Kinh Doanh

Bộ Công Thương: Việt Nam đang đối mặt với khó khăn trong cung ứng điện

Thứ Hai | 18/11/2019 08:38

Ngành điện đang khá khó khăn trong đảm bảo nguồn cung. Ảnh: EVN

Vài năm tới, khả năng thiếu điện rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đề xuất cần quan tâm phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Ngành điện đang khá khó khăn trong đảm bảo nguồn cung. Ảnh: EVN

Nhu cầu về điện ở Việt Nam đang tăng khoảng 8% -10% mỗi năm, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế trung bình. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, Việt Nam đang đối mặt với khó khăn trong cung ứng điện từ năm sau đến 2023. Trong khi đó, tương lai gần sẽ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ.

Thấp hơn cùng kỳ từ 8-16m, nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ dù mùa mưa đã hết từ lâu nhưng đến nay nước về thấp hơn rất nhiều so với năm 2018 cũng như trung bình nhiều năm.

Hai cơn bão số 5 và số 6 gây mưa diện rộng nhưng chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến các hồ khu vực Nam Trung Bộ; còn lại mức nước nhiều hồ thủy điện hiện đang rất thấp. So với nhiều năm, lượng nước tích được thiếu hụt tới 11 tỷ m3. Tổng sản lượng điện huy động từ thủy điện ước tính cả năm 2019, chỉ đạt 65 tỷ kWh, thấp hơn gần 10 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, dự kiến năm 2019 phải huy động khoảng 2,57 tỷ kWh từ chạy dầu, đây là nguồn điện có chi phí rất cao. Theo kịch bản đưa ra trong năm 2020, EVN có thể phải huy động chạy dầu lên tới 8,6 tỷ kWh, gần gấp 3 so với 2019 để đảm bảo nguồn cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Nhu cầu sử dụng điện tăng lên trong khi nguồn cung có dấu hiệu giảm sút là một khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Nhu cầu sử dụng điện tăng lên trong khi nguồn cung có dấu hiệu giảm sút là một khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Ảnh: baomoi

Một nguyên nhân được cho là quan trọng nhất đe dọa tới sự ổn định cung ứng điện là việc chậm trễ tiến độ của 9 dự án nguồn có quy mô công suất lớn tại khu vực phía Nam. Đây là các dự án quy mô lớn, các dự án nhiệt điện đều có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD. Nhiều dự án chủ đầu tư không tìm được nhà thầu có năng lực dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện . Ngoài ra, việc thay đổi chính sách, các dự án không có bảo lãnh của Chính phủ đã khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn. Nhiều dự án hiện chậm tới 3-4 năm. Trước tình hình khẩn cấp này, Thường trực Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân III với tỷ lệ hợp lý, tối đa 30% .

Bộ Công Thương cho biết, các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Các năm 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện. Nhận định tình hình rất cấp bách, Bộ Công Thương khẳng định sẽ áp dụng mọi giải pháp trong ngắn và dài hạn và không để xảy ra thiếu điện.

Cũng theo dự báo, trong vài năm tới, khả năng thiếu điện là rất lớn, khoảng từ 1,5 - 5 tỷ KWh. Khu vực có nguy cơ thiếu hụt điện năng tập trung tại các tỉnh miền Nam.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã đề xuất, trong các giải pháp tổng thể, cần đặc biệt quan tâm tới tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Năm 2019, số lượng các dự án điện mặt trời tăng vọt, đạt công suất khoảng 4.500 MW. Đây là nguồn bổ sung quan trọng cho hệ thống điện quốc gia khi các dự án điện than như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú, sông Hậu đáng ra phải xong trước năm 2020 nhưng hiện vẫn chưa đi vào hoạt động.

Trước đó vào cuối tháng 10 và giữa tháng 11, liên tiếp các dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận đã được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia giải phóng công suất lên lưới điện quốc gia nhờ vào việc đầu tư nhanh và đưa vào vận hành các trạm biến áp, đường dây truyền tải 220KV và 500KV. Đây là 2 trong 8 dự án nằm trong kế hoạch huy động vốn đầu tư nâng công suất. Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng khẳng định sẵn sàng đáp ứng giải tỏa công suất cho 4500MW điện mặt trời.

Đối với kịch bản chậm trễ thêm các dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và Long Phú 1 cần bổ sung thêm 8 GW điện mặt trời và 2,2 GW điện gió. Trong đó nguồn điện gió và mặt trời bổ sung quy hoạch cần phải lựa chọn các dự án nằm tại hệ thống điện miền Nam và gần trung tâm phụ tải, thì mới có thể vào vận hành kịp tiến độ năm 2021-2023.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu có biện pháp cụ thể xử lý ngay các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ, tập trung giải quyết vướng mắc, nhất là về vốn.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ, ngành, cơ quan có liên quan phải nhận thức đầy đủ nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật, trước Thủ tướng nếu để xảy ra thiếu điện ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thiếu hụt điện, Việt Nam sắp phải tăng nhập điện từ Trung Quốc?

170 triệu Euro: Điện Mặt trời, gió và sinh khối hưởng lợi

Nguồn VTV


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày