Kinh Doanh

Đòn bẩy cho dược nội địa

Thanh Tùng Thứ Năm | 25/01/2018 08:00

Việt Nam được đánh giá là thị trường dược phẩm hấp dẫn và những chính sách mới đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh tốt hơn.

Ngành dược tiến tới thị trường 7 tỉ USD

Tăng trưởng 2 con số

Theo dự báo của BMI, tốc độ tăng trưởng tổng chi tiêu thuốc cả nước bình quân 5 năm 2017-2021 sẽ ở mức 11,5%/năm. Dù thấp hơn mức 15,6%/năm bình quân giai đoạn trước (2012-2016), nhưng tỉ lệ tăng trưởng này vẫn cao hơn cả mức 6-9% bình quân của các nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển (pharmerging countries) lẫn mức 4-7% bình quân toàn thế giới (theo dự báo của IMS Market Prognosis). Trong đó, thuốc kê toa (năm 2017-2021) dự báo tăng 11,9%/năm, cao hơn thị trường chung.

Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường dược phẩm hấp dẫn với đặc điểm quy mô dân số khá lớn, tuổi thọ trung bình đang gia tăng đi kèm với việc nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, mặc dù thuộc nhóm 3 (nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 nước pharmerging nhưng chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chưa đến 40 USD/người/năm, chỉ bằng khoảng 1/2 mức bình quân của các nước pharmerging.

Thuốc kê toa hiện chiếm hơn 74% tổng giá trị chi tiêu tiền thuốc cả nước (theo BMI), với tốc độ tăng trưởng bình quân các năm 2012-2016 là 15,9%/năm và dự báo giai đoạn 2017-2021 là 11,9%/năm, đều cao hơn mức tăng của thị trường chung. Trong đó, thuốc generic (chiếm hơn 70% giá trị) dự báo tăng 12,9%/năm, cao hơn mức tăng 9,1%/năm của tổng giá trị thuốc gốc. Dự báo này tương đối phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ là ưu tiên sử dụng thuốc generic sản xuất trong nước với giá cả hợp lý.

Don bay cho duoc noi dia
 

Thuốc sản xuất trong nước hiện nay chủ yếu vẫn là thuốc generic, giá trị thấp và tập trung ở các dòng thuốc thông thường, chiếm chưa đến 50% tổng giá trị chi tiêu thuốc cả nước. Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 (theo quyết định 68/QĐ-TTg) định hướng ưu tiên phát triển ngành dược nội địa, mục tiêu đưa tỉ lệ thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị thuốc lên 80% trong năm 2020. Dù thách thức là không nhỏ nhưng cũng có thể xem đây là cơ hội cho các công ty dược trong nước.

Cơ hội tại kênh bệnh viện

Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế được mở rộng từ mức 65% của năm 2012 lên 85,3% (tính đến hết tháng 10.2017), mục tiêu đến năm 2020, trên 90% dân số cả nước sẽ tham gia bảo hiểm. Tỉ lệ này gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế lẫn việc quản lý giá thuốc và tính hiệu quả trong sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế. Chi phí thuốc từ bảo hiểm y tế ước tính chiếm hơn 40% tổng giá trị chi tiêu thuốc cả nước.

Năm 2017, chi phí khám chữa bệnh do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả ước tính lên tới trên 90.000 tỉ đồng, trong đó 50-60% là tiền thuốc - tương đương hơn 40% tổng giá trị chi tiêu thuốc cả nước. Thuốc được phân phối vào các bệnh viện hiện nay theo hình thức đấu thầu. Ưu tiên sử dụng thuốc generic sản xuất trong nước, đẩy mạnh thay thế các loại thuốc biệt dược gốc đã hết thời hạn bảo hộ bằng các thuốc đấu thầu thuộc nhóm 1.

Luật Dược số 105/2016/QH13, hiệu lực từ ngày 1.1.2017 có quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Quy định đấu thầu theo Thông tư 36/2013-TTLT-BYT-BTC (sửa đổi bổ sung TT01/2012) với tiêu chí ưu tiên “giá thấp” sau khi triển khai đã giúp chi phí sử dụng thuốc giảm đáng kể.

Trong đó, giá thuốc thuộc nhóm generic giảm tới 35% (so với khi thực hiện đấu thầu theo cơ chế cũ). Tiếp theo đó, Chính phủ hướng đến việc đẩy mạnh thay thế các loại thuốc biệt dược đã hết thời hạn bảo hộ và có thuốc generic tương tự được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc đáp ứng yêu cầu điều trị với giá rẻ hơn nhiều so với thuốc biệt dược.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 8.2017, có 76 loại thuốc biệt dược hết hạn bản quyền và có 1-2 số đăng ký thuốc generic nhóm 1 có thể thay thế được với giá trị tương ứng là 811 tỉ đồng. Chi phí tiết kiệm được nếu thực hiện thay thế là khoảng 199 tỉ đồng.

Trước đây, việc đấu thầu thuốc tập trung chỉ mới được thực hiện ở cấp địa phương (tỉnh/thành phố). Ngoài danh mục đấu thầu tập trung, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính về việc thí điểm giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế từ ngày 1.1.2018, nhằm giúp quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng, giá và chất lượng thuốc, đồng thời gia tăng hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, giảm thiểu các tiêu cực và bất cập có thể có trong quá trình đấu thầu. Maybank Kim Eng Retail Research cho rằng đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có lợi thế về quy mô sản xuất cũng như giá thành.

Maybank Kim Eng Retail Research cho rằng các công ty dược trong nước có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP - EU hoặc PIC/s-GMP đang có cơ hội gia tăng thị phần ở kênh bệnh viện. Phần lớn đối thủ cạnh tranh khi tham gia đấu thầu ở các gói thầu theo tiêu chuẩn này là các thuốc ngoại nhập. Do vậy, một cách tương đối, các sản phẩm sản xuất trong nước sẽ có lợi thế về giá hơn để có cơ hội thắng thầu. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm, theo dự thảo về thay đổi Thông tư hướng dẫn thầu, các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng PIC/s-GMP có thể sẽ được tách ra khỏi nhóm 1 và 2 hiện nay để thành một nhóm thầu riêng.

Nếu dự thảo này được thông qua, áp lực cạnh tranh cho các thuốc đạt chuẩn GMP-EU ở 2 gói thầu này cũng sẽ được giảm đi. Số lượng các nhà máy tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn chất lượng GMP-EU hiện nay không nhiều. Theo Maybank Kim Eng Retail Research, Công ty Cổ phần Pymepharco (PME) và Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) là 2 công ty niêm yết đạt được tiêu chuẩn này. Nhờ vị thế tiên phong đầu tư cho chất lượng sản xuất, 2 công ty này có thể hưởng lợi từ cơ hội mở rộng thị phần kênh bệnh viện.

Cụ thể, IMP có 2 nhà máy thuốc tiêm, đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GMP-EU vào cuối năm 2016 và hoàn tất số đăng ký để có thể tham gia thầu từ năm 2018. IMP hiện có thể cung cấp 3/5 hoạt chất kháng sinh tiêm theo danh sách đầu thầu tập trung của bảo hiểm xã hội (với giá thầu thấp hơn 20-30% so với các công ty nước ngoài, theo Chứng khoán Bảo Việt). Nhà máy sản xuất thuốc công nghệ cao với sản phẩm là các thuốc đặc trị theo tiêu chuẩn GMP-EU dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ 2019. Maybank Kim Eng Retail Research dự báo lợi nhuận sau thuế của IMP sẽ tăng gần 25% so với năm 2017. Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt thậm chí kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của IMP sẽ tăng trưởng 53,4% so với năm 2017, lên mức 195 tỉ đồng.

Don bay cho duoc noi dia
 

Về phần PME, thế mạnh của công ty là tiêu chuẩn chất lượng cao, bao gồm các thuốc generic kháng sinh đạt tiêu chuẩn GMP-EU, khá nhiều sản phẩm đạt chứng minh tương đương sinh học và tương đương điều trị cũng như các loại thuốc đặc trị được sản xuất nhượng quyền và chuyển giao công nghệ từ cổ đông lớn là Tập đoàn Stada (Đức) và 1 số đối tác khác.

Công ty còn nhiều tiềm năng phát triển, nhà máy thuốc tiêm (37 triệu lọ/năm) chỉ đang hoạt động chưa quá 20% công suất thiết kế. Trong khi nhà máy thuốc viên đang khai thác ở mức 70% công suất, công ty có kế hoạch đầu tư thêm nhà máy thuốc viên tiêu chuẩn GMP-EU, từ tháng 1.2018, giúp mở rộng năng lực sản xuất thuốc viên từ 900 triệu viên/năm hiện nay lên 2,1 tỉ viên/năm vào 2019. Kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho 2 năm tới của Công ty (2018-2019) ở mức 15%/năm


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày