Công Nghệ

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Giáo dục đại học trước sức ép thay đổi

Công Sang Thứ Ba | 27/02/2024 07:30

Sức ép ngành giáo dục đang lớn dần khi kinh tế tăng trưởng chậm lại và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã thay đổi rất lớn.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Trương Nguyện Thành, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (A.I) cũng tạo ra áp lực rất lớn cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời gian tới dù rằng công nghệ này vẫn còn khá mới. 

The Economist (Anh) từng khen ngợi hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Mỗi hệ thống giáo dục có tiêu chuẩn đánh giá khác nhau nên rất khập khiễng khi so sánh với các quốc gia khác về tiêu chuẩn đánh giá, triết lý đào tạo. Nhiều quốc gia không chỉ lấy một trọng số là kiến thức đào tạo sau phổ thông như Việt Nam và ngược lại. Lấy ví dụ về hệ thống giáo dục của Mỹ, quốc gia này không đặt nặng vấn đề kiến thức ở bậc phổ thông mà hướng đến tổng thể như kiến thức, sức khỏe và kỹ năng sống sao cho một học sinh ra trường cấp trung học phổ thông có đủ kiến thức, sức khỏe để làm các công việc phổ thông. Ngoài ra, còn có kỹ năng sống và tư duy tự lập, không làm gánh nặng cho gia đình, đóng góp cho xã hội. Vậy với triết lý giáo dục đó, học sinh trung học Mỹ có cần phải giải các bài toán phức tạp không? Câu trả lời chắc chúng ta đã rõ.

Do đó, nếu so sánh về mặt kiến thức là vừa đúng mà vừa chưa đúng. Đúng là học sinh phổ thông Việt Nam có kiến thức tốt hơn học sinh Mỹ rất nhiều, nhưng nếu so về các kỹ năng khác thì sẽ như thế nào? Tôi nghĩ không có đúng sai. Chỉ là quan điểm về triết lý giáo dục của từng quốc gia là khác nhau mà thôi.

 

Quá chú trọng vào kiến thức có phải là lý do khiến tỉ lệ giáo dục sau phổ thông ở Việt Nam hiện chỉ 10% dân số (báo cáo World Bank). Và cũng bởi khoảng trống từ bậc phổ thông đến cao đẳng, đại học dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”? 

Việt Nam kể từ lúc mở cửa đến nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hằng năm luôn ở mức cao nên rất khó có một chương trình giáo dục nào có thể đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng này. Những vấn đề trên đã được nêu và có phương án giải quyết, nhưng tốc độ phát triển kinh tế quá nhanh, nhu cầu việc làm nhiều và đa dạng đã lấp vào các lỗ hổng về nhân lực đó. Do đó, các phương án giải quyết đã không thực sự phát huy tác dụng hoặc không có động lực thực hiện, vì thị trường tuyển dụng có phần ưu ái để đáp ứng nhu cầu phát triển chung.

Nhưng COVID-19 là một dấu mốc quan trọng tác động đến thị trường lao động và hệ thống giáo dục. Nền kinh tế toàn cầu bị chững lại và vẫn chưa hồi phục, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, làn sóng sa thải tăng cao. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của công nghệ, cụ thể là A.I trong thời điểm này đã tác động rất lớn đến các đợt khủng hoảng trước đó, khiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thay đổi, từ đó gây áp lực ngược lại lên hệ thống giáo dục, buộc phải thay đổi theo để thu hút người học.

Nhìn chung, nền kinh tế trì trệ, công việc không còn dồi dào trong thời gian tới buộc hệ thống giáo dục nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, phải thay đổi và sửa chữa lại những thiếu sót trong việc đào tạo mà họ đã lãng quên trong thời gian qua.
 
Vì sao ông cho rằng công nghệ, cụ thể là A.I sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến ngành giáo dục Việt Nam?

Có thể nhìn vào sự phát triển của internet để thấy tác động sâu sắc của công nghệ. Năm 1997, internet gia nhập vào Việt Nam nhưng phải mất hơn một thập kỷ, tỉ lệ người sử dụng internet mới bùng nổ như hiện nay. Nguyên nhân là do thiết bị di động thông minh phát triển, giá thành hấp dẫn và dễ sử dụng giúp người dân tiếp cập internet dễ hơn so với máy tính.

 

A.I cũng tương tự khi cho phép người sử dụng tương tác với máy tính bằng ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, giúp nâng cao hiệu suất làm việc so với trước kia. Đối với người sử dụng A.I, họ có thể tìm kiếm và nhờ các công cụ này bóc tách ra các thông tin cần thiết phục vụ cho công việc. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm lao động và hướng tới các nhân sự có năng suất lao động cao. Vậy khi kinh tế khởi sắc, điều cần một thời gian nữa, doanh nghiệp liệu có tuyển dụng ồ ạt như trước kia hay chỉ tuyển những người có năng suất làm việc tốt? Câu trả lời chúng ta đã rõ.  Khi đầu ra của sản phẩm giáo dục yêu cầu rõ ràng như vậy thì các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục không thể không thay đổi.

Vậy bức tranh giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, một lượng lớn lính Mỹ quay về học đại học, khiến nhu cầu giáo dục sau phổ thông bùng nổ. Hệ thống trường đại học tư phát triển rất mạnh trong giai đoạn này để đáp ứng nhu cầu người học. Bên cạnh đào tạo chính quy, còn có hệ đào tạo liên tục (học chuyên môn, đào tạo ngắn hạn vài tháng) cũng phát triển không kém để phục vụ những người đã đi làm và muốn nâng cao kỹ năng nhằm cải thiện thu nhập. Nhưng sau nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, người học không kiếm được việc làm dẫn đến một cuộc thanh lọc mạnh trên thị trường về chất lượng giảng dạy, đầu ra của sinh viên. Cho đến nay, các trường tư nhân nổi tiếng của Mỹ đếm trên bàn tay, các trường không chịu nổi nhiệt trong cuộc đua này thì đóng cửa hoặc mở rộng kinh doanh sang các thị trường ngoài Mỹ. 

Các đại học công và tư Việt Nam có khả năng trong thời gian tới sẽ gặp tình trạng này khi nhu cầu học và nhu cầu tuyển dụng đã thay đổi rất nhiều như đã đề cập ở trên.

Thứ đến là việc đào tạo liên tục ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng, một số khóa học ngắn hạn được các trường đào tạo tại cơ sở nhưng không đa dạng hoặc học phí rất cao do liên kết với các bên nước ngoài. Bên cạnh đó, giáo trình học và thời gian học cho các hệ như văn bằng hai, học liên thông vẫn chưa được thiết kế phù hợp với người đi làm. Đây là thị trường bỏ ngỏ và rất tiềm năng.
 
Nhưng để thay đổi cần nguồn lực đầu tư. Theo ông, các trường đang chờ đợi điều gì để có thể thu hút vốn đầu tư?

Đã có nhiều chính sách hữu ích từ cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy tư nhân tham gia lĩnh vực giáo dục và các trường đại học công được tự chủ về tài chính trong thời gian qua ở Việt Nam.

Từ góc nhìn cá nhân, cần có các khung pháp lý để các trường đại học phát triển hệ đào tạo liên tục và hợp tác với doanh nghiệp. Có rất nhiều hạn chế hiện nay mà các khóa đào tạo liên tục, nhất là kỹ năng mới cần thời gian để cấp phép đào tạo vì có thể các kiến thức đó quá mới và việc rà soát về chuyên môn của các cấp có thẩm quyền tốn thời gian, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu học hiện nay.

Thứ đến là lực lượng giảng dạy. Ở Việt Nam quy định trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên mới được tham gia giảng dạy. Điều này có thể không phù hợp với việc đào tạo liên tục trong bối cảnh hiện tại vì lực lượng giảng dạy vô tình bị hạn chế số lượng. Bên Mỹ, nguồn giảng dạy cho các khóa đào tạo liên tục dựa trên 5% giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của các trường và các chuyên gia đã làm việc trong lĩnh vực đó nhiều năm.

Cuối cùng, việc hành lang pháp lý quy định rõ phát triển đào tạo liên tục ở các trường giúp họ có thêm nguồn thu khác ngoài học phí. Từ đó thúc đẩy các nguồn vốn bên ngoài tham gia. Khi có nguồn thu nhập từ đào tạo liên tục, họ có thể tái đầu tư vào đào tạo chính quy thông qua việc cải thiện thu nhập giáo viên hoặc tuyển chọn các giáo viên tốt. Đây là cách cân bằng giữa mục tiêu giáo dục và lợi nhuận, đồng thời cũng giúp rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo với nhu cầu thực tế.

Song song đó là các chính sách tín dụng hỗ trợ người đi làm quay lại giảng đường. Đây là nhóm có thu nhập, có động lực học tập rõ ràng sẽ hiệu quả hơn nhóm sinh viên.

Tôi kỳ vọng trong tương lai gần, chuyện đào tạo liên tục sẽ được cung cấp tín chỉ và nếu học viên có đủ các tín chỉ thì giá trị của nó tương đương với việc đào tạo chính quy
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày