Công Nghệ

Tàu điện siêu âm Hyperloop One lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống hoàn chỉnh

Thứ Ba | 18/07/2017 17:00

Twitter

Khi công nghệ của Hyperloop ứng dụng được vào thực tế, nó sẽ có thể tạo ra một cuộc cách mạng giao thông vận tải.
Twitter

Tàu điện Hyperloop One vừa được tiến hành thử nghiệm lần đầu tiên trong đường hầm chân không tại Nevada (Mỹ), với đầu tàu bằng đúng kích thước thật của bản thiết kế. Tuy nhiên, trong lần thử nghiệm đầu tiên này, Hyperloop One vẫn chưa lập kỷ lục nào về tốc độ, mà chỉ được thử nghiệm ở vận tốc tối đa 112 km/giờ.

Theo Shervin Pishevar, nhà đồng sáng lập Hyperloop One, thì lần thử nghiệm đầu tiên này chưa quan tâm đến tốc độ mà mục đích chính là đạt tới điều kiện chân không hoàn toàn trong đường hầm, và công nghệ di chuyển trên đệm từ trường. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tàu sẽ di chuyển trong điều kiện môi trường giống với một chiếc máy bay đang bay ở độ cao 60.000m - nơi thiếu hoặc gần như không có lực cản không khí, cho phép đẩy cao tốc độ di chuyển. Đây cũng chính là lý thuyết mà người ta cho rằng sẽ giúp Hyperloop One đạt tới tốc độ siêu việt.

Đầu tàu Hyperloop One được thử nghiệm có chiều dài 8,5m, có cấu trúc khung nhôm và vỏ ngoài bằng sợi carbon. Sử dụng động cơ điện, chạy trên đệm từ trường trong đường hầm chân không, Hyperloop One được thiết kế để chuyên chở cả hàng hóa lẫn hành khách với tốc độ gần mức siêu âm. Nhà đồng sáng lập Shervin Pishevar đã mô tả cuộc thử nghiệm là cột mốc cực kỳ quan trọng đối với công ty, ví von với thời khắc của chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright - những người đã đặt nền móng tạo ra những chiếc máy bay ngày nay.

"Lần đầu tiên thử nghiệm thành công hệ thống hoàn chỉnh, Hyperloop One đã làm được điều mà chưa ai làm được", Pishevar nói trong một tuyên bố sau cuộc thử nghiệm. "Bằng cách đạt được môi trường chân không hoàn toàn, chúng tôi đã tạo ra bầu trời của riêng mình trong một đường hầm, như thể bạn đang bay ở độ cao 60.000m vậy".

Tau dien sieu am Hyperloop One lan dau tien thu nghiem he thong hoan chinh
Đầu tàu Hyperloop One. Ảnh: TechCrunch

Trong lần thử nghiệm này, Hyperloop đã chọn cách tổ chức bí mật, sau thất bại của lần thử nghiệm trước đó. Vào tháng 5/2016, Hyperloop từng cho chạy một mẫu thử nặng 680 kg, và nó chỉ chạy được 2 giây trước khi văng ra khỏi đệm từ trường. Vào tháng 10/2016, Hyperloop One bắt đầu xây dựng đường chạy thử nghiệm DevLoop dài 500m và đưa vào sử dụng từ tháng 4 vừa qua. Công ty cho biết sẽ tiếp tục chạy các bài kiểm tra tại DevLoop trong những tháng tới để "xác định các thành phần và phần mềm thế hệ tiếp theo". Giai đoạn tiếp theo của Hyperloop One là vươn tới những cột mốc tốc độ cao hơn, vào khoảng 400 km/giờ. Tốc độ này chỉ mới bằng ⅓ so với tốc độ lý thuyết có thể lên đến hơn 1.200 km/giờ.

Trong nhiều tháng qua, các nhà điều hành cấp cao của công ty đã đi khắp thế giới để chia sẻ tầm nhìn của mình về công nghệ vận chuyển tốc độ cao cho chính phủ các nước và các nhà đầu tư. Mặc dù có trụ sở tại Los Angeles và xây dựng đường chạy thử nghiệm ở Nevada, nhưng Hyperloop One lại tập trung việc kinh doanh ở bên ngoài nước Mỹ. Công ty đã thực hiện các nghiên cứu khả thi tại nhiều nơi như Các Tiểu Vương quốc Arập (UAE), Phần Lan và Thụy Điển, Hà Lan, Thụy Sĩ, Nga và Anh. Công ty cũng chú ý tới khoảng gần 10 khu vực ở Mỹ có nhiều khả năng ứng dụng được hệ thống giao thông cực nhanh của mình trong tương lai.

Rõ ràng đang cần phải làm rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm nữa, vượt qua hàng loạt các thách thức trước khi con người có thể đưa Hyperloop One vào hoạt động. Rất khó để xây dựng bất cứ thứ gì mới ở Mỹ, đặc biệt là một thứ rất lớn và cực kỳ đắt tiền như Hyperloop. Đây là một công nghệ hoàn toàn mới, được xây dựng từ con số 0. Tuy nhiên, khi công nghệ của Hyperloop ứng dụng được vào thực tế, nó sẽ có thể tạo ra một cuộc cách mạng giao thông vận tải.

Huy Khang

Nguồn Tổng hợp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày