Chứng khoán

Hòa Phát phất lên từ Dung Quất

Vũ Quỳnh Thứ Năm | 20/02/2020 10:00

Ảnh: bizlive.vn

Thị phần tăng lên 26% trong năm 2019, Hòa Phát quyết tâm đổ thêm 60.000 tỉ đồng cho dự án Dung Quất.
Ảnh: bizlive.vn

Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), tổng sản lượng thép xây dựng tiêu thụ của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đạt 2,78 triệu tấn (tăng 16,8% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn chạy thử nghiệm tháng 7 và tháng 11.2019, Khu Liên hiệp Dung Quất đã cho ra lò khoảng 840.000 tấn thép xây dựng và phôi thép. Với sự hỗ trợ quan trọng đó, thị phần của Hòa Phát đã tăng tích cực từ 23,8% năm 2018 lên 26% năm 2019. Nhu cầu về thép xây dựng được hỗ trợ mạnh bởi thị trường miền Nam và các đơn hàng xuất khẩu, bên cạnh việc các đại lý trong nước bắt đầu trữ hàng. Trong năm 2020, với xu hướng bắt đầu giảm của giá quặng sắt thế giới và năng lực sản xuất cải thiện mạnh từ dự án Dung Quất, Hòa Phát mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu 400.000 tấn thép xây dựng.

Được triển khai từ năm 2017 trên cơ sở kế thừa dự án thép Quảng Liên (Đài Loan), Khu Liên hiệp Dung Quất là tâm huyết đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát, đảm trách nhiệm vụ tăng trưởng trung và dài hạn của doanh nghiệp này. Theo thiết kế, Khu Liên hiệp Dung Quất không chỉ có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, dây chuyền đúc cán thép dẹt hiện đại và hệ thống lò cao, Dung Quất còn được xây dựng một cảng nước sâu riêng biệt để đón tàu trọng tải 200.000 tấn. Tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến là 2,5 tỉ USD. Dung Quất giúp tăng năng suất sản xuất của Hòa Phát ấn tượng, cũng như án ngữ vị trí địa lý chiến lược để vận tải thép vào thị trường miền Nam qua đường biển và xuất khẩu. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, giai đoạn 1 của Dung Quất với công suất thiết kế 2 triệu tấn thép/năm có thể sản xuất tối đa 3 triệu tấn thép xây dựng, giúp nâng tổng công suất Hòa Phát thêm 135,7% vào năm 2020. Giai đoạn 1 dự kiến vận hành thương mại trong quý I/2020.

Phần công suất phụ trội này giúp Hòa Phát đáp ứng được nhu cầu tăng ấn tượng của thị trường thép xây dựng miền Nam. Riêng tháng 12.2019, khu vực phía Nam đạt sản lượng bán hàng khoảng 70.000 tấn, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tổng sản lượng thép xây dựng Hòa Phát bán ra trong năm 2019 đạt 2,776 triệu tấn (tăng 16,8%) với 265.000 tấn xuất khẩu.

Với động lực tăng trưởng từ sức mua, trong quý IV/2019, doanh thu của Hòa Phát đạt 17.975 tỉ đồng, tăng hơn 24,9%; lợi nhuận ròng đạt 1.923 tỉ đồng, tăng 8,8%. Tổng doanh thu cả năm ước đạt 63.658 tỉ đồng.

Theo đánh giá chung, Hòa Phát hiện có lợi thế cạnh tranh khá tốt nhờ các yếu tố: (1) chi phí sản xuất thấp hơn nhờ công nghệ và giá quặng sắt giảm; (2) doanh thu khả quan từ các lĩnh vực phi cốt lõi như nông nghiệp, bất động sản; (3) khi giai đoạn 2 của dự án Dung Quất được đưa vào hoạt động, chuỗi giá trị mảng thép dẹt sẽ hoàn thiện.

Về giá quặng sắt, phân tích chi tiết từ Everest Securities nhận định, giá quặng sắt có xu hướng giảm trong các tháng gần đây từ mức đỉnh 123USD trong tháng 7 xuống mức 83 USD/tấn. Ngoài ra, khi chia sẻ về việc vận hành dự án Dung Quất, Ban Lãnh đạo của Hòa Phát cho biết, khi dự án được vận hành ở mức tối ưu, tỉ suất EBITDA của Dung Quất sẽ cao hơn so với nhà máy hiện tại ở Hải Dương. Nguyên nhân đóng góp trọng yếu vì việc giảm chi phí đầu vào logistics nhờ cảng nước sâu có thể đón tàu tải trọng lớn, công nghệ mới cũng giúp giảm tỉ lệ hao hụt. Dung Quất có khả năng đón tàu 200.000 tấn đang hoàn thành, giúp tối ưu hóa bài toán logistics, thuận lợi trong xuất hàng thành phẩm từ khu liên hợp tới các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhận định về chuỗi sản xuất của Hòa Phát, các chuyên gia của VNDirect cho rằng, khi vận hành tối đa công suất, giai đoạn 2 có thể bổ sung 2,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) vào tổng công suất hằng năm của Hòa Phát, đồng nghĩa việc giúp doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm thép dẹt, từ quặng sắt đến sản phẩm cuối cùng (tôn mạ và ống thép).

Trong quý IV/2019, mảng nông nghiệp của Hòa Phát gây ấn tượng với doanh thu đạt 2.607 tỉ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ. Sau khi thẩm định các yếu tố khách quan tích cực từ dự án Dung Quất, đa số công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định tích cực và HPG, với khuyến nghị trọng yếu là mua.

Cụ thể, dựa trên cách tiếp cận định giá tương đối P/E và chiết khấu dòng tiền DCF, VNDirect cho rằng giá mục tiêu của HPG là 29.700 đồng/cổ phiếu - mức giá cao hơn nhằm phản ánh các yếu tố hỗ trợ tích cực mới của Hòa Phát. Mức giá mục tiêu ban đầu của VNDirect là 26.139 đồng. Nếu thị giá vận động đúng theo dự đoán, nhà đầu tư dự kiến thu lời 29,1%.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày