Kinh Doanh

Kinh tế Việt Nam đang kích cung nhiều hơn kích cầu

Chủ Nhật | 22/09/2013 07:37

Tại cuộc họp ngày 21/9 giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, các sở, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) về việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 và kế hoạch năm 2014; triển khai đề án tái cơ cấu DN gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đặt vấn đề: Nhìn lại toàn bộ chính sách hiện nay có phải chúng ta đang chú trọng kích cung nhưng ít kích cầu không. Chúng ta tập trung vào hỗ trợ hết cho doanh nghiệp (DN) nào là phương án vay, nguồn vốn thế kia… nhưng mục đích cuối cùng là người dân tiêu thụ sản phẩm, sức mua có tăng lên không đấy mới là vấn đề.
DN tự bươn chải tìm đường sống hay do chính sách?
Theo ông Kiên, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu tỉ trọng công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp của TP.HCM, hay cơ cấu GDP tỉ trọng nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp dịch vụ bước đầu tạm tăng. Thứ hai, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,51% trong khi đó DN trong nước chỉ tăng khoảng 13,53%. Trừ đi phần tăng của chỉ số giá tiêu dùng, trừ đi phần tăng của tốc độ tăng trưởng thì khối tăng trưởng của DN trong nước gần như không thay đổi.

"Vậy thì thực chất DN của chúng ta trong năm 2012 và 2013 sức sống ra sao và dự báo sang năm 2014 ra sao? Ở đây chúng ta cũng nhìn thấy các con số rất mừng, như DN tái đăng ký hoạt động hơn 4.000, số lượng DN đăng ký mới là hơn 19.000, số lượng dừng hoạt động là 15.000" - ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, DN của chúng ta đã vượt qua khó khăn, công tác tái cơ cấu DN đã hoàn thành mới bước vượt qua khủng hoảng, có chiều hướng tăng nhưng cái tôi muốn tìm hiểu là nguyên nhân nào tạo ra cái tăng đó. Có phải do điều hành chính sách vĩ mô hay do DN tự bươn chải tìm đường sống.

Về vấn đề đầu tư công, theo ông Kiên, thu nội địa so với kế hoạch tuy không đạt nhưng chi lại đạt kế hoạch. Tổng đầu tư xây dựng cơ bản năm nay cũng rất lớn.

"Kiến trúc sư chuyển qua bán rượu"

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương, tính đến tháng 8 chỉ số hàng tồn kho tăng 15,8% so với tháng 7. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho này không ngoại trừ hàng tồn kho do dự trữ mà các DN dự trữ các mặt hàng bình ổn. Hơn nữa kể từ tháng này, các DN bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng để chuẩn bị cho tết. Và đối với ngành hàng thực phẩm chế biến thì thông thường phải dự trữ nguồn hàng từ 10% đến 20% là bình thường. "Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ba nhóm hàng có tồn kho cao như điện máy, thủy hải sản và bất động sản" - bà Đào nói.

Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho hay DN bất động sản tiếp tục hàng tồn kho cao, không bán được, nợ cũ nhiều nên muốn trả nợ cũng không có nguồn để trả, trong khi đó lãi suất tăng lên sẽ bị lỗ nặng. Đối với các DN bất động sản tư nhân hiện nay, hầu như tất cả ngừng lại và chiến lược chung là tạm ngừng đầu tư, tập trung vào các dự án cốt lõi, thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí có DN còn phải chuyển hướng vào các ngành nghề khác. "Tôi biết nhiều ông kiến trúc sư chuyển qua đi bán rượu, thợ chụp ảnh vì không có việc để làm" - ông Hiếu kể.

Không chỉ các DN bất động sản, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn cũng đã báo cáo những khó khăn trong ngành của mình. Cụ thể thị trường ô tô trong chín tháng đầu vẫn chưa khởi sắc, sản lượng kinh doanh tại các đại lý giảm.

Ngành sản xuất đóng mới tàu sông, vận tải hàng hóa cũng không khả quan, không có hàng hóa chuyên chở, các chủ tàu ngưng đầu tư thêm phương tiện, nợ tồn đọng của khách hàng lớn làm đơn vị ngày càng khó khăn. Hoạt động của lĩnh vực vận tải hàng hóa và vận tải hành khách cũng gặp nhiều khó khăn: Giá xăng, dầu tăng làm tăng giá các nguyên vật liệu, thêm vào đó số lượng các trạm thu phí tăng thêm, các DN phải chịu thêm phí bảo trì đường bộ làm tăng chi phí đầu vào.

Ông Đỗ Ngọc Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy đặc sản (Seaspimex), cho biết hàng tồn kho tăng cao, hoạt động của các công ty chỉ đạt 30% công suất máy móc thiết bị. Thế nên công ty phải chịu lỗ 10-15 tỉ đồng/năm.

Xung quanh vấn đề thuế sau khi Công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/6 của Bộ Tài chính, "Tôi nói luôn cảm giác của các DN khi gặp các đại biểu Quốc hội là các cơ quan nhà nước đã đẩy khó khăn cho DN, nhận phần lợi về mình.

DN yếu mà đổ lỗi cho quản lý vĩ mô là không được

Theo ông Lê Chí Hiếu: "Để cứu thị trường và DN bất động sản, theo tôi nên khẩn cấp có các biện pháp cụ thể và trợ giúp cho người mua cũng như DN. Trong gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản mới đây là một biện pháp rất tốt nhưng khi triển khai lại vướng mắc vì thủ tục, hay như việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn chậm.

Hiện ở thành phố chưa có DN bất động sản nào nhận được tiền vay từ gói này. Bên cạnh đó, nên có những gói tín dụng bổ sung cho ngành bất động sản nhằm mục đích tái cơ cấu cho thị trường này. Ngân hàng nên đồng hành với DN bất động sản để cùng xử lý nợ xấu vì khi DN phục hồi thì ngân hàng mới thu hồi được nợ để lấy lại vốn".

Nguồn Pháp luật TPHCM


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày