Tài Chính

Tìm cửa mới cho vay tiêu dùng

Trực Thanh Thứ Năm | 09/02/2023 10:00

Sự bùng nổ của thị trường tín dụng tiêu dùng cho thấy cần phải có sự quản lý tương ứng. Ảnh: Quý Hoà.

Hàng trăm ngàn tỉ trong thị trường tín dụng tiêu dùng cần một cơ chế quản lý thích hợp hơn để tăng trưởng lành mạnh.
Sự bùng nổ của thị trường tín dụng tiêu dùng cho thấy cần phải có sự quản lý tương ứng. Ảnh: Quý Hoà.

Gần cuối năm 2022, cả HD Saison và FE Credit cùng triển khai gói cho vay tín dụng lên tới 10.000 tỉ đồng mỗi đơn vị. Đây là khoản vay ưu đãi công nhân để mua các phương tiện đi lại và phát hành thẻ tín dụng cho công nhân có nhiều liên kết với các nhà cung cấp để cung cấp thực phẩm, hàng thiết yếu... 

Thị trường bùng nổ

Khoản vay lớn của HD Saison và FE Credit cho thấy nhu cầu tín dụng tại Việt Nam đang tăng cao. Phó Tổng Giám đốc FE Credit Nguyễn Thành Phúc cho biết khoảng 70-80% tổng số lượng khách hàng của Công ty là người lao động có thu nhập trung bình - thấp với nhu cầu vay như chi phí sinh hoạt, chữa bệnh, nâng cấp phương tiện đi lại, tiền học phí...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã có 16 công ty tài chính được cấp phép, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc. Đến ngày 30/9/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

 

Nhiều năm qua, thị trường tín dụng tiêu dùng có 2 nhóm chính là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng như công ty tài chính tiêu dùng, quỹ tín dụng, tổ chức cho vay khác... Trong đó, chiếm ưu thế lớn là 3 doanh nghiệp với thị phần áp đảo khoảng 80% gồm FE Credit, HD Saison và Home Credit. Thông tư số 18 của Ngân hàng Nhà nước cho các công ty tài chính được giải ngân trực tiếp các khoản vay dưới 20 triệu đồng đã giúp nhóm này bùng nổ hoạt động tại các vùng nông thôn với nhiều món vay tiêu dùng nhỏ lẻ.

Gần đây, thị trường cho vay tiêu dùng còn thu hút các công ty công nghệ tài chính (fintech) và mô hình bán hàng trả chậm, mua trước trả sau của những công ty bán lẻ. Đáng chú ý là sự nổi lên của nhóm fintech (gồm P2P Lending - cho vay ngang hàng, vay qua App, vay ngày...), chuỗi cầm đồ có yếu tố công nghệ. Trong đó, các chuỗi cầm đồ, các công ty fintech hoạt động theo mô hình P2P Lending do không phải tổ chức tài chính nên không chịu sự ràng buộc, quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, những công ty này đang tận dụng lợi thế về công nghệ để tạo nên bứt phá trong cạnh tranh.

Trong khi đó, công ty tài chính với sự ràng buộc về mặt pháp lý sẽ chưa thể bứt phá công nghệ... Do đó, thời gian qua, các công ty tài chính phải giảm phụ thuộc vào các sản phẩm cho vay tín chấp, hướng tới cung cấp những dịch vụ tiện ích về tài chính, bảo hiểm... Để gia tăng sức cạnh tranh, nhiều công ty thúc đẩy nguồn vốn nước ngoài dưới cả hình thức mua lại trực tiếp và mua lại gián tiếp thông qua công ty mẹ trong khu vực.

Thị trường cho vay tiêu dùng còn thu hút các công ty công nghệ tài chính (fintech) và mô hình bán hàng trả chậm, mua trước trả sau của những công ty bán lẻ. Ảnh: Quý Hoà.
Thị trường cho vay tiêu dùng thu hút các công ty công nghệ tài chính (fintech) và mô hình bán hàng trả chậm, mua trước trả sau của những công ty bán lẻ. Ảnh: Quý Hòa.

Thị trường cũng ghi nhận các khoản đầu tư lớn từ doanh nghiệp nước ngoài vào các công ty tài chính Việt Nam. Điển hình như Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (được Shinhan Bank Việt Nam mua lại và thiết lập hệ sinh thái tài chính cùng với Shinhan Securities và Shinhan Life), Lotte Finance - công ty con của Lotte Card, là công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng sở hữu mạng lưới dịch vụ và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc... Mcredit được trợ lực tài chính từ 2 chủ sở hữu, bao gồm Tập đoàn MB và Ngân hàng Shinsei của Nhật.

Theo ông Lê Quốc Ninh, CEO của Mcredit, số lượng khách hàng công ty này phục vụ chỉ riêng năm 2021 đã cao gấp hơn 2 lần so với tổng lượng khách hàng phục vụ trong giai đoạn 2017-2020.

Cần một khuôn khổ phù hợp

“Ở Việt Nam có 30.000 cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ, gần đây còn có các App cho vay online từ nước ngoài cho vay với lãi suất 1.000%. Nếu F88 không cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng này thì họ vẫn sẽ tiếp cận ở thị trường truyền thống trên, hay tín dụng đen”, ông Phùng Anh Tuấn, sáng lập và CEO của F88, cho biết. 

 

Trong 5 năm qua, F88 trở thành tổ chức cho vay cầm đồ lớn nhất Việt Nam, đạt 800 cửa hàng, tương ứng mức tăng 60% vào cuối năm 2022. Công ty này tuyên bố sẽ niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2024 với định giá tỉ USD. Để thực hiện tham vọng trên, F88 chuyển đổi mô hình công ty từ hệ thống chuỗi cho vay cầm cố sang tầm nhìn trở thành chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích.

Trong khi đó, một fintech đáng chú ý là ATM Online - doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào việc tư vấn vay trực tuyến các khoản vay nhỏ có giá trị từ 3-12 triệu đồng, trong thời hạn từ 3-6 tháng. ATM Online là thành viên của TM Online có trụ sở chính tại Singapore và 3 quốc gia khác gồm Việt Nam, Philippines và Sri Lanka. Theo ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc ATM Online, Công ty giải ngân mỗi năm hàng trăm ngàn khoản vay giá trị từ 30-50 triệu USD. 

 

Một fintech đến từ Indonesia là Kredivo mới đây hợp tác với VietCredit và Sendo nhằm cung cấp dịch vụ mua trước trả sau, phục vụ cá nhân. Trong khi đó, Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) cuối năm 2022 cũng đã công bố đầu tư 10 triệu USD vào SmartNet nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng SmartPay với các giải pháp cho thị trường vay tiêu dùng...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhận định: “Tín dụng cho công nhân và sinh viên là rất quan trọng, bởi chúng ta chỉ có thể xóa tín dụng đen bằng cách cung cấp những tín dụng sạch, nhanh, rẻ và tiện lợi. Chừng nào còn vay 50 triệu đồng với nhiều thủ tục giấy tờ ở ngân hàng và thời gian lâu thì người dân, doanh nghiệp và công nhân, sinh viên phải đi tìm nguồn vốn tín dụng khác”.

Sự bùng nổ của thị trường tín dụng tiêu dùng cho thấy cần phải có sự quản lý tương ứng. Tuy nhiên, quy định pháp luật chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các tổ chức tín dụng ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, gây ra sự nhầm lẫn với người vay tiền, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiêu dùng. Nhất là khi các công ty tài chính, fintech có xu hướng giải ngân trực tiếp có rủi ro cao, cho vay dễ dãi, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, phát sinh nhiều khiếu nại và tranh chấp. 

Mặt khác, thiếu sự quản lý sẽ dẫn đến rủi ro quan ngại nhất chính là khả năng người dân vay mượn vượt qua khả năng chi trả của bản thân. “Rất cần khung pháp lý rõ ràng và sớm áp dụng của cơ quan quản lý để tạo sự minh bạch trên thị trường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động”, ông Minh Hải kiến nghị.

 

Ông Kalidas Ghose, CEO Công ty tài chính FE Credit, cho rằng: “Để giảm thiểu rủi ro khi vay tín dụng online, các tổ chức tín dụng phải liên tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng an toàn cho người dân thông qua công nghệ, hỗ trợ người đi vay làm quen với quy trình và thủ tục vay tại các kênh tín dụng chính thống. Đồng thời, các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải đồng hành với người vay để đảm bảo họ có tài chính cho các khoản trả hằng tháng”.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính (nhất là quy định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro...) cũng như khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tài chính nói riêng. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Được biết, sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho vay tiêu dùng, trước hết là ngân hàng thương mại và công ty tài chính, sau đó là các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân với cơ chế thông thoáng, áp dụng các công nghệ dễ dàng hơn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phấn đấu tối thiểu 50% và đến năm 2030 là 70% các khoản vay phục vụ tiêu dùng phải được thực hiện qua kênh số.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày