Công Nghệ

Đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam: Điểm nóng hậu COVID

Sơn Nguyễn Thứ Năm | 24/06/2021 08:00

Loship đã công bố khoản đầu tư mới nhất từ đồng sáng lập Skype. Ảnh: asiatechdaily.com.

Sau một năm giảm sâu, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục và đa dạng hơn.
Loship đã công bố khoản đầu tư mới nhất từ đồng sáng lập Skype. Ảnh: asiatechdaily.com.

Hơn 100 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm (VC) đã được rót vào các doanh nghiệp Việt Nam chỉ trong quý I vừa qua. Theo Nextrans, công ty đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc, con số này tương ứng tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và đưa Việt Nam trở thành điểm nóng trong khu vực hậu đại địch.

Thực tế, thị trường đầu tư mạo hiểm các tháng qua đã ghi nhận một số thương vụ đáng chú ý trên nhiều lĩnh vực từ tài chính, giáo dục, y tế cho đến sản xuất, giao nhận. Genetica, một startup chuyên giải mã gen, huy động được 2,5 triệu USD, hay nền tảng học tập trực tuyến Manabie nhận được 3 triệu USD, hay Dat Bike, một startup sản xuất xe máy điện, nhận được các cam kết rót vốn trị giá 2,6 triệu USD.

 

Đáng chú ý, hãng giao hàng trong một giờ Loship đã công bố khoản đầu tư mới nhất từ đồng sáng lập Skype do MetaPlanet Holdings hậu thuẫn. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của MetaPlanet tại Việt Nam, nằm trong chiến lược nắm bắt các cơ hội của thị trường mới nổi ở châu Á. “MetaPlanet có kế hoạch quan tâm nhiều hơn đến các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á. Tôi rất vui mừng khi có một khởi đầu tốt đẹp tại Việt Nam bằng cách thêm Loship làm công ty đầu tư đầu tiên của chúng tôi”, ông Jaan Tallinn, đồng sáng lập Skype và là đối tác của MetaPlanet Holdings, nhận định.

 

Theo Nextrans, so với quá khứ, hiện hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt nam đã được chuyển đổi từ hoạt động kém hấp dẫn thứ 2 lên vị trí tích cực thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Hơn thế nữa, hồ sơ các nhà đầu tư thực hiện giao dịch tại Việt Nam ngày càng đa dạng. Nếu như trong giai đoạn 2017-2018, phần lớn các thương vụ đến từ Singapore và Nhật thì nay thị trường vô cùng sôi động với sự tham gia của một số nhà đầu tư đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí cả khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA).

Nhiều người trong số họ đã đầu tư vào Việt Nam lần đầu tiên. Nhà đầu tư trong nước cũng tích cực tham gia vào khoảng 30% các thương vụ. Bối cảnh khởi nghiệp của Việt Nam đang được kỳ vọng rất lớn, thậm chí có khả năng thay thế Indonesia trở thành điểm đến yêu thích tiếp theo của nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ hội nhận thêm dòng vốn đầu tư mạo hiểm trong thời gian tới là khả thi. Mới đây, Tập đoàn Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (KVIC), một cơ quan có liên quan đến chính phủ để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và ngành đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc, lên kế hoạch đa dạng hóa danh mục đầu tư ra khỏi 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc, trong đó Việt Nam nằm trong số 2 cái tên được lựa chọn, bên cạnh UAE.

Dự kiến KVIC sẽ ủy thác vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm khác để giải ngân vào những dự án tiềm năng. Tổng số tiền ủy thác mới nhất mà KVIC cung cấp là 62 triệu USD. Đây là lần đầu tiên KVIC cung cấp tài trợ cho các công ty đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 2000. “Nhiệm vụ này có ý nghĩa ở chỗ chúng tôi đang mở rộng phạm vi toàn cầu và giúp các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc mở rộng ra nước ngoài”, lãnh đạo của KVIC chia sẻ.

Sự phục hồi gần đây của dòng vốn này là dấu hiệu tích cực sau một năm 2020 giảm đến 48%, chỉ đạt 451 triệu USD. Số lượng thương vụ cũng giảm đến 17%. Đặc biệt, các thương vụ có quy mô lớn giảm đến 3 lần.

Theo Do Ventures Research, thị trường thanh toán và bán lẻ là 2 khu vực chiếm lĩnh thị trường 3 năm gần đây với tổng quy mô vốn gọi được là 564 triệu USD. Nhưng hiện khẩu vị đầu tư có phần đa dạng hơn khi các startup trong mảng việc làm (HRTech) và bất động sản (Proptech) ngày càng được quan tâm, còn giáo dục (EdTech), chăm sóc sức khỏe (MedTech) và tự động hóa kinh doanh (SaaS) cũng dần được để ý nhờ những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ảnh: Quý Hòa.
Giới thiệu các startup tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa.

Triển vọng bật tăng quy mô và số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm trong năm nay là khá sáng sủa. Thống kê của Nextrans cho thấy có tới 117-200 thương vụ dự kiến được thực hiện trong 12 tháng tới. Các lĩnh vực nóng sốt có thể là fintech, thương mại điện tử và logistics.

So với dòng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân đã tương đối trưởng thành, dòng vốn đầu tư mạo hiểm có tính hỗ trợ các startup cao hơn. Hiện Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu có ít nhất 10 startup kỳ lân trong thập kỷ tới và trở thành một trung tâm khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á. Nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế internet và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các công ty khởi nghiệp của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc khi hoạt động đầu tư dần trở lại với tốc độ bình thường.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày