Kinh Doanh

Giải quyết tranh chấp: Vẫn có doanh nghiệp dùng “xã hội đen”

Vân Nguyễn Thứ Sáu | 01/06/2018 13:53

Có 4% doanh nghiệp đang lựa chọn sử dụng “các phương thức phi chính thức khác”, một phần trong đó là dùng tới “xã hội đen”.

Việt Nam hội nhập sâu rộng, đầu tư xuyên biên giới gia tăng, kéo theo đó là những vướng mắc trong quá trình làm ăn kinh doanh  giữa các bên bỏ vốn, khiến tỷ lệ tranh chấp thương mại có xu hướng tăng cao.

Số liệu từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, tranh chấp giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp FDI khoảng 20%, nhưng tranh chấp giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa chiếm tới 40%, tập trung tới 41% vào mua bán hàng hóa, tranh chấp về xây dựng, hoạt động về cơ sở hạ tầng.

Thế nhưng, Chủ tịch VIAC, ông Trần Hữu Huỳnh, nói rằng, có tới 4% doanh nghiệp vẫn đang lựa chọn sử dụng “các phương thức phi chính thức khác”, một phần ở đây là dùng tới “xã hội đen”, gây lo ngại cho xã hội.

Thực trạng này, theo ông Huỳnh, có thể chưa đến mức báo động, nhưng không ngăn chặn sẽ tác động tiêu cực đếnn môi trường kinh doanh của Việt Nam, một môi trường đang phải cạnh tranh gay gắt, vốn dĩ hội nhập chậm và năng suất thấp.  

An toàn về pháp lý đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vẫn là “thách thức lớn”, ông Huỳnh, người đứng đầu Ban Pháp chế của VCCI trong nhiều năm, khẳng định.

Chủ tịch VIAC cho rằng Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ thể chế, nhưng “cải cách tư pháp chưa mạnh bằng hành pháp”, dù đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận trong việc ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự và đặc biệt là Chính phủ ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.

Tuy nhiên, cũng theo Luật sư Huỳnh, còn nhiều vấn đề mà thủ tục trọng tài tại VIAC và pháp luật tố tụng Việt Nam cần cải thiện để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu ngày một cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng những nhận xét trên thực sự khích lệ trọng tài Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn.

Tự bảo vệ mình, các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm lựa chọn sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp của mình bằng cách chuyển sang sử dụng các phương thức thay thế khác, việc sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp, theo VIAC trước đây là 60% nhưng nay chỉ còn 36%.

Kết quả khảo sát từ hàng trăm nghìn doanh nghiệp dân doanh của VCCI những năm gần đây ở 63 tỉnh thành trên cả nước cũng chỉ rõ, doanh nghiệp sử dụng nhiều phương thức thay thế tòa án, dùng trọng tài là 47% con số năm 2016, dùng “quan hệ” để tự giải quyết là 32% (con số chưa đầy đủ), áp lực của báo chí là 14% và các phương thức phi chính thức khác 4%.

Trong bối cảnh đó, Luật sư Huỳnh cho rằng, việc thành lập Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC, một trong những tổ chức đầu tiên tại Việt Nam, sẽ cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải trên cơ sở Nghị định 22/NĐ-CP.    


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày