Công Nghệ

Báo cáo iPOS F&B 2023: Hơn 45% doanh nghiệp không sử dụng ứng dụng giao đồ ăn

Huy Vũ Thứ Sáu | 29/03/2024 07:30

Ảnh: TL.

Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực (F&B) 2023 ở Việt Nam của iPOS cho thấy có đến hơn 45% doanh nghiệp không sử dụng ứng dụng giao đồ ăn.
Ảnh: TL.

Cụ thể, chỉ 53,1% doanh nghiệp sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến trong năm 2023 (điều kiện là phát sinh tối thiểu 5 đơn hàng mỗi tuần). Tỉ lệ này tương đương với năm 2022. Lý giải về vấn đề này, báo cáo cho rằng do số lượng cửa hàng ngừng hoạt động nhiều trong khi các cửa hàng F&B mới khai trương chưa sử dụng online vẫn còn khá cao.

Ở phía người sử dụng, tỉ lệ không sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trong năm 2023 là 20,4%, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính được cho là tiết kiệm chi phí vận chuyển. Báo cáo cũng chỉ ra rằng mức phí nằm trong ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng khi đặt đồ ăn là dưới 15.000 đồng (49,9% khách hàng được khảo sát cho biết).

Nguồn:
Nguồn: Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực (F&B) 2023 ở Việt Nam của iPOS.

Kết hợp cả 2 yếu tố này cho thấy chi phí cho các nền tảng giao thức ăn đang là rào cản doanh nghiệp tham gia. Tương tự như vậy ở phía người sử dụng dù tỉ lệ chấp nhận vẫn ở mức 80% tuy nhiên sự tăng trưởng của nhóm không sử dụng để tiết kiệm chi phí giao hàng cũng là một yếu tố mà các nền tảng cần chú ý.

Ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia vận hành F&B cho biết năm 2023 được xem là đáy của nền kinh tế nên mức chi tiêu bị ảnh hưởng rất lớn. Điều này thể hiện rõ ở người tiêu dùng ở các thành phố lớn.

“Sự sụt giảm của tiêu dùng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là 6 tháng đầu năm, ở mức không đáng kể do tâm lý người dân vẫn còn thoải mái. Kể từ tháng 7 đến tháng 11, mức chi tiêu giảm đột biến. Một số thương hiệu đồ ăn và đồ uống ghi nhận doanh thu giảm tới 40%”, ông Bình nói.

Mặc dù ngại lên trực tuyến nhưng hơn một nửa (51,7%) trong số hơn 2.200 chủ doanh nghiệp F&B cho biết tình hình kinh doanh tốt lên và có ý định mở rộng quy mô chi nhánh trong lai gần. 

Các đơn vị không có nhu cầu mở rộng (chiếm hơn 33%) vì các lý do doanh nghiệp đang hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại hoặc lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng như: cạnh tranh gay gắt từ các chuỗi lớn, quản lý nhân sự khó khăn, chưa đảm bảo được chất lượng đồng đều của sản phẩm...

Nhìn chung, nhu cầu mở rộng quy mô của các cửa hàng ăn uống là khá cao, thể hiện sự phát triển tích cực của ngành F&B. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro và lợi ích trước khi đưa ra quyết định mở rộng, báo cáo viết.

Tính đến hết năm 2023, số lượng nhà hàng/quán ăn tại Việt Nam tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với hơn 317.000 cửa hàng. Mức tăng trưởng này thấp hơn dự đoán do làn sóng đóng cửa của các cửa hàng F&B vừa và nhỏ cùng việc thu hẹp quy mô của các doanh nghiệp lớn. Tổng doanh thu toàn thị trường năm 2023 đạt 590.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Được biết Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023 là dự án nghiên cứu chuyên sâu thường niên do iPOS.vn phối hợp cùng Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC, Hệ thống kênh thông tin và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực F&B Việt Nam thực hiện trong 4 tháng với gần 3.000 nhà hàng/quán ăn và gần 4.000 thực khách trên toàn quốc.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày