Cuộc chiến chống hàng giả xa xỉ

Cơn sốt hàng xa xỉ second-hand bùng nổ kéo theo nỗi lo “superfake” và câu hỏi: liệu hàng thật có còn xứng đáng? Ảnh: Bloomberg.
Thị trường hàng hiệu second-hand bùng nổ, kéo theo cuộc chạy đua xác thực giữa hàng thật, hàng giả ngày càng tinh vi, thách thức các “chuyên gia soi đồ”.Khoác áo blouse trắng và đeo găng tay cotton mỏng, Mélissa B. nhẹ nhàng đặt chiếc túi Birkin màu xanh Zanzibar trị giá 18.000 USD lên bàn, kèm theo đó là hộp cam biểu tượng, túi vải bọc và giấy tờ liên quan. Cô lùi lại, quan sát kỹ từng nếp gấp, đường lồi lõm, rồi dùng kính lúp soi phần bảng kim loại palladium trên nắp túi. “Logo có thể thay đổi theo năm, nhưng nét khắc phải sắc và đều, đây là chi tiết rất quan trọng khi kiểm tra túi Birkin”, cô nói.
Mélissa là một trong những chuyên gia thẩm định của Vestiaire Collective, nền tảng bán hàng hiệu second-hand, có trụ sở tại Tourcoing, miền Bắc nước Pháp. Từ một nhà máy xe sợi cũ, nơi đây được cải tạo thành trung tâm xác minh lớn nhất trong 5 trung tâm toàn cầu của công ty. Tại đây, mọi mặt hàng, từ túi xách, váy áo đến giày dép, trang sức, đều được kiểm tra kỹ lưỡng nhằm đối phó với làn sóng hàng giả ngày càng tinh vi, thậm chí sử dụng cùng chất liệu da và phụ kiện như hàng chính hãng.
Quá trình xác thực bao gồm cả kiểm tra mùi da, đường chỉ may, cấu trúc kim loại, hóa đơn, ánh sáng UV, và cả việc... ngửi bằng mũi. Một chiếc túi Hermès có thể mất đến 15 phút để được xác nhận là “rất thật”.
Thị trường hàng hiệu cũ đang phát triển mạnh, tăng 7% lên hơn 50 tỉ USD trong năm 2024, vượt cả tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng mới, theo Bain & Co. Doanh thu của Vestiaire tăng 20% trong năm qua. RealReal (San Francisco) tăng 9,3%, đạt hơn 600 triệu USD. Sàn resale lớn nhất châu Âu Vinted cũng ra mắt danh mục hàng hiệu từ năm 2023 và cho biết đang “ăn nên làm ra”.
Giá hàng hiệu mới tăng vọt và thuế nhập khẩu cao đang khiến người tiêu dùng chuyển sang thị trường second-hand, kéo theo nhu cầu kiểm định ngày càng trở nên thiết yếu. Năm 2021, chỉ chưa đến 1/3 sản phẩm bị Vestiaire từ chối vì nghi hàng giả, nay con số đó đã vượt 50%. Đáng lo hơn, đây không phải là hàng nhái rẻ tiền mà là “superfake”, hàng nhái tinh xảo khó phân biệt với hàng thật.
![]() |
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính giá trị ngành hàng giả toàn cầu lên đến 467 tỉ USD. Riêng tại Mỹ, hải quan đã thu giữ lượng hàng giả trị giá 4,2 tỉ USD trong năm ngoái, phần lớn là túi xách, đồng hồ và trang sức. “Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, ông Laurent Dhennequin, Giám đốc Tổ chức thương mại xa xỉ Colbert (Paris), nhận xét.
Dù từng quay lưng với thị trường second-hand, những cái tên như Hermès, Chanel và Louis Vuitton vẫn là mặt hàng bán chạy nhất trên các sàn resale. Dưới áp lực thị trường, một số thương hiệu đã bắt đầu cởi mở hơn. Năm 2021, Vestiaire bắt tay với Alexander McQueen và Mulberry. Cùng năm đó, tập đoàn Kering (chủ sở hữu Gucci, Saint Laurent...) chi 203 triệu USD để mua 5% cổ phần Vestiaire. “Hàng hiệu đã qua sử dụng không còn là trào lưu nhất thời mà là xu hướng bền vững”, Chủ tịch François-Henri Pinault cho biết.
Tuy vậy, vấn đề là chưa có chuẩn toàn cầu cho việc xác thực. Các hãng có quyền hạn chế cách sàn resale quảng bá sản phẩm. Theo bà Susan Scafidi, Giám đốc Viện Luật Thời trang ĐH Fordham, Mỹ, các nền tảng resale chỉ có thể truyền thông sản phẩm “đã qua quy trình xác thực” chứ không thể nói đây là hàng “chính hãng”.
Ví dụ, StockX từng dùng cụm từ “Verified Authentic”, nhưng sau khi bị Nike kiện vì vi phạm nhãn hiệu năm 2022, họ đổi thành “StockX Verified”. RealReal, khi mới ra mắt năm 2011, từng quảng cáo “100% hàng thật”, nay chỉ tập trung vào “tiêu chuẩn xác thực” và “cam kết chính hãng”.
Vestiaire đang đầu tư mạnh vào công nghệ kiểm tra hàng hiệu. Từ năm 2019, công ty bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ xác thực. Nhân viên mới phải trải qua 750 giờ đào tạo, học cách phân biệt chất liệu, soi kính lúp, đèn UV, và cập nhật kỹ thuật phát hiện hàng giả mới nhất. Sau ít nhất hai tháng, họ được phân chuyên môn: giày, túi, trang sức hay phụ kiện.
![]() |
Trung tâm kiểm định của Vestiaire. Ảnh: Bloomberg. |
Bất kỳ sản phẩm nào trị giá trên 1.000 euro, hoặc theo yêu cầu của người mua (phí 15 euro), sẽ được gửi về Tourcoing để kiểm tra. Nhiều món hàng cực kỳ đắt đỏ cũng xuất hiện, như đồng hồ Cartier 45.000 euro hay túi Hermès Himalaya 125.000 euro, vốn chỉ thấy ở các nhà đấu giá như Sotheby’s.
Vestiaire cho biết họ hợp tác với hàng chục thương hiệu lớn, nhưng không tiết lộ tên do ràng buộc bảo mật. Bà Victoire Boyer Chammard, phụ trách bộ phận xác thực, cho biết khi phát hiện hàng giả, sản phẩm sẽ được trả lại người bán. Tuy nhiên, dữ liệu sẽ được lưu lại nhằm hỗ trợ các hãng phân tích xu hướng và kỹ thuật hàng giả.
Một số thương hiệu đã bắt đầu dùng công nghệ chống giả. Chanel thay thẻ bảo hành nhựa bằng chip và hologram. EU ban hành quy định yêu cầu mọi sản phẩm dệt may và nội thất mới phải có “hộ chiếu kỹ thuật số”. Liên minh Aura Blockchain, gồm LVMH, Prada, Richemont…, đang phát triển hệ thống định danh riêng trên blockchain. Prada đã sử dụng hệ thống này cho dòng trang sức tái chế vàng. Thông qua đó, khách hàng có thể quét mã để truy xuất nguồn gốc và quyền sở hữu.
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra: Liệu người tiêu dùng còn quan tâm đến tính xác thực không?
Từ tháng 12/2019, giá hàng hiệu đã tăng trung bình 54%, một số túi tăng gấp đôi, theo HSBC. Chất lượng lại có dấu hiệu giảm, đường may lệch, kim loại xỉn màu. Thuật ngữ “greedflation” (lạm phát vì lòng tham) trở thành xu hướng, khiến văn hóa tiêu dùng hàng giả trở nên phổ biến và được chấp nhận hơn.
Theo Business of Fashion, 1/3 người Mỹ trưởng thành được khảo sát thừa nhận từng cố tình mua hàng giả, từ knock-off rẻ tiền đến hàng “superfake” tinh vi. Tại Mỹ, chiếc túi “Wirkin”, bản nhái túi Birkin giá 78 USD của Walmart, đã cháy hàng ngay khi vừa lên kệ.
Vậy nếu chính người dùng, với sự hỗ trợ từ công nghệ, còn không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, thì chuyện kiểm định hàng thật có còn quan trọng? Nếu các thương hiệu không thể cho thấy giá trị của giá cả đi đôi với chất lượng, cái gọi là “hàng auth” có thể trở nên vô nghĩa với thế hệ tiêu dùng đang dần ưu tiên tính tiếp cận hơn là độc quyền. Trong ngành xa xỉ, ảo tưởng đáng sợ nhất không phải là hàng giả, mà là việc người tiêu dùng không còn tin rằng hàng thật xứng đáng với mức chi tiêu.
Nguồn Bloomberg
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư