chỉ khoảng 100-300 cổ phiếu, cao nhất là 6.700 cổ phiếu. Theo ông Viecente Nguyễn, “vốn hóa trên UPCoM của VNG có vẻ không chính xác và không sát với tình hình doanh nghiệp”. Chuyên gia của SSI Research thì cho rằng: “Mức giá niêm yết 240.000 đồng/cổ phiếu là mức giá giao dịch hợp lý đối với cổ phiếu VNZ”.

Có một mục tiêu khác?

Theo bản cáo bạch (tháng 11/2022), VNG là doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc, với 5 cổ đông lớn, 107 cổ đông nhỏ. Cổ đông nhỏ chỉ nắm lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết ở mức hơn 20% tổng số cổ phiếu. Còn lại là cổ phiếu của cổ đông lớn và cổ phiếu quỹ. Trong đó, cổ đông nước ngoài nắm 49% vốn điều lệ ở VNG.

Ảnh: TL
Giới đầu tư kỳ vọng VNG sẽ thành một kỳ lân lớn mạnh bất chấp đang kinh doanh thua lỗ. Ảnh: TL

Với mức giá trên 1,35 triệu đồng/cổ phiếu, vốn hóa của VNG tăng lên 48.700 tỉ đồng, khối tài sản của nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh cũng tăng tương ứng lên gần 4.800 tỉ đồng. Dù chỉ nắm giữ lượng cổ phiếu khiêm tốn nhưng cổ đông nhỏ tại VNG vẫn có thể đạt lãi đột biến nếu giao dịch cổ phiếu VNZ. Bởi so với lúc mua chỉ với 8,06 USD/cổ phiếu theo các chương trình quyền chọn mua cho nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến (2010) hoặc theo chương trình ESOP II (2015-2018, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu), ESOP III (2018-2023, giá 30.000 đồng/cổ phiếu), thì giá cổ phiếu VNZ đã tăng vọt gấp 45-68 lần.

Nhưng căn cứ lượng giao dịch cổ phiếu VNZ những ngày qua, cổ đông VNG có vẻ chưa vội bán, vẫn muốn chờ những cơ hội tăng giá mới. Vì thế, ông Vicente Nguyễn đánh giá: “Việc niêm yết rõ ràng không phải để tăng thanh khoản hay cho VNZ một định giá phù hợp. Niêm yết có lẽ vì mục đích khác”.

Hãng tin Nikkei Asia từng nêu tên VNG trong danh sách công bố 10 công ty châu Á đáng chờ đợi nhất trên sàn chứng khoán quốc tế năm 2023. Nikkei Asia cho rằng, động thái của VNG trên sàn UPCoM là phép thử để kiểm tra thị trường trước khi niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.

Năm 2017, lãnh đạo của VNG và Nasdaq từng ký thỏa thuận sơ bộ để thúc đẩy quá trình IPO. Tuy nhiên, như đại diện VNG từng chia sẻ: “IPO ở Nasdaq là thách thức không nhỏ”. Để niêm yết được trên Nasdaq, VNG phải đạt được những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, từ kinh doanh, tài chính, quản trị công ty... Chưa thể đi thẳng đến Nasdaq, tháng 8/2022, VNG lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Kế hoạch này vẫn không diễn ra. Mới đây, VNG chuyển hướng sang cách thức IPO truyền thống, không qua SPAC. VNG đang nỗ lực gọi vốn từ 200-300 triệu USD và dự kiến dùng tiền này để củng cố kế hoạch mở rộng hoạt động. Cùng đó, VNG tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc niêm yết tại Mỹ.

Giới đầu tư kỳ vọng VNG sẽ thành một kỳ lân lớn mạnh bất chấp đang kinh doanh thua lỗ. Theo số liệu công bố, VNG ghi nhận doanh thu chủ yếu từ trò chơi và quảng cáo trực tuyến, chiếm 94% tổng doanh thu. Nhưng 2 mảng này đang bị cạnh tranh quyết liệt, lại suy giảm lực cầu nên năm qua, VNG chỉ đạt 77% kế hoạch doanh thu. 

 

VNG đang đặt hy vọng vào những dự án như VNG Data Center khi tổng vốn rót vào đây đã xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Công ty cũng chú trọng mảng dịch vụ đám mây cũng như tiếp tục rót vốn cho ZaloPay với định hướng ZaloPay sẽ trở thành ví điện tử không thể thiếu của người Việt. Tính ra, VNG đã “gồng lỗ” cho ZaloPay trong các năm trở lại đây.

Đó là những tính toán, ý định của VNG. Nhưng chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển lưu ý, giai đoạn dễ dàng gọi vốn, kinh doanh thuận lợi cho các công ty công nghệ đã qua. Ngành công nghệ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi nhà đầu tư ngày càng mất kiên nhẫn với các khoản đầu thua lỗ kéo dài. SoftBank Group (Nhật) là một điển hình cho quỹ đầu tư rót vốn vào hàng trăm startup và liên tiếp thua lỗ. Tính đến cuối năm ngoái, SoftBank đã lỗ gần 6 tỉ USD. Trong đó, Vision Fund thua lỗ nặng khi thị trường cổ phiếu công nghệ chao đảo thời gian qua, khiến định giá của nhiều startup trong danh mục đầu tư bị giảm mạnh.

Trong bối cảnh ấy, những kế hoạch mà VNG đặt ra cho cổ phiếu VNZ có thể gặp nhiều bất lợi. Trước mắt, với lượng giao dịch quá nhỏ giọt, VNZ không có tính đại chúng thực sự như cổ phiếu công nghệ FPT. Và giá tăng đột biến của VNZ được giới chuyên gia nhìn nhận như một biểu hiện của trading hơn là phản ánh đúng bản chất tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày