Kinh Doanh

Đối vốn để tìm đối tác

Thứ Sáu | 29/11/2013 09:48

Các NH Việt Nam nên mở rộng tìm kiếm đối tác, đồng thời "room" nhà đầu tư ngoại nên được nới lên 49% trong giai đoạn 2014-2015.
Trước động thái nhiều ngân hàng (NH) Việt Nam chọn NH Nhật Bản bán cổ phần (CP) gần đây, chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu trao đổi về lý do và động cơ của hiện tượng này. Trong đó, ông nhận định về nguyên nhân: Thứ nhất, văn hóa hai nước gần gũi hơn so với các đối tác tiềm năng khác. Thứ hai, Nhật Bản là quốc gia có các dự án ODA và cơ sở FDI nhiều nhất ở Việt Nam cả trong hiện tại và tương lai gần.

Theo ông, tại sao các NH Nhật Bản lại chọn Việt Nam làm “bến đỗ” cho các khoản đầu tư của mình?

Sở dĩ NH Việt Nam hấp dẫn Nhật Bản là nước này đang trở thành một trong những NĐT lớn tại Việt Nam. Không chỉ đầu tư vốn ODA, Nhật Bản còn tích cực tham gia vào thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, ô tô, linh kiện điện tử… Khi các lĩnh vực này phát triển thì tất yếu hoạt động đầu tư vào NH cũng được đẩy mạnh. Vì sự phát triển của dịch vụ NH bao giờ cũng đi song hành sự phát triển về kinh tế.

Đó là chưa kể Chính phủ Nhật Bản dành sự hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp đầu tư của họ tại Việt Nam. Có thể các nước khác trong khu vực cũng đã có những quan hệ đầu tư, thương mại tại Việt Nam nhưng mức độ, quy mô còn khá khiêm tốn. Theo tôi, tất cả những yếu tố từ sức mạnh thương mại, kinh tế, chính trị… tạo động lực để Nhật Bản đi sâu hơn trong lĩnh vực NH tại Việt Nam.

Mặt khác, thực tế chứng minh thời gian qua, NĐT Nhật Bản đã thu được lợi nhuận và thấy hài lòng với các khoản đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt vào các NH lớn của Việt Nam như Vietcombank, VietinBank… Do vậy, NĐT Nhật Bản muốn thâm nhập sâu hơn vào các NH Việt Nam.

Về phía Việt Nam, như các bạn đã biết, các NH Việt Nam đang rất cần dòng vốn mới để tái cơ cấu. Trong khi đó những NH Nhật Bản lại đang có nguồn vốn khá dồi dào. Việc các NH Việt Nam tích cực bán CP cho đối tác Nhật Bản là xu hướng tốt cho cả hai bên.

Các NH Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế gì khi bán CP cho đối tác Nhật Bản?

Trước hết, các NH Việt Nam tận dụng được từ nguồn vốn khá dồi dào của đối tác. Công nghệ thông tin cũng là một trong những thế mạnh của các NH Nhật Bản. Ngoài ra, thông qua quan hệ với các NH Nhật Bản, con đường kết nối của NH Việt với các đối tác là doanh nhân Nhật Bản cũng nhanh, thuận lợi hơn.
Nhưng liệu các NH có nên tập trung quá nhiều vào tìm đối tác đến từ Nhật Bản?

Chắc chắn, bất cứ trong ngành nào, nhất là Tài chính – Ngân hàng, nếu chỉ “bỏ trứng vào một giỏ” cũng đối mặt rủi ro lớn. Nếu diễn biến kinh tế thuận lợi thì không có vấn đề gì nhưng trong trường hợp kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn thì NH cũng khó tránh những tác động. Và tất nhiên các NH Việt Nam có đối tác đến từ Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng. Do đó, chúng ta cũng nên khai thác các đối tác khác đến từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… Hay các NĐT của Đức, Pháp, Thụy Sỹ… vì họ đã ngỏ ý sẵn sàng nhập cuộc.

Dù hiện tại cũng có đối tác châu Âu mua CP NH Việt Nam nhưng mức độ đầu tư còn khá khiêm tốn. Một điều nữa chúng ta cũng nên quan tâm là cho đến bây giờ, các NH Nhật thường chọn các NH lớn của Việt Nam để đầu tư. Bởi người Nhật rất bảo thủ và ít chấp nhận rủi ro, nên các NH nhỏ của Việt Nam khó thuyết phục các NĐT nước này. Nếu muốn tiếp cận với các NH Nhật, các NH này cần có khả năng thuyết phục cao và thể hiện tính chuyên nghiệp…

Vậy theo ông có nhất thiết nới “room” cho NĐT ngoại?

Tôi cho rằng, nếu nới “room” thì phải nới cho tất cả các NĐT ngoại cũng như không phân biệt NHTM Nhà nước với NHTMCP. Trước mắt trong giai đoạn năm 2014 – 2015 nên nới “room” NĐT ngoại lên 49%. Những năm tiếp theo, tùy theo tính toán của cơ quan quản lý, có thể đưa ra mức điều chỉnh. Nhưng đến năm 2020 thì đây không còn là rào cản của NĐT nước ngoài nữa, bởi theo quy định của WTO và có thể là TPP thì lĩnh vực NH của các nước là thành viên WTO sẽ phải “mở cửa” 100%.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày