Thế giới

Tỉ lệ sinh giảm trên toàn thế giới sau đại dịch

Phùng Mỹ Thứ Tư | 14/04/2021 15:24

Số ca sinh ở Hồng Kông đã giảm hơn nửa trong năm so với cùng kỳ vào tháng 1. Ảnh: Reuters.

Duy trì tăng trưởng và mạng lưới an toàn xã hội phải đối mặt với thách thức nếu sự sụt giảm vẫn tiếp diễn.
Số ca sinh ở Hồng Kông đã giảm hơn nửa trong năm so với cùng kỳ vào tháng 1. Ảnh: Reuters.

Theo Nikkei Asian Review, dữ liệu toàn cầu về số ca sinh vào tháng 12 năm ngoái và tháng 1.2021 đã vẽ nên một bức tranh u ám về sự gia tăng dân số khi những triển vọng duy trì nền kinh tế quốc tế không rõ ràng.

Bức tranh u ám về sự gia tăng dân số

9 tháng sau khi đại dịch tác động lên nhiều quốc gia, tỉ lệ sinh đã giảm từ 10% - 20% ở các nước như Nhật Bản, Pháp và Tây Ban Nha và thậm chí nhiều hơn ở một số khu vực. Điều này làm trầm trọng thêm xu hướng giảm trên diện rộng về mức sinh. Nó làm dấy lên lo ngại về việc liệu các nền kinh tế này có thể phát triển và duy trì mạng lưới an sinh xã hội hay không nếu sự suy giảm tiếp tục kéo dài.

3 trong số các nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới giảm sâu hơn nữa trong bối cảnh COVID-19. Tỉ suất sinh của phụ nữ ở các quốc gia: Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Ảnh: Bloomberg.
3 trong số các nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới giảm sâu hơn nữa trong bối cảnh COVID-19. Tỉ suất sinh của phụ nữ ở các quốc gia: Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù dữ liệu mới nhất vẫn chưa cập nhật ở Trung Quốc, nhưng vào tháng 1, số ca sinh đã giảm 56% ở Hồng Kông và giảm 23% ở Đài Loan. Dù phải vật lộn với tỉ lệ sinh thấp và dân số già, số ca sinh ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã giảm lần lượt 6,3% và 14%.

Tại Ý, điểm nóng đầu tiên của đợt bùng phát COVID-19 mùa xuân năm ngoái ở châu Âu, số ca sinh vào tháng 12.2020 đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Số ca sinh ở Tây Ban Nha cũng giảm 20% trong tháng 1. Cũng trong tháng 1, số ca sinh ở Pháp đã giảm 13%. Đây mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1975, theo Cục thống kê quốc gia của nước này.

"Bối cảnh của cuộc khủng hoảng sức khỏe và sự không chắc chắn có thể đã ngăn cản các cặp vợ chồng sinh con hoặc khiến họ phải trì hoãn kế hoạch có con trong vài tháng", một đại diện của Cục thống kê Pháp. Nhiều bậc cha mẹ sắp làm cha mẹ có khả năng sinh con trong bệnh viện đông đúc bệnh nhân COVID-19.

Theo ước tính tỉ lệ sinh của các công dân Nhật Bản sẽ giảm xuống dưới 800.000 trong năm nay. Tỉ lệ mang thai được báo cáo với chính phủ đã giảm 5,1% trong năm tính đến tháng 10.2020, với mức giảm đặc biệt nghiêm trọng sau khi tình trạng COVID-19 khẩn cấp trên toàn quốc được ban bố vào tháng 4 năm ngoái.

Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển Trẻ em ở Tokyo đã báo cáo 126 ca sinh trong tháng 1, ít hơn khoảng 30% so với cùng tháng hồi năm 2020. Một đại diện của trung tâm cho biết số lượng sinh trong cả năm "có thể thấp hơn gần 10% so với một năm bình thường".

Tỉ lệ sinh của các công dân Nhật Bản dự kiến ​​sẽ giảm xuống dưới 800.000 trong năm nay. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Tỉ lệ sinh của các công dân Nhật Bản dự kiến ​​sẽ giảm xuống dưới 800.000 trong năm nay. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống dưới 100 triệu người vào năm 2049, sớm hơn 4 năm so với dự báo của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life.

"Tốc độ giảm dân số ngày càng nhanh có thể đè nặng lên tăng trưởng và ảnh hưởng đến tài chính cũng như mạng lưới an sinh xã hội của Nhật Bản", theo ông Takuya Hoshino của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life.

Hơn một năm kể từ khi đại dịch toàn cầu xảy ra, thiệt hại của nó đối với sự gia tăng dân số đang bắt đầu trở nên rõ ràng, không chỉ vì lượng lớn người chết.

 

Một số quốc gia đang cố gắng thực hiện các bước để đảo ngược xu hướng này. Vào tháng 7.2021, nước Ý sẽ bắt đầu trả trợ cấp hàng tháng khoảng 250 euro (297 USD) cho mỗi trẻ em cho đến khi 21 tuổi. Trong khi đó, Thủ tướng Yoshihide Suga cũng chỉ đạo chính phủ Nhật xem xét đề xuất thành lập một "cơ quan dành cho trẻ em".

Tại Mỹ, một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tình hình cũng không khả quan hơn. Ngay cả khi không bị ảnh hưởng của đại dịch, những người về hưu ở Mỹ vẫn đông hơn trẻ em vào những năm 2030. Theo dữ liệu hàng tháng cho bang Connecticut, miền đông bắc Mỹ, mức giảm 14% số ca sinh trong năm cũng được ghi nhận hồi tháng 1.2021.

Mức tăng chậm nhất kể từ đại dịch cúm năm 1918

Theo dự kiến từ Công ty nghiên cứu Oxford Economics của Anh, ​​dân số Mỹ chỉ tăng 0,2% trong năm nay. Đây là mức tăng chậm nhất kể từ đại dịch cúm năm 1918. Nguyên nhân là do virus Corona cũng như những nỗ lực hạn chế nhập cư dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Điều này sẽ tác động lâu dài đến tỉ lệ sinh đang thu hẹp ngay cả trước đại dịch, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến.

Tổng tỉ suất sinh toàn cầu - số con trung bình mà một phụ nữ sẽ sinh trong đời nếu tỉ lệ sinh hiện tại không đổi - giảm từ mức trung bình 2,65 trong giai đoạn 2000-2005 xuống còn 2,5 vào năm 2019. Tỉ lệ 2,1 được coi là "thay thế - mức sinh”, là điểm mà dưới mức đó dân số sẽ bắt đầu giảm.

Trong quá khứ, chiến tranh, suy thoái kinh tế và thiên tai đã kéo theo sự bùng nổ trẻ em khi tỉ lệ sinh tăng trở lại. Nhưng có một điều đáng lo ngại là đại dịch COVID-19 sẽ không theo mô hình này.

Những người trẻ tuổi nói riêng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động kinh tế của virus. Một cuộc khảo sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy 17,4% số người từ 18 đến 29 tuổi làm việc trước đại dịch đã bị mất việc làm hoặc số giờ làm việc của họ giảm xuống còn 0. Và với các biến thể của virus hiện đang lưu hành rộng rãi, nhiều người vẫn không chắc chắn về tương lai.

Có thể bạn quan tâm:

Hàn Quốc phá kỷ lục về tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày