Tài Chính

Trên đỉnh Margin

Vũ Thiện Thứ Ba | 08/06/2021 07:30

Các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp nhiều lần so với hiện nay.

ký quỹ (margin) Giúp nhà đầu tư tận dụng đòn bẩy gia tăng lợi nhuận, nhưng đôi khi có thể gây thiệt hại đến toàn thị trường.
Các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp nhiều lần so với hiện nay.

Vụ sụp đổ chấn động hồi tháng 3 của Archegos Capital Management xuất phát từ việc sử dụng đòn bẩy quá cao gây mất mát lớn cho thị trường. Theo JPMorgan, tổng thiệt hại các bên liên quan có thể lên tới 10 tỉ USD. Michael Novogratz, nhà đầu tư vĩ mô và cựu quản lý quỹ phòng hộ, cho biết: “Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này, im lặng và biến mất một cách nhanh chóng. Đây là một trong những vụ sụp đổ tài sản cá nhân lớn nhất trong lịch sử”.



Hay câu chuyện cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) năm 2019, với 30 phiên giảm sàn liên tục, thổi bay hơn 80% giá trị vốn hóa đã khiến 13 công ty chứng khoán bị thiệt hại ước tính 200 tỉ đồng.

Bài học của Archegos và FTM là lời cảnh báo cho tình trạng call margin của thị trường, nhất là trong bối cảnh dư nợ margin ở thị trường Việt Nam hiện ở mức cao nhất mọi thời đại.

 

Theo thống kê của FiinPro cuối quý I/2021, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (còn gọi là cho vay margin) của 23 công ty chứng khoán chiếm 90% dư nợ margin toàn thị trường đã chạm mức cao kỷ lục 92.000 tỉ đồng, tăng 15.400 tỉ đồng so với cuối năm 2020 và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset có dư nợ vay ký quỹ cao nhất, đạt 11.973 tỉ đồng, xếp sau là Công ty Chứng khoán SSI với 10.878 tỉ đồng và Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) với 8.876 tỉ đồng.

Đáng quan tâm, theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quyết định số 87/QĐ-UBCK về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó. Tổng dư nợ cho vay margin tại 23 công ty chứng khoán này đã đạt 136,5% tổng vốn chủ sở hữu, trong đó một số công ty đã gần chạm mức trần 200% theo quy định, như Mirae Asset (176%), HSC (186,4%), Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (189,6%), Công ty Chứng khoán MB (188,5%), Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (187,1%) và Công ty Chứng khoán Rồng Việt (192,5%).

Không như các công ty lớn có tỉ lệ cho vay khá cao, SSI và Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có tỉ lệ nợ ký quỹ/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 97,4% và 93,2%. Điều này được cho là do 2 doanh nghiệp này có quy trình đánh giá và chiến lược quản trị rủi ro cẩn trọng. Nếu SSI cho vay hết room, dư nợ ký quỹ của Công ty có thể lên tới 22.336 tỉ đồng, gần gấp đôi so với mức cao nhất hiện nay của Mirae Asset.

Ở nhóm các công ty chứng khoán nhỏ như Everest, Pinetree, Trí Việt, tỉ lệ cho vay vẫn còn khá thấp. Nhóm này do đó vẫn còn dư địa cho vay, nhiều khi nợ ký quỹ mới chỉ đạt trên 50% vốn chủ sở hữu.

Trong bối cảnh tỉ lệ cho vay ở nhiều công ty chứng khoán lớn đã đạt gần mức trần quy định, giới phân tích lo ngại về câu chuyện thị trường “hết tiền”, cũng như rủi ro xảy ra hiện tượng call margin, tạo ra vòng xoáy buộc phải bán từ nhà đầu tư này lan sang nhà đầu tư khác. Tuy vậy, nhà đầu tư nên có cách nhìn khách quan hơn về sức khỏe margin của thị trường hiện nay.

Tìm hướng tăng vốn

Trong môi trường lãi suất thấp cộng hưởng sức hút lớn từ thị trường chứng khoán gần đây, giá trị giao dịch của thị trường đã tăng lên đáng kể. Đây là động lực chính giúp các công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận lớn từ mảng môi giới. Bên cạnh đó, dòng tiền từ lớp nhà đầu tư F0 đã đẩy thị trường chứng khoán lên nhiều mốc điểm cao hơn, tạo điều kiện để hoạt động tự doanh tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với mảng tư vấn, bảo lãnh phát hành cũng được hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường, các công ty chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục báo lãi lớn. Các khoản lãi này sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu, từ đó kéo theo làm tăng mức trần cho vay.

 

Mặt khác, nhằm chủ động bù đắp kịp thời lượng vốn đối ứng cho hoạt động vay ký quỹ, nhiều công ty chứng khoán cũng có kế hoạch tăng vốn. SSI, chẳng hạn, vừa thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 6.459 tỉ đồng lên 11.000 tỉ đồng tại Đại hội cổ đông thường niên 2021. Tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn cho vay ký quỹ của Công ty. Hay VCSC cũng đã thông qua Nghị quyết tăng vốn, dự kiến phát hành 166,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ thực hiện 1:1 cho cổ đông hiện hữu, tăng gấp đôi vốn điều lệ lên mức 3.330 tỉ đồng.

Các công ty chứng khoán khác như VNDirect, HSC, Tiên Phong, Hòa Bình... đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp nhiều lần so với hiện nay. Theo thống kê của FiinPro, thị trường đã có 14 công ty chứng khoán thông báo huy động vốn thông qua việc chào bán 1,25 tỉ cổ phiếu, tương ứng mức vốn ước tính thu được lên tới hơn 10.000 tỉ đồng.

Một động lực khác nằm ở nhóm các công ty chứng khoán vẫn còn room ký quỹ. Những công ty này hoàn toàn có thể huy động nợ để tài trợ cho hoạt động cho vay. Công ty Chứng khoán VietinBank, chẳng hạn, vừa ký hợp đồng vay hợp vốn trị giá 30 triệu USD với 4 ngân hàng nước ngoài.
 

Cơ sở hạ tầng vì thế phải có khả năng xử lý 1 tỉ USD giá trị giao dịch mỗi phiên nếu thị trường muốn tiến lên các mốc cao mới. Ảnh: Quý Hoà
Cơ sở hạ tầng vì thế phải có khả năng xử lý 1 tỉ USD giá trị giao dịch mỗi phiên nếu thị trường muốn tiến lên các mốc cao mới. Ảnh: Quý Hoà

Cuối cùng và quan trọng nhất là tỉ lệ dư nợ margin/giá trị giao dịch trung bình của thị trường chỉ đang ở mức 6,5 lần, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỉ lệ trên đã giảm liên tục từ quý IV/2019. Tỉ lệ này càng thấp chứng tỏ nhà đầu tư đang giao dịch với lượng tiền mặt càng cao, tỉ lệ sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư càng thấp, xuất phát từ việc lượng tiền đổ vào thị trường quá nhanh so với sự phát triển của nguồn cung margin hiện nay. Vì vậy, rủi ro xảy ra call margin tuy có tồn tại nhưng vẫn chưa tới mức báo động.

Ở chiều ngược lại, phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng tình trạng tắc nghẽn lệnh trên sàn HSX vẫn đang tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Cơ sở hạ tầng vì thế phải có khả năng xử lý 1 tỉ USD giá trị giao dịch mỗi phiên nếu thị trường muốn tiến lên các mốc cao mới. Tuy vậy, điều này chỉ có thể thực hiện được sau khi Công ty FPT triển khai giải pháp công nghệ chống tắc nghẽn, sớm nhất vào tháng 7.2021. Do đó, MBKE lo ngại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể hoãn việc phê duyệt kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán do rủi ro hệ thống chưa được giải quyết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày