Doanh Nghiệp

Pharmacity + DHLP: Hành quân về mốc 1.000

Ngọc Thuỷ Thứ Tư | 25/03/2020 08:00

Ảnh: TL

Hợp tác mới của Pharmacity nhằm thúc đẩy kế hoạch đạt 1.000 cửa hàng tại thị trường Việt Nam.
Ảnh: TL

Ngày 19.3, chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam Pharmacity đã ký hợp tác với Công ty DH Logistic Property Việt Nam (DHLP) thuộc Tập đoàn Daiwa House (Nhật). Đây là hợp tác cho mục đích đầu tư Trung tâm phân phối hàng hóa của Pharmacity. 

Theo kế hoạch, Pharmacity sẽ mở mới 1 cửa hàng/ngày, để tiến đến đạt mục tiêu 1.000 cửa hàng khắp Việt Nam vào năm 2021, từ con số 271 cửa hàng hiện tại. Vì thế, Pharmacity cần mở rộng diện tích kho bãi nhằm gia tăng năng lực đáp ứng. Pharmacity đã tìm hiểu nhiều tên tuổi trước khi chọn DHLP. Đây sẽ là nhà cung cấp cơ sở hậu cần cho Pharmacity. Sau ký kết, dự kiến một trung tâm phân phối hàng hóa của Pharmacity sẽ ra đời, với diện tích sử dụng lên đến hơn 10.000m2 và thời hạn 20 năm. 

 

Đại diện Pharmacity cho biết, Công ty chọn DHLP vì công ty này có hệ thống kho bãi chuyên nghiệp ngay tại Khu Công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (Đồng Nai), chỉ cách cao tốc Long Thành 8km, cách TP.HCM khoảng 40km về phía Đông, gần với sân bay Long Thành, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép - Thị Vải. Vị trí này giúp quá trình vận chuyển hàng hóa của Pharmacity được dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời cũng rất thuận tiện cho nhu cầu mở rộng hệ thống nhà thuốc của Pharmacity về các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cửa ngõ miền Trung. Các kho bãi cũng đã đáp ứng những tiêu chuẩn GPP và GSP trong lưu thông, phân phối thuốc. Như thế, Pharmacity có thể thỏa mãn nhu cầu về số lượng và bảo quản tốt hiệu quả thuốc, thực phẩm chức năng cùng các mặt hàng tiêu dùng nhanh của Pharmacity.  

Pharmacity cũng đã tìm ra cách thức vận hành trung tâm phân phối ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để ưu hóa thời gian, năng lực vận hành, giúp nâng cao hiệu quả làm việc. Chẳng hạn, Pharmacity sẽ áp dụng phần mềm và hệ thống quản lý kho WMS. Từ đây, Pharmacity có thể lập kế hoạch hằng ngày, kiểm tra nhanh chóng hàng hóa trong kho, nhập hàng, xuất hàng tồn kho cũng như truy xuất vị trí và dễ dàng xem thông tin chi tiết sản phẩm. Trung tâm phân phối mới của Pharmacity dự tính sẽ vận hành xuyên suốt 24/7, với khoảng 300-400 nhân viên lành nghề, phân phối cho khoảng 600-700 nhà thuốc Pharmacity.

 

Rõ ràng, Pharmacity đang dành nhiều đầu tư và kỳ vọng vào Trung tâm phân phối  hàng hóa ở Lộc An. Công ty không tiết lộ số tiền hợp tác với DHLP nhưng theo chia sẻ của ông Chris Blank, Tổng Giám đốc Pharmacity, tổng chi phí đầu tư cho Trung tâm phân phối ở Lộc An khoảng 3 triệu USD. Trước đó, Pharmacity có 2 kho hàng đặt ở Cát Lái và trụ sở (Nơ Trang Long, Bình Thạnh). Tuy nhiên, so với Trung tâm phân phối mới thì 2 kho này không lớn. Cụ thể, Trung tâm phân phối ở Lộc An của Pharmacity có quy mô gấp 5 lần. Về lâu dài, đại diện Pharmacity cho biết, khi tiếp tục mở rộng chuỗi nhà thuốc ra miền Bắc, miền Trung, Công ty có thể xem xét lập thêm những trung tâm phân phối hàng hóa khác. Tuy nhiên, trước mắt, Pharmacity sẽ dành ưu tiên cho Trung tâm phân phối Lộc An. 

DHLP tuy là tên tuổi mới gia nhập thị trường từ năm 2018 nhưng nhận được sự hậu thuẫn từ công ty mẹ là Daiwa House. Đây là công ty xây dựng nhà lớn nhất ở Nhật. Tại thị trường nước ngoài, Daiwa House phát triển mạnh 2 mảng nhà xưởng cho thuê và đầu tư bất động sản căn hộ, chung cư. Daiwa House có 7 công ty trực thuộc tham gia thị trường Việt Nam. Riêng với Đồng Nai, Công ty đã triển khai hàng chục dự án, trong đó có dự án của DHLP.  

DHLP đã hoàn thành giai đoạn 1 của hệ thống kho bãi với 66.000m2 và đang tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 2. Hệ thống kho bãi đã cho nhiều đơn vị thuê nhưng lần đầu tiên DHLP ký kết với nhà bán lẻ dược là Pharmacity. Hợp tác này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho DHLP trong lĩnh vực cung cấp cơ sở hậu cần cho ngành y tế, bán lẻ.

Phía Pharmacity cũng đang trên đường tăng tốc để đạt các mục tiêu đặt ra, bất chấp dịch bệnh bùng phát. Thậm chí, trước nhu cầu mua sắm sản phẩm vệ sinh và chăm sóc sức khỏe gia tăng đột biến để phòng dịch, các cửa hàng của Pharmacity thường đông khách và nhiều mặt hàng như khẩu trang luôn cháy hàng, phải bán ra hạn chế. Tuy nhiên, việc gọi vốn đầu tư thành công (khoảng 31,8 triệu USD) ở vòng series C và với việc đưa vào vận hành Trung tâm phân phối mới Lộc An, Pharmacity hy vọng, chuỗi nhà thuốc của mình có thể đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường. Nhiều khả năng, việc niêm yết sẽ được thực hiện ngay sau khi Pharmacity hoàn thành mục tiêu 1.000 cửa hàng vào năm 2021. Đồng thời, kế hoạch mở rộng mạng lưới cũng như mảng kinh doanh dự kiến giúp đưa doanh thu của Pharmacity trong năm nay lên mức hơn 3.000 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Business Monitor International, thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2019 ước đạt quy mô 6,5 tỉ USD. Đó là quy mô dựa trên khoản chi tiêu dược phẩm ở Việt Nam vẫn còn khá thấp so với Thái Lan đã lên 46 USD/năm, Singapore 142 USD/năm, Malaysia 66 USD/năm. Ngoài ra, tăng trưởng ngành 13%/năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế cũng là yếu tố giúp ngành bán lẻ dược phẩm phát triển tích cực, bền lâu hơn những ngành tiêu dùng điện thoại, điện máy


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày