Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái do cú sốc giá năng lượng

Khánh Tú Thứ Sáu | 26/05/2023 09:00

Kinh tế Đức rơi vào suy thoái giữa bối cảnh lạm phát cao và lãi suất tăng cao trên toàn khu vực châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Một nền kinh tế được cho là rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Kinh tế Đức rơi vào suy thoái giữa bối cảnh lạm phát cao và lãi suất tăng cao trên toàn khu vực châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Hãng CNBC đưa tin Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã rơi vào suy thoái trong quý I/2023 do các hộ gia đình ở nước này thắt chặt chi tiêu. Niềm hy vọng nền kinh tế Đức có thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau khi cuộc chiến tranh chính trị Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt dường như đã sụp đổ.

Dữ liệu từ Văn phòng thống kê Liên bang Đức cho thấy sau khi điều chỉnh, GDP của nước này sụt giảm 0,3% trong 3 tháng đầu năm thay vì đi ngang (tăng trưởng 0%) như trước đó. Trong quý cuối cùng của năm 2022, GDP của Đức chứng kiến sự sụt giảm 0,5%. Một nền kinh tế được cho là rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý I/2023. Ảnh: CNBC.
Nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý I/2023. Ảnh: CNBC.

Hiện đang có nhiều áp lực đè nặng lên nền kinh tế Đức, đặc biệt là sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, dẫn đến sự rạn nứt trong quan hợp tác giữa các chính phủ châu Âu và Moscow.

Theo cơ quan thống kê, các hộ gia đình Đức đã cắt giảm mạnh chi tiêu trong quý đầu tiên năm 2023. Nhu cầu chi tiêu đối với các sản phẩm như quần áo, ô tô, đồ nội thất của người dân nước này ở trên đà sụt giảm mạnh. Tổng chi tiêu tiêu dùng được ghi nhận giảm 1,2% trong quý I/2023.

 

“Nhìn chung, Đức rơi vào suy thoái từ cuối năm ngoái do cú sốc giá năng lượng đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng”, ông Claus Vistesen, Chuyên gia Kinh tế Trưởng tại Pantheon Macroeconomics, nhận định. Thêm vào đó, ông cho rằng mặc dù đà suy yếu của nền kinh tế Đức sẽ không dài trong những quý tiếp theo nhưng không có dấu hiệu cho thấy GDP sẽ bật dậy một cách mạnh mẽ.

Một số dấu hiệu cho thấy nhận định của ông Vistesen về cuộc suy thoái của Đức sẽ không kéo dài là không sai. Theo khảo sát chỉ số quản lý thu mua (PMI) được công bố hồi đầu tuần, các hoạt động kinh doanh tại Đức đã tăng trưởng trở lại vào đầu tháng 5 bất chấp ngành sản xuất đang trong tình trạng sụt giảm.

Kinh tế Đức rơi vào suy thoái giữa bối cảnh lạm phát cao và lãi suất tăng cao trên toàn khu vực châu Âu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 1 đợt nữa trong cuộc họp định kỳ vào ngày 15/6 tới. Kể từ tháng 7 năm ngoái, ECB đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 375 điểm cơ bản. Ông Joachim Nagel, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức, cho biết ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm “một vài lần nữa”. Ông là một trong số những thành viên ủng hộ quan điểm “diều hâu” mạnh mẽ nhất của ECB.

Có thể bạn quan tâm:

Bộ Tài chính Mỹ: Nguy cơ vỡ nợ sắp xảy ra, Mỹ khó trụ đến ngày 15/6

Nguồn CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày