Chứng khoán

Cánh cửa rộng mở cho thị trường chứng khoán năm 2020

Vũ Hoài Thứ Tư | 11/12/2019 11:25

Thị trường chứng khoán giai đoạn 2015-2018. Ảnh: vtc.vn

Thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để được nâng hạng lên nhóm Mới Nổi Hạng 2 (Secondary Emerging Market) vào tháng 09/2020...
Thị trường chứng khoán giai đoạn 2015-2018. Ảnh: vtc.vn

Theo nhận định của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhà đầu tư có thể kì vọng vào dòng vốn lớn đáng kể chảy vào thị trường Việt Nam.

Khi được nâng hạng, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các quỹ với quy mô tài sản lớn phân bổ theo bộ chỉ số thị trường mới nổi FTSE, trong đó có thể nhắc tới quỹ Vanguard FTSE Emerging Market ETF-quỹ ETF thị trường mới nổi lớn nhất thế giới.

 

Bởi vậy, dù tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong các bộ chỉ số EM được dự báo ở mức thấp nhưng vẫn sẽ tạo ra một lượng lớn dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đánh giá của KBSV, dòng tiền giải ngân của khối ngoại thường sẽ tăng đáng kể khi việc nâng hạng FTSE được thông báo như thị trường chứng khoán Qatar trong giai đoạn 2015.

Tuy nhiên, KBSV cho rằng nhà đầu tư cũng cần lưu ý sẽ có sự lệch pha về thời điểm lúc các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên rút danh mục khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam và khi các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi bắt đầu giải ngân (thường sẽ có độ trễ).

Ngoài ra, dòng tiền chủ động sẽ có thể biến động khó lường trước và sau sự kiện nâng hạng. Một số quỹ chủ động thường đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam để đón đầu sự kiện nâng hạng và sau đó có thể rút ra chốt lời khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được nâng hạng.

“Giai đoạn phản ánh tích cực nhất sẽ chỉ tập trung vào giai đoạn trước khi được nâng hạng”, công ty chứng khoán này nhận định.

 

Một ví dụ được KBSV đưa ra là trường hợp của Romania, thị trường chứng khoán đã tăng gần 38% kể từ đầu năm, đón đầu thông tin nâng hạng Mới nổi hạng 2 vào tháng 90/2019. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý chỉ số chứng khoán sẽ có thể điều chỉnh sau khi việc nâng hạng đi vào hiệu lực như trường hợp của UAE và Qatar, giảm lần lượt 5% và 20% 1 năm sau khi được nâng hạng.

Ngoài ra, một trong những rào cản đối nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam là vấn đề về thanh khoản. Về điều này, KBSV nhận định thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện sau khi nâng hạng.

Một ví dụ điển hình được KBSV đưa ra là thị trường chứng khoán Qatar có thanh khoản cải thiện sau khi được nâng hạng. Do đó, theo quan điểm của KBSV, nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể hấp thụ tốt hơn những khoản đầu tư có quy mô lớn.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của KBSV cho biết việc nâng hạng có 2 yếu tố thúc đẩy thanh khoản thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, dòng tiền khối ngoại ra/vào thị trường Việt Nam sẽ nhiều  bởi có các quỹ chủ động trước đó đã đầu tư vào thị trường Việt Nam chờ nâng hạng sẽ chốt lời và các quỹ ETFs đầu tư theo các chỉ số của Emerging sẽ giải ngân vào thị trường.

Thứ hai, bản thân dòng tiền trong nước cũng sẽ hoạt động tích cực hơn khi nhà đầu tư kỳ vọng việc nâng hạng thúc đẩy VN-Index tăng lên các mốc cao mới. Điều này sẽ kích thích nhà đầu tư tham gia giao dịch, từ đó cải thiện thanh khoản thị trường.

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng cũng giúp gia tăng tính tương đồng giữa quy tắc, chuẩn mực của thị trường chứng khoán Việt Nam với quốc tế, qua đó tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch nhiều hơn. Ngoài ra, việc nâng hạng cũng được xem như là động lực cho các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh cải cách và nâng cấp thị trường.

Tuy nhiên, KBSV cho rằng nhà đầu tư sẽ cần phải chú ý rằng tác động của những yếu tố này với thị trường mới nổi sẽ rõ ràng hơn so với thị trường cận biên.

►Vì sao khối ngoại bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam?

►Bloomberg: Cổ phiếu Việt Nam đang rẻ, nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại không có nhiều cơ hội mua vào vì thanh khoản thấp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày