Cửa sổ quản trị

Lực đẩy A.I trong chiến lược nhân sự

Phi Vũ Thứ Tư | 13/03/2024 15:00

Hành động sớm để tận dụng sức mạnh của A.I trong chiến lược gia tăng tính hiệu quả trong đào tạo nhân sự của doanh nghiệp.

Thách thức cho doanh nghiệp trong 3 năm tới là nhu cầu đào tạo tăng cao nhưng ngân sách lại không cho phép. Trí tuệ nhân tạo (A.I) đang đóng vai trò vừa là hy vọng vừa là thách thức cho các doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu nói trên.
 
Tác động của A.I

Báo cáo tương lai việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy cứ 10 nhân viên trong tổ chức, có 6 nhân viên cần được đào tạo trước năm 2027 và một nửa trong số đó không đủ khả năng để thực hiện.

Chia sẻ tại hội thảo Chuỗi chương trình Kết nối và phát triển cộng đồng L&D/Talent Development Việt Nam “Local meets Global with Udemy Business” (LmG) do FUNiX và Udemy đồng tổ chức hằng tháng, ông Alan Malcolm, Giám đốc Đối tác của Udemy, cho biết, sự xuất hiện của A.I đã tác động rất lớn đến nhu cầu được đào tạo lại của doanh nghiệp. Đặc biệt, sự phát triển của GenAI (A.I tạo sinh) sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của A.I sang các lĩnh vực phi kỹ thuật như tiếp thị, bán hàng.

“Ngày nay, mọi vị trí hoặc chức năng công việc đều có thể sử dụng các công cụ GenAI để tăng năng suất hoặc mang lại hiệu quả mới. Nhân viên ở mọi cấp độ và vị trí sẽ cần hiểu A.I là gì, có thể làm gì và cần phát triển các kỹ năng để sử dụng nó một cách hiệu quả nhất”, ông Malcolm cho biết.

 

Mặc dù vậy, chỉ 5% giám đốc điều hành trả lời Deloitte rằng họ đang đầu tư đủ để giúp nhân viên học được các kỹ năng mới. Điều này có nghĩa là phần lớn công ty còn lại đang “lạc lõng” trước cơn sóng A.I. Với kinh nghiệm hơn 25 năm trong lĩnh vực L&D (đào tạo và phát triển nguồn nhân lực) trong doanh nghiệp, ông Malcolm cho rằng doanh nghiệp cần nhanh chóng nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ A.I của đội ngũ nhân sự để thích ứng với tình hình mới.

Bằng cách xây dựng văn hóa học tập liên tục, thúc đẩy đổi mới và phát triển kỹ năng cũng như gắn các sáng kiến học tập với mục tiêu chiến lược, các nhà lãnh đạo có thể giúp tổ chức thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi, khai phá tiềm năng mới và vượt lên trên đối thủ cạnh tranh. Trái lại, cái giá của việc không hành động sẽ rất đắt: lợi nhuận thấp hơn so với đối thủ, phát triển sản phẩm chậm hơn, đánh mất nhân tài, mất thị phần...

Udemy hiện đưa Udemy Business, giải pháp công nghệ tích hợp A.I nhằm giúp các tổ chức hóa giải bài toán lộ trình học tập theo khung lý thuyết tổ chức dựa trên kỹ năng (skills-based organization). Đây là hệ sinh thái các khóa học đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực, bộ kỹ năng khác nhau, được phát triển và cập nhật với những thay đổi của thị trường. Hiện có hơn 1.200 khóa học về GenAI với 2 triệu người đăng ký học trên nền tảng này.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc Tư vấn của Công ty Korn Ferry Việt Nam, việc đào tạo nguồn nhân lực hiện đang hướng đến “Your Skills as Your Career” (kỹ năng là nghề nghiệp) của lực lượng lao động. Việc xác định các kỹ năng của lực lượng lao động giúp Công ty nắm bắt được các bộ kỹ năng mà mình có, từ đó tối ưu chi phí phát triển nguồn nhân lực bằng cách đào tạo những kỹ năng cần thiết và thuê ngoài các kỹ năng không thuộc nhóm đó.

Trong bối cảnh như vậy, A.I sẽ giúp tạo ra lộ trình đào tạo theo thời gian thực, cá nhân hóa cho từng nhân viên. Sẽ tốn rất nhiều nhân lực nếu thực hiện theo cách truyền thống vì đội ngũ L&D chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu nhân sự của các doanh nghiệp.
 
Nhận diện thách thức

Mặc dù vậy, sử dụng A.I trong việc đào tạo nguồn nhân lực vẫn có những rào cản nhất định. Báo cáo Xu hướng Học tập và Kỹ năng toàn cầu 2024 của Udemy chỉ ra rằng dù A.I có thể giúp một cá nhân xác định những kỹ năng họ cần học nhưng việc áp dụng và tiếp thu kỹ năng tốt không chỉ công nghệ mà còn phải có tương tác giữa con người.

 

“Kết hợp A.I và trí tuệ con người, cùng với việc cung cấp trải nghiệm học tập cá nhân hóa hơn, có thể giúp các đội nhóm phát triển kỹ năng hiệu quả hơn, đồng thời tác động tích cực đến doanh nghiệp”, báo cáo viết. Theo đại diện của Korn Ferry Việt Nam, có một thực tế là khi có A.I, nhân viên có xu hướng tự hỏi máy móc và tìm câu trả lời, bỏ qua vai trò của những người L&D. “Khi A.I xuất hiện, bộ phận L&D trong công ty sẽ đóng vai trò là người tập trung dữ liệu để hướng dẫn các nhân viên lộ trình phù hợp”, bà Thu nói.

Đây là công đoạn rất quan trọng. Trong một lần trao đổi trước đó của NCĐT với ông Eric Yeo, Giám đốc Quốc gia tại Amazon Web Services (AWS), cho biết GenAI còn quá mới và việc kiểm soát nó hoạt động đúng với chức năng và quyền hạn của nó là điều mà các doanh nghiệp rất quan tâm. “Sẽ như thế nào nếu nhân viên tìm kiếm thông tin về chính sách của công ty nhưng kết quả trả về là dữ liệu mà họ không được phép truy cập?”, ông Eric đặt vấn đề.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ VNG, bà Phạm Thị Thu Thảo, Giám đốc Phát triển tổ chức, Đào tạo và phát triển nhân tài tại VNG, cho biết doanh nghiệp đang tiến hành những bước đầu tiên trong việc đưa A.I vào chương trình đào tạo, với Udemy Business là một trong những nền tảng được tin tưởng lựa chọn.

Đối với việc xây dựng môi trường học tập, bên cạnh ứng dụng A.I công ty xây dựng nền tảng cho 3 nhóm học viên là nhóm biết rõ cái họ cần - chủ động học, nhóm chưa biết mình cần học gì và nhóm đảm trách các dự án quan trọng (các chương trình và kỹ năng được xây riêng từ yêu cầu của công ty). “Đặc biệt, các kỹ năng phải được xây dựng thông qua thực hành và tạo cơ hội cho những học viên trở thành người chia sẻ các kỹ năng đó cho các thành viên trong hoặc ngoài nhóm của họ để gia tăng độ lan tỏa của khóa học”, bà Thảo chia sẻ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày