Công Nghệ

Thế giới “chạm & trả”

Văn Quốc Thứ Bảy | 02/06/2018 10:32

Để thấy thế giới công nghệ và tài chính phát triển nhanh thế nào, hãy xem quá trình ra đời của 2 hệ thống thanh toán mới rất có ảnh hưởng.

 M-PESA, hệ thống thanh toán di động của Kenya, được sinh ra từ một dự án thử nghiệm vào năm 2005 của Safaricom, hãng khai thác dịch vụ di động lớn nhất nước này, được tài trợ bởi DFID, cơ quan cứu trợ của chính phủ Anh. Từ dự án thử nghiệm này, họ nhận thấy M-PESA có thể hỗ trợ hiệu quả các hoạt động thanh toán tín dụng vi mô, từ đó giúp giảm chi phí.

Alipay, một hệ thống thanh toán dựa trên smartphone đang phổ biến ở Trung Quốc (và đang phát triển nhanh ở nước ngoài), cũng có nguồn gốc từ một dịch vụ dành cho Taobao, một nền tảng trực tuyến của Alibaba, nơi các doanh nghiệp nhỏ bán trực tiếp cho người tiêu dùng Trung Quốc. Các khách hàng ngại thanh toán tiền hàng trước khi chưa nhận được hàng. Vì thế, người mua đã nhờ Alipay làm trung gian giữ tiền và chỉ giải ngân khi họ xác nhận hàng đã được giao. Vào năm 2008, hệ thống này đã được chuyển thành “ví di động”, nơi tiền được cất giữ. 

Safaricom đã đưa M-PESA trở thành một hệ thống chuyển tiền thông dụng nhất Kenya. Chủ tài khoản (hiện lên tới gần 3 triệu) thanh toán tiền bằng cách chuyển tiền mặt cho 1 trong hơn 148.000 đại lý của Safaricom, đặc biệt là các tiệm nhỏ bán thẻ cào để nạp vào điện thoại di động. Tiền mặt sau đó có thể rút tại một đại lý khác hoặc chuyển sang một chủ tài khoản M-PESA khác.

Điều đó cho phép người dân làm việc ở các thành phố gửi tiền về quê một cách nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn. Các dịch vụ khác đã được phát triển thêm trong những năm qua. Hiện M-PESA đã bành trướng ra nước ngoài và xuất hiện hàng chục dịch vụ tương tự như thế.  

The gioi “cham & tra”

Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ chuyển tiền này đều rất nhỏ bé so với Alipay, vốn có 520 triệu người sử dụng, gần như bằng tất cả tài khoản tiền di động ở các nước khác trên thế giới cộng lại. Alipay kỳ vọng sẽ tăng số khách hàng trên toàn cầu lên tới 2 tỉ vào năm 2025. Ant, được thành lập vào năm 2014, dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm tới. Ant đang gọi vốn vòng đầu định giá công ty này ở mức 150 tỉ USD (để so sánh, Goldman Sachs được định giá thấp hơn, chỉ 100 tỉ USD).

The gioi “cham & tra”

Khối lượng công việc mà các hệ thống của Alipay xử lý khiến cho người ta phải kinh ngạc. Vào ngày 11.11.2017 (Ngày Độc thân), một ngày mua sắm “điên cuồng” của thương mại trực tuyến, Alipay đã xử lý tới 25 tỉ USD giá trị các giao dịch, 90% trong số đó được thực hiện qua di động. Dịch vụ thanh toán di động duy nhất có thể bám đuổi quy mô của Alipay là WeChat Pay, thuộc đối thủ Trung Quốc Tencent. WeChat Pay đã làm giảm thị phần của Alipay trên thị trường thanh toán di động Trung Quốc từ mức trên 80% xuống còn chỉ hơn 50%. Hầu hết người dân Trung Quốc sử dụng cả hai hệ thống thanh toán di động này.

M-PESA và Alipay đi theo 2 mô hình khác nhau. M-PESA được thiết kế dành cho điện thoại phổ thông đơn giản (dù bây giờ nó là một ứng dụng). Còn Alipay là ứng dụng chỉ có trên smartphone, được kết nối với một tài khoản ngân hàng. Thanh toán được thực hiện bởi mã QR. Các hệ thống thanh toán di động đã tiến một bước rất dài. Một nghiên cứu tại Kenya cho thấy M-PESA đã làm tăng mức độ tiêu dùng và đưa 194.000 hộ gia đình Kenya thoát khỏi đói nghèo (chiếm 2% dân số). 

Cả hai mô hình Trung Quốc và Kenya đều đã được “du nhập” sang các nước khác. Hầu hết các quốc gia đang phát triển đều có dịch vụ thanh toán di động nhưng châu Phi hạ Sahara là khu vực duy nhất có tỉ trọng người trưởng thành sở hữu tài khoản di động vượt 10%. Tencent có giấy phép thanh toán điện tử ở Malaysia, nơi hãng này dự định tung ra WeChatPay. Alipay thì đi xa hơn khi thuyết phục được các nhà kinh doanh ở châu Âu và Mỹ chấp nhận Alipay làm phương tiện thanh toán nhằm phục vụ các cư dân và du khách Trung Quốc. Tại châu Á, Ant Financial đã và đang đầu tư vào các dịch vụ thanh toán di động địa phương ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc và gần đây nhất là Pakistan.

Khoản đầu tư mới đây nhất 184,5 triệu USD là để mua 45% cổ phần của Telenor Microfinance Bank (TMB), đơn vị điều hành dịch vụ tiền di động lớn nhất Pakistan là Easypaisa (TMB, thuộc sở hữu của nhà khai thác mạng di động đa quốc gia ở Na Uy là Telenor, đã tung ra Easypaisa vào năm 2009). Trong khi đó, các đối thủ ở Pakistan xem sự hiện diện của Ant Financial là một điềm báo “không lành”. “Họ đến đây không phải để cứu rỗi người dân Pakistan nghèo khổ mà là để xúc tiến thương mại điện tử”, một nhà cho vay tín dụng vi mô địa phương nhận xét. 

Không mấy ngạc nhiên khi nhiều người trong ngành này (vốn phát triển dịch vụ tiền di động chủ yếu vì mục đích từ thiện) cảm thấy vui buồn lẫn lộn trước sự tấn công ồ ạt của các doanh nghiệp thương điện tử khổng lồ vào ngành thanh toán ở Pakistan. Không chỉ ở Pakistan, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ và Trung Quốc đang ráo riết giành thị phần ở các thị trường nước ngoài. Là một thị trường sơ khai còn rất nhiều tiềm năng phát triển, Pakistan cũng cho thấy những thách thức lớn của ngành thanh toán.

The gioi “cham & tra”

Có thể thấy tham vọng của chính phủ và các doanh nghiệp trong việc số hóa ngành thanh toán một cách nhanh chóng, nhưng năng lực tiếp nhận số hóa của người dân lại không bắt kịp tham vọng đó. Thanh toán không dùng tiền mặt có thể giúp giảm chi phí, hạn chế tham nhũng, không khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế phi chính thức và gia tăng nguồn thu thuế.

Người nghèo có thể nhanh chóng nhận ra rằng tiền di động an toàn hơn trước nạn cướp giật, có thể tiết kiệm hàng giờ di chuyển và xếp hàng và còn có thể mở ra một loạt các dịch vụ tài chính. Nhưng họ có thể gặp khó khăn trong việc sắm ngay cả một chiếc điện thoại phổ thông đơn giản. Đặc biệt, người mù chữ và không biết làm toán sẽ thấy sử dụng điện thoại là cả một vấn đề. Tại Pakistan, con số này lại chiếm phần lớn dân số. Tỉ lệ biết chữ của người lớn nói chung chỉ là 58%; tỉ lệ người biết chữ ở vùng nông thôn và ở nữ giới còn thấp hơn, lần lượt là 49% và 45%. 

Một thách thức khác là việc chuyển sang các hệ thống mà tiền di động được chấp thuận trong các giao dịch mua hàng hằng ngày. Mục đích của các nhà phát triển là muốn tăng số tài khoản di động cá nhân, sau đó tăng lượng giao dịch thanh toán qua di động. Nhưng chừng nào các cửa hàng khác vẫn chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt thì một ông chủ cửa hàng không có “động cơ” để mặn mà với thanh toán điện tử. 

Tiền mặt hiện tại vẫn còn chỗ đứng. “Tiền mặt vẫn phát huy tác dụng rất tốt”, một chuyên viên phân tích của McKinsey nhận định. Thậm chí ở Na Uy, nơi thanh toán kỹ thuật số có thị phần lớn hơn bất cứ nước nào khác thì 17% tổng thanh toán vẫn ở dạng tiền mặt. Nhưng chắc chắn thanh toán kỹ thuật số sẽ trở nên dễ dàng hơn và ngày càng phổ biến hơn. Nhất là khi các hệ thống thanh toán di động luôn không ngừng tung ra các dịch vụ mới. M-PESA ở Kenya, chẳng hạn, đang tung ra dịch vụ “scan-to-pay” (quét và thanh toán) cũng như các dịch vụ “tap-to-pay” (chạm và thanh toán).

Hiện tại, cạnh tranh giữa các hệ thống di động diễn ra rất khốc liệt ở nhiều thị trường, nhưng tại các thị trường cận biên (frontier market), những người đi tiên phong có xu hướng gần như độc quyền, như M-PESA chiếm tới 80% thị phần ở Kenya. Mặt khác, cạnh tranh cũng giúp những người tiêu dùng xưa nay bị thua thiệt được hưởng lợi, cũng như đẩy mạnh tiêu dùng ở những bộ phận dân số ít được khai thác như phụ nữ nghèo ở nông thôn. Nhờ cuộc cách mạng di động mà số tài khoản di động của đối tượng phụ nữ ở Pakistan đã tăng tới 4 triệu người trong 12 tháng kết thúc vào tháng 9.2017, lên tới 7,3 triệu.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày