Công Nghệ

Ứng dụng công nghệ để cứu mạng người ở Nepal

Thứ Ba | 05/05/2015 10:59

Các hãng công nghệ như Facebook, Google, Apple và Viber đã tích cực tham gia vào việc hỗ trợ cứu sinh và liên lạc tại Nepal.

Dù các hãng công nghệ như Facebook hay Google luôn bị chỉ trích vì thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân, vẫn không thể phủ nhận rằng chính những đơn vị này có thể đóng vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động cứu hộ và hỗ trợ con người trong thiên tai, nhờ lượng thông tin khổng lồ mà họ có được. Thảm họa động đất vừa xảy ra ở Nepal cách đây 2 tuần lại là một trường hợp như vậy.

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 5.000 người tại Nepal thiệt mạng sau cơn địa chấn mạnh đến 7,8 độ Richter. Hiện vẫn chưa rõ liệu có người Việt nào trong số đó hay không. Vì thế, thông tin chính xác và cập nhật về những người sống sót hay còn gặp nguy hiểm, cũng như những sự giúp đỡ mà họ cần, đang rất được trông đợi. Không chần chừ, các ông lớn công nghệ cũng ra tay hỗ trợ trong khả năng của mỗi đơn vị, tuy vẫn gặp không ít trở ngại.

Apple đã khởi động tính năng cho phép người dùng iTunes Store có thể đóng góp bằng tiền cho tổ chức Chữ thập đỏ của Mỹ, dựa trên thông tin tín dụng mà họ đã đăng ký trên hệ thống. Trước đó, hãng này cũng từng bật tính năng nói trên sau những thảm họa như động đất ở Haiti năm 2010, sóng thần ở Nhật năm 2011 hay siêu bão năm 2013 ở Philippines.

Như vậy, người Việt có tài khoản trên hệ thống iTunes Store của Apple cũng đã có một cách để đóng góp giúp đỡ các nạn nhân động đất tại Nepal.

Facebook, từ tháng 10.2014, đã giới thiệu tính năng Safety Check khi nhận thấy người dùng luôn hỏi thăm nhau mỗi khi có biến cố lớn diễn ra. Mạng xã hội này phân tích thông tin nơi ở hiện tại và điểm truy cập internet gần nhất của người dùng để biết liệu họ có đang ở trong vùng thảm họa hay không. Nếu có, Facebook sẽ tự động yêu cầu người dùng cập nhật tình hình hiện tại, đồng thời thông báo cho bạn bè của họ nắm thông tin.

Trong vụ động đất ở Nepal mới đây, Facebook bật tính năng Safety Check cho quốc gia này và những khu vực lân cận không lâu sau khi thảm họa xảy đến. Dù rất được người dùng ủng hộ, nhưng việc sử dụng tính năng này vẫn gặp nhiều trở ngại bởi kết nối internet ở Nepal lúc này là rất khó khăn.

Google thì ra mắt một dịch vụ mang tên Person Finder, giúp người dùng tìm kiếm thông tin về người thân và bạn bè. Dịch vụ miễn phí này cho phép người dùng đăng tin tìm người bị nạn, hoặc đăng tin giúp nạn nhân tìm lại người thân. Bằng cách tổng hợp lượng thông tin khổng lồ được chia sẻ, Person Finder hiện nắm khoảng 6.500 hồ sơ tìm kiếm người thân trong thảm họa ở Nepal. Ngoài phiên bản website, người dùng còn có thể tìm kiếm thông tin người thân qua dịch vụ này bằng cách nhắn tin SMS ở Nepal, Ấn Độ hoặc Mỹ.

Ngoài ra, hãng này cũng giảm giá cước dịch vụ Google Voice cho các cuộc gọi vào lãnh thổ Nepal từ 19 cent/phút xuống còn 1 cent/phút. Tổ chức từ thiện Google.org cũng cho biết sẽ đóng góp 1 triệu USD cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Nepal.

Thế nhưng, một lần nữa, người dùng những dịch vụ hỗ trợ của Google cũng sẽ phải rất vất vả bởi hạ tầng viễn thông ở Nepal đã bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ động đất.

Microsoft, hồi đầu tuần qua, cho biết họ sẽ miễn phí hoàn toàn cuộc gọi Skype đến các số điện thoại bàn lẫn di động tại Nepal và ngược lại. Hãng cũng công bố đóng góp 1 triệu USD cho mục đích nhân đạo ở Nepal.

Viber thì cho hay ứng dụng OTT này đang có khoảng 3 triệu người dùng tại khu vực dãy Himalaya khi động đất xảy ra. Vì vậy, Hãng đã quyết định không thu phí chức năng Viber Out (cho phép gọi đến bất kỳ số điện thoại nào trên thế giới dù đầu bên kia có dùng Viber hay không) đối với người dùng đang ở Nepal.

Nguồn NCDT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày