Bất động sản

Đất vàng ở TPHCM vẫn chưa hết nóng

Sơn Nguyễn Thứ Hai | 19/09/2016 12:30

Ngoài tập đoàn Trung Nam, một số nhà đầu tư khác cũng đánh tiếng muốn sở hữu khu đất vàng 23 Lê Duẩn.

Cuộc chiến giành các khu đất vàng tại TP.HCM bất ngờ nóng lên khi mới đây, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng một đối tác khác trở thành chủ nhân của khu tứ giác có vị trí đắc địa tại TP.HCM là Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế. Mảnh đất có tổng diện tích khoảng 1,31 ha, dự kiến sẽ được chủ đầu tư triển khai xây dựng một khu phức hợp sang trọng.

Được biết, hồi tháng 6.2016, tập đoàn này đã có văn bản xin chủ trương Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc đầu tư dự án khu tứ giác “vàng” nói trên với chiều cao tối đa 40 tầng. Tòa nhà sẽ nằm đối diện với khách sạn siêu sang 6 sao tại TP.HCM là The Reverie, cũng thuộc sở hữu của Vạn Thịnh Phát. Tất nhiên không thể không nhắc đến trung tâm thương mại Union Square nằm kế cận đó mà Vạn Thịnh Phát đã mua từ Vingroup.

Khu vực xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là điểm nhắm của tập đoàn này khi Vạn Thịnh Phát đề xuất lên Ủy ban Nhân dân TP.HCM xin nghiên cứu đầu tư dự án Khu công viên Cảng Du lịch Bạch Đằng, đoạn từ Bảo tàng Tôn Đức Thắng kéo dài đến đường Hàm Nghi.

Trước đó, vào đầu tháng 8, Vạn Thịnh Phát đã ký kết với các tập đoàn nước ngoài là Pavilion Group và Genting Group để phát triển dự án Saigon Peninsula tại quận 7 có diện tích 118 ha với vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD.

Không chỉ Vạn Thịnh Phát, từ cuối năm ngoái đến nay, sự phục hồi của thị trường bất động sản đã kích thích các tập đoàn có tiềm lực mạnh mua lại các dự án, nhất là những nơi có vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố. Điển hình như Novaland mua mảnh đất của Sabeco trên đường Hai Bà Trưng, quận 1. Cũng có một số thông tin cho rằng mảnh đất vàng ở địa chỉ số 117-119 Nguyễn Huệ, vốn là mảnh đất bỏ trống nhiều năm nay của Ngân hàng BIDV, đã được chuyển nhượng cho một tập đoàn khác.

Dat vang o TPHCM van chua het nong
Góc Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế, quận 1, thuộc khu đất dự án của Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Sơn Phạm

Trong khi đó, một mảnh đất được nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước khèm khát chính là trụ sở của Công ty Xổ số Kiến thiết TP.HCM tại địa chỉ 23 Lê Duẩn. Mặc dù dính tai tiếng “người thắng thầu xin trả lại đất” vào năm 2015 nhưng không vì thế mà sức hút của khu đất giảm sút.

Bằng chứng là một số doanh nghiệp như Tập đoàn Trung Nam mới đây đã xin Ủy ban Nhân dân TP.HCM cho khai khác mảnh đất này trong hợp đồng BT giải quyết ngập do triều cường trị giá 10.000 tỉ đồng. Hiện Ủy ban vẫn chưa có quyết định cuối cùng về mảnh đất 23 Lê Duẩn bởi ngoài Trung Nam, một số nhà đầu tư khác đã đánh tiếng muốn sở hữu khu đất này.

Trong cuộc chạy đua săn các vị trí đẹp, khối nhà đầu tư nước ngoài cũng không chịu kém cạnh. Ví dụ như Tập đoàn Mapletree của Singapore mua lại tòa nhà Kumho Asiana nằm giao giữa đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng. Với giá trị được công bố 107 triệu USD, đây là thương vụ M&A đình đám nhất trên thị trường bất động sản trong năm nay.

Hồi tháng 5, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã cho phép liên danh của nhà đầu tư Hàn Quốc Jimiro phát triển dự án tại khu 3 mặt tiền đường Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học. Liên danh này có kế hoạch đầu tư xây 3 khối cao ốc, gồm một khối cao ốc văn phòng 55 tầng, một khách sạn 5 sao 30 tầng và một trung tâm thương mại hạng A cao 10 tầng với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD.

Những động thái mạnh dạn hơn của các nhà đầu tư nói trên là một dấu hiệu tích cực, phản ánh thị trường bất động sản Việt Nam đang phục hồi khá tốt, nhất là nhu cầu khởi sắc ở phân khúc văn phòng cao cấp, khách sạn đạt chuẩn quốc tế, cũng như ở phân khúc căn hộ hạng sang tại Việt Nam.

Bộ mặt của TP.HCM cũng sẽ được cải thiện nhờ các công trình mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của các dự án nói trên vẫn là một dấu hỏi lớn bởi chi phí đầu tư không hề nhỏ. Trong khi đó, theo một số chuyên gia trong ngành, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tăng trưởng kém bền vững với chu kỳ tăng và suy giảm ngày càng ngắn lại, có thể mang đến rủi ro cho các chủ đầu tư nếu không tính toán kỹ.

Sự kiện trả lại mảnh đất 23 Lê Duẩn của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho thấy không phải chủ đầu tư nào sở hữu mảnh đất vàng cũng có năng lực triển khai và tiềm lực tài chính tốt. Thậm chí có thể xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư sau khi thắng thầu tìm cách nhượng lại cho người mua khác để kiếm lời. Và tốc độ triển khai các dự án vì thế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Hiện ngoài mảnh đất ở Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng được chỉ định giao cho Vạn Thịnh Phát, Nghị quyết số 105 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM mới đây còn liệt kê danh mục 7 dự án khác cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn trong năm 2016, trong đó có một số dự án có vị trí đẹp. Xem ra cuộc đua tranh phần của các đại gia địa ốc sẽ tiếp tục nóng lên trong thời gian tới.

Sơn Nguyễn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày