Tài Chính

Thị trường chứng khoán trải qua tháng 7 đầy biến động, nhà đầu tư nên làm gì tiếp theo?

Song Luân Thứ Hai | 02/08/2021 10:04

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: TL.

Tháng 7.2021 thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động mạnh với những cú “knock out” hàng chục điểm.
Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: TL.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7.2021, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.310 điểm. Như vậy, kể từ vùng đỉnh 1.420 điểm được thiết lập vào phiên 2.7.2021, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức giảm hơn 7,7%, tương đương hơn 110 điểm. Có thể nói, kể từ tháng 2.2021 đến nay thì tháng 7 là tháng có mức độ biến động mạnh nhất của thị trường. Áp lực bán gia tăng, nhà đầu tư đẩy mạnh hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao.

 

Đầu tháng 7.2021, hệ thống mới của sàn HOSE đã chính thức vận hành, kì vọng giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường lại có dấu hiệu suy giảm mạnh. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt bình quân hơn 18.300 tỉ đồng/phiên, giảm  23% so với mức bình quân của tháng trước. Trong khi đó, nửa sau của tháng 7, giá trị giao dịch ở sàn HOSE thường xuyên duy trì dưới mốc 15.000 tỉ đồng/phiên.

Điều này được giới phân tích lý giải đến từ tâm lý của nhà đầu tư. Ở chiều mua, nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ các nhịp hồi phục của thị trường, và vẫn đứng ngoài quan sát, hoặc chỉ mở vị thế thăm dò với tỉ trọng nhỏ. Ở chiều bán, nhà đầu tư cũng không thực hiện bán bất chấp mà có sự trả giá. Từ đó dẫn đến sự sụt giảm về thanh khoản của thị trường.

Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ: "Kể từ đầu tháng 7.2021, thanh khoản trên thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu giảm. Về mặt hệ thống, chúng tôi cũng có đôi chút ngạc nhiên khi hệ thống mới được HOSE đưa vào giao dịch với năng lực xử lý cao hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng thị trường sẽ tiếp đà tăng trưởng để chúng ta có thể thấy tiếp những con số giao dịch kỷ lục với hệ thống mới. Tuy nhiên, thị trường lại suy giảm thanh khoản".

 

Nhìn nhận về xu hướng chung của thị trường, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá việc VN-Index bật tăng khá mạnh sau nhiều lần kiểm định thành công ngưỡng 1.250 điểm cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy.

Lực cầu bắt đáy luôn sẵn sàng xuất hiện và nâng đỡ VN-Index mỗi khi chỉ số chung giảm sâu, trong đó tâm điểm là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói chung, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Mặc dù vậy, VCBS cho rằng áp lực chốt lời ngắn hạn ở vùng điểm số quanh ngưỡng 1.300 điểm nhiều khả năng sẽ là không nhỏ và có thể khiến đà hồi phục hiện tại chững lại phần nào, cũng như không loại trừ khả năng thị trường sẽ ghi nhận những phiên “rung lắc” mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại.

Do đó, VCBS cho rằng nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc giải ngân một phần nếu chỉ số chung lùi về kiểm định lại mốc 1.280 điểm và chờ đợi xu hướng thị trường được xác nhận rõ ràng hơn trước khi gia tăng tỉ trọng cổ phiếu.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chốt lời ngắn hạn một phần danh mục nếu như đã đạt lợi nhuận kỳ vọng, tạm thời chưa nên gia tăng thêm tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục để chờ đợi chỉ số kiểm định lại ngưỡng 1.280 điểm.

Cùng với đó, nhà đầu tư trung và dài hạn cũng được khuyến nghị chỉ nên xem xét giải ngân với tỉ trọng vừa phải vào một số cổ phiếu vốn hóa trung bình với triển vọng kinh doanh tốt nếu xuất hiện những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Có thể bạn quan tâm 

[Infographic] Những con số kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 21 năm qua


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày