Thế giới

Tổng thống Nga công bố vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới

Phùng Mỹ Thứ Ba | 11/08/2020 17:23

“Viên đạn bạc” ngăn COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Nguồn ảnh: The Moscow Times.

Viện Gamaleya của Moscow, Nga đã đăng ký sử dụng vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới.
“Viên đạn bạc” ngăn COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Nguồn ảnh: The Moscow Times.

Theo The Moscow Times, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã đăng ký vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới trong bối cảnh lo ngại về tính an toàn của vaccine được phát triển nhanh chóng. 

Phát biểu  trong cuộc họp qua truyền hình với các bộ trưởng trong chính phủ sáng nay 11.8, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Sáng nay, lần đầu tiên trên thế giới, một loại vaccine chống lại virus Corona mới đã được đăng ký”.

Ông Putin nói rằng loại vaccine do Viện Gamaleya của Moscow phát triển đã chứng minh được hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm và hứa hẹn mang lại "khả năng miễn dịch bền vững" chống lại virus Corona.

Tổng thống Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Tôi biết rằng nó có hiệu quả và hình thành khả năng miễn dịch bền vững”. Nguồn ảnh: Deutsche Welle.
Tổng thống Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Tôi biết rằng nó có hiệu quả và hình thành khả năng miễn dịch bền vững”. Nguồn ảnh: Deutsche Welle.

Theo đó, ông Putin cũng chia sẻ rằng, một trong những cô con gái của ông đã tiêm vaccine COVID-19 và đang cảm thấy khỏe mạnh. Theo nghĩa này, chứng tỏ vaccine COVID-19 đã được kiểm tra.

Bộ Y tế Nga đã phê duyệt theo quy định đối với vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người.

 

Tuần trước, viện nghiên cứu Gamaleya do chính phủ Nga điều hành đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn III của vaccine COVID-19 với sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên. Bộ Y tế Nga cho biết, họ có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt vaccine này ngay trong tháng tới và triển khai đợt tiêm chủng đại trà vào tháng 10.

Giấy chứng nhận đăng ký vaccine COVID-19 của Bộ Y tế Nga ghi nhận rằng vaccine, một giải pháp tiêm có tên “Sputnik-V” sẽ được lưu hành dân sự vào ngày 1.1.2021.

Các chuyên gia bao gồm cả một cơ quan công nghiệp đại diện cho các công ty đa quốc gia tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở Nga đã gọi việc đăng ký nhanh chóng vaccine COVID-19 khi chưa hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn III là “hộp Pandora”.

Các cơ quan y tế Nga cho biết nhân viên y tế, giáo viên và các nhóm nguy cơ khác sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine này. 

Trước đó, các nhà khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ chính quyền. Tổng thống Putin xem mục tiêu tìm ra vaccine COVID-19 là ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh Nga là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ tư thế giới với gần 900.000 ca lây nhiễm và hơn 15.000 ca tử vong.

Giờ đây, Nga lại là quốc gia đầu tiên đăng ký vaccine COVID-19. Khi các quốc gia trên toàn thế giới chạy đua để sản xuất loại vaccine đầu tiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng tốc độ và lòng tự tôn dân tộc có thể ảnh hưởng đến sự an toàn.

Các nhà khoa học ở Nga và nước ngoài đã đặt câu hỏi về quyết định của Moscow trong việc đăng ký loại vaccine này bởi lẽ thử nghiệm giai đoạn III thường kéo dài hàng tháng với sự tham gia của hàng nghìn người.  

Cách tiếp cận nhanh chóng của Nga, với chỉ 3 tháng thử nghiệm vaccine, rất khác so với Tây Âu và Mỹ, nơi các nhà nghiên cứu thường tiến hành giai đoạn thử nghiệm III suốt nhiều tháng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, Nga cũng sở hữu nhiều thành tựu về vaccine, như tạo ra vaccine phòng Ebola được chính phủ cấp phép dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Thông thường, các loại vaccine phải mất vài năm để thử nghiệm và sản xuất trên quy mô lớn, nhưng ông Putin nhấn mạnh rằng vaccine này đã trải qua các thử nghiệm cần thiết. Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã thúc giục Nga tuân theo các hướng dẫn được thiết lập và thực hiện “tất cả các giai đoạn” cần thiết để phát triển một loại vaccine an toàn. 

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm đang dâng cao, cuộc đua vaccine COVID-19 luôn là tham vọng hàng đầu của các chính phủ. Nỗ lực giải cứu nhân loại liệu có đi cùng với lợi ích kinh tế và chủ nghĩa dân tộc khi mà tốc độ phát triển vaccine quá khủng khiếp, nó nhanh như tốc độ lây nhiễm loại virus chết người khiến cả thế giới lao đao. Hy vọng về một “viên đạn bạc” ngăn COVID-19 là giấc mơ đáng giá khiến cả nhân loại, mà cụ thể là các chính phủ nỗ lực hành động. 

Có thể bạn quan tâm:

► Việt Nam dự kiến có vaccine COVID-19 vào tháng 10.2021


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày