Công Nghệ

Grab phản hồi sau khi bị phạt 9,5 triệu USD vì vụ sáp nhập Uber

Hải Nguyễn Thứ Hai | 24/09/2018 18:30

Ảnh:Nikkei Asian Review

Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore nói vụ sáp nhập đã đẩy giá vé tăng lên và làm giảm cạnh tranh trên thị trường.
Ảnh:Nikkei Asian Review

Cơ quan giám sát cạnh tranh của Singapore vừa phạt hãng cung cấp ứng dụng gọi xe khổng lồ Uber và đối thủ của hãng này trong khu vực là Grab 13 triệu đôla Singapore (khoảng 9,5 triệu USD) vì vụ sáp nhập ở Đông Nam Á. Cơ quan này nói vụ sáp nhập đã đẩy giá vé tăng lên và làm giảm cạnh tranh trên thị trường.

Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore hôm 24/9 nói rằng việc Uber bán doanh nghiệp trong khu vực của mình cho Grab hồi tháng 3 đã vi phạm Luật Cạnh tranh.

Theo thỏa thuận, Uber nắm giữ 27,5% cổ phần của Grab và được trao một ghế trong hội đồng quản trị. Grab là một công ty đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tài chính, vận chuyển thực phẩm và gọi xe ở Đông Nam Á.

Việc Grab nắm giữ 80% thị phần sau khi sáp nhập đã khiến cho giá vé tăng 10-15%, theo cơ quan giám sát của Singapore.

Giao dịch đã làm giảm đáng kể sự cạnh tranh trong việc cung cấp các nền tảng ứng dụng gọi xe ở Singapore”, cơ quan này nói thêm.

Uber đã bị yêu cầu phải trả 6,6 triệu đôla Singapore (4,8 triệu USD) tiền phạt, trong khi Grab bị phạt 6,4 triệu đôla Singapore (4,7 triệu USD).

Ủy ban của Singapore nói rằng số tiền phạt mang ý nghĩa “ngăn chặn việc sáp nhập hoàn toàn, vĩnh viễn, gây nguy hại cho sự cạnh tranh”.

Công ty cũng được yêu cầu phải sử dụng hệ thống thuật toán trước khi sáp nhập để định giá và tiền hoa hồng cho tài xế, và ngừng việc làm hợp đồng độc quyền với các tài xế và các công ty taxi.

Ông Lim Kell Jay, Giám đốc Grab ở Singapore, nói rằng cơ quan giám sát đã sử dụng “một định nghĩa rất hạn hẹp về thị trường để đưa ra kết luận”. Ông phủ nhận giá vé đã được tăng lên.

“Grab hoàn thành giao dịch theo quyền hợp pháp của mình, và vẫn cho rằng chúng tôi không cố ý hay vô ý vi phạm luật cạnh tranh”, AP dẫn lời ông Lim nói.

Grab chuyên cung cấp dịch vụ tại Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Công ty này cho biết mỗi năm họ nhận khoảng năm triệu tài xế, đại lý và có hơn một tỷ giao dịch.

Trog khi đó, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam, phát biểu rằng về cơ bản, hài lòng trước việc Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã không yêu cầu hủy bỏ giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber, sau khi đã hoàn tất quá trình điều tra.

“Tiếp theo sự kiện Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) chấp thuận tính hợp pháp của giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber và không yêu cầu hủy bỏ giao dịch này vào tháng 7/2018, quyết định của CCCS ngày hôm nay một lần nữa không quyết định hủy bỏ giao dịch đã đánh dấu một định hướng đúng đắn trong việc đánh giá cao những lợi ích mà giao dịch này mang đến”, ông Jerry Lim phát biểu.

Đại diện của Grab Việt Nam cho rằng, điểm mấu chốt nằm ở sự khác biệt về quan điểm giữa Grab và cơ quan chức năng khi xác định các yếu tố tạo nên một thị trường mang tính cạnh tranh. Trong số các công ty kinh doanh vận tải, các công ty taxi có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường vẫn đang giữ vị trí là những đối thủ đáng gờm của những công ty công nghệ phát triển ứng dụng gọi xe như Grab tại các quốc gia mà Grab hoạt động. Khách hàng vẫn có quyền lựa chọn nhiều phương tiện di chuyển và cách thức gọi xe khác nhau.

Ông Jerry Lim  cũng cho rằng,  tại Việt Nam, các công ty taxi như Mai Linh và Vinasun luôn coi các công ty kinh doanh phần mềm gọi xe là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Vinasun và Mai Linh là hai trong số các doanh nghiệp taxi lớn nhất Việt Nam, và hai công ty này cũng đã đầu tư phát triển ứng dụng gọi xe của riêng họ để cạnh tranh với các công ty phát triển ứng dụng gọi xe.

Hiện nay, theo Quyết định 24, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử tại 5 tỉnh, thành trên cả nước và hiện đang có 9 công ty tham gia vào đề án này, trong đó có cả những công ty taxi đã hoạt động lâu năm trên thị trường. Tất cả công ty được chấp thuận tham gia vào Đề án thí điểm đều có cơ hội ngang nhau để đổi mới sáng tạo nhằm tối ưu hóa hiệu quả giao thông, vì lợi ích tốt nhất của khách hàng.

“Khác với Singapore và Philippines, tại Việt Nam, Grab chỉ có thể cung cấp dịch vụ kết nối di chuyển thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải hợp pháp; và các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã này sẽ cung cấp dịch vụ vận tải cho hành khách hàng khi họ đặt dịch vụ trên nền tảng ứng dụng Grab. Với vai trò là một công ty công nghệ, chúng tôi không sở hữu xe và không ký hợp đồng hợp tác trực tiếp với tài xế”, ông Jerry Lim  cho biết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày