Kinh Doanh

Giữ chân FDI, giữ thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Minh Đức Thứ Hai | 04/10/2021 08:00

Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến cà phê tại nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai).

Giữ chân và tiếp tục thu hút FDI để Việt Nam sớm quay trở lại vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến cà phê tại nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trong tháng 8, Hải Phòng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn thêm 1,4 tỉ USD cho LG Display, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên 4,65 tỉ USD. Đây là dự án tỉ USD thứ 3 đăng ký đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, bên cạnh 2 dự án khác là dự án Điện khí 3,1 tỉ USD ở Long An và dự án Nhiệt điện Ô Môn II ở Cần Thơ có vốn đăng ký 1,31 tỉ USD.

Những con số trên cho thấy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng trở lại. Đây là tín hiệu tích cực trước nhiều thông tin xấu về việc có làn sóng FDI dịch chuyển khỏi Việt Nam do tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến không chỉ giải ngân vốn đầu tư công, mà ngay cả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng.

Nếu như 8 tháng, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 11,58 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, thì sau 9 tháng, con số chỉ là 13,28 tỉ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Tác động của dịch bệnh khiến GDP quý III giảm 6,17%, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Báo cáo được World Bank công bố ngày 28/9 dự báo GDP Việt Nam đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5-7% từ năm 2022 trở đi.

Ảnh: Qúy Hòa.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Ảnh: Qúy Hòa.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết: “Dù dịch bệnh, xuất khẩu của Samsung vẫn tăng trong những tháng đầu năm. Nếu nhà máy Samsung tại TP.HCM sớm hoạt động trở lại thì Hãng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay”, ông nhấn mạnh.

Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD.

“Chúng tôi vẫn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực và chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam được ghi nhận đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà tập đoàn Nestlé đang có mặt,” ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ. 

Những doanh nghiệp FDI như Samsung hay Nestlé là 1 trong 2 trụ cột của kinh tế Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, FDI hiện đóng góp khoảng 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỉ trọng xấp xỉ 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với những bước chuyển mạnh mẽ trong nỗ lực thu hút FDI thế hệ mới.

Dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng, vẫn có những lời khẳng định như đại diện của Samsung, nhưng nỗi lo nhà đầu tư rời đi vẫn hiện hữu trước những lúng túng trong kiểm soát dịch bệnh khiến sản xuất đình đốn tại Việt Nam. Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, từ khi làn sóng COVID-19 thứ 4 xuất hiện, chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chỉ đạt ngưỡng 15,2 điểm.

 

Theo khảo sát mới nhất của EuroCham, 60% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thuhẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ 4.

Do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất, nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác. Xu hướng này ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam, vốn đang nổi lên như một điểm sản xuất mới tại khu vực.

Chẳng hạn, lãnh đạo Công ty Nidec rất lo ngại khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, liệu phát hiện một ca F0 thì có phải đóng cửa cả nhà máy hay không.  Tương tự, chuỗi cung ứng khổng lồ của Nike tại Việt Nam có 138 nhà máy với gần nửa triệu lao động sản xuất lượng quần áo, giày dép trị giá cả chục tỉ USD. Đại diện của Nike cũng cho rằng, để không làm tê liệt hoạt động của họ, không nên đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp nếu chỉ phát hiện 1 ca F0... Các doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế và không trở lại phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện.

 

Khi các thị trường lớn trên thế giới đang bắt đầu hồi phục và tăng trưởng mạnh, Việt Nam cần sớm quay trở lại vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những khó khăn này nếu không sớm được tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng tới không chỉ tình hình thu hút đầu tư mới của Việt Nam, mà còn cả việc giải ngân khoản vốn đầu tư đã đăng ký, cản trở quá trình phục hồi kinh tế ngắn và dài hạn.

Cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp FDI cũng mong nhận được các hỗ trợ quan trọng như miễn đóng khoản bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách; miễn, giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp...

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), do dịch có quy mô tính chất toàn cầu trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định nên Chính phủ, ban ngành và địa phương luôn phải chia sẻ, lắng nghe doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài mới có niềm tin để mở rộng, giữ dòng vốn tại thị trường Việt Nam.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày