Kinh Doanh

Lộc Trời “lùi 1 tiến 3”?

Minh Anh Thứ Tư | 12/08/2020 14:00

Ảnh: Quý Hòa.

Quá trình tái cấu trúc toàn diện nhằm đưa Lộc Trời trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Ảnh: Quý Hòa.

Với mong muốn rút khỏi lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, vì nhận thấy thị trường đã bão hòa, Công ty đã tiến hành tái cấu trúc. Bắt đầu từ việc chính thức đổi tên Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang sang Lộc Trời, sau đó là tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh từ doanh nghiệp nông nghiệp chuyển sang dịch vụ nông nghiệp.

Những Bước lùi trong tái cấu trúc

Nhưng từ ngày đổi tên, Lộc Trời gặp khó khăn do yếu tố thời điểm, nhất là trong giai đoạn kinh tế đối mặt với nhiều thách thức vì dịch COVID-19. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 2.200 tỉ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỉ đồng, giảm 55%.

Các ngành nghề kinh doanh chính của Lộc Trời đều gặp trở ngại. Chẳng hạn, mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm hơn 53% doanh thu do giá nông sản giảm dẫn đến nông dân ít đầu tư hơn. Ngành giống và lương thực cũng tăng trưởng âm do Tập đoàn tập trung thu hồi nợ, sắp xếp lại hệ thống đại lý riêng; hoạt động xuất khẩu ảm đạm trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 và hệ thống bán hàng nội địa chưa hoàn chỉnh...

Ảnh: TTXVN.
Ảnh: TTXVN.

Tuy doanh thu giảm, hiệu quả kinh doanh của Lộc Trời lại cải thiện khi biên lợi nhuận gộp tăng từ 22% lên 27%. Cùng với đó, doanh nghiệp cắt giảm đáng kể các chi phí quảng cáo tiếp thị, di chuyển, khuyến mại, vận chuyển, dự phòng công nợ nên lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 20%, đạt 153 tỉ đồng.

 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn chỉ mới hoàn thành 30-32% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm. Nhưng cũng có một số tín hiệu khả quan.

Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Lộc Trời đạt hơn 5.700 tỉ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền hơn 400 tỉ đồng, tăng thêm 300 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Đặc biệt, sau khi áp dụng mô hình bán hàng không công nợ, các khoản phải thu giảm mạnh từ 2.100 tỉ xuống 800 tỉ đồng sau 6 tháng. Lộc Trời cho biết đây là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp hạn chế phát sinh công nợ khó đòi, giúp các chỉ số tài chính an toàn hơn.

Cũng nói thêm, nhằm tái cơ cấu nhân sự, Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 23.5 đã thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng Quản trị là ông Nguyễn Tiến Tùng và ông Mark Peacock. Thay thế các vị trí này là bà Nguyễn Thị Ấm và đặc biệt là ông Philipp Roesler, cựu Phó Thủ Tướng Đức. Chủ tịch Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chính thức thôi kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc và được thay thế bằng ông Nguyễn Duy Thuận.

Đã đến thời điểm để tiến?

Bất chấp khoản lỗ ròng 37 tỉ đồng trong quý I đầu năm, Ban lãnh đạo Lộc Trời tin rằng, lợi nhuận vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2020. Lộc Trời đặt mục tiêu doanh thu thuần 7.352 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 460 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 360 tỉ đồng, tăng 7,45% so với năm 2019. Trong đó, mảng vật tư nông nghiệp dự kiến đạt doanh thu khoảng 5.500 tỉ đồng, lợi nhuận gộp 1.580 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu mảng lương thực dự tính giảm 35% về 1.700 tỉ đồng do tình hình tiêu cực của thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh thị trường nội địa cùng châu Âu để bù đắp, với mục tiêu lãi gộp 120 tỉ đồng.

Trước mắt, với chính sách cho phép xuất khẩu bình thường có hiệu lực từ ngày 1.5.2020 và các hoạt động logistics bình thường trở lại sau dịch, Lộc Trời cho biết sẽ nỗ lực ký kết các hợp đồng mới, đàm phán theo hướng khách đặt hàng trước, tranh thủ chế biến nguyên liệu, tăng tốc xuất khẩu để có thể mang về kim ngạch cao.

Cùng với đó, Lộc Trời cho biết sẽ đảm bảo dòng tiền kinh doanh dương (đã thực hiện được trong giai đoạn đầu năm 2020) và hướng đến mô hình sản xuất kinh doanh theo đơn đặt hàng. Với mảng mới là dịch vụ nông nghiệp, Lộc Trời sẽ triển khai theo hướng cung cấp các dịch vụ trọn gói theo yêu cầu của nông dân, với kế hoạch doanh thu 258 tỉ đồng và lãi gộp 68 tỉ đồng.

 

"Từ cuối tháng 5 đến nay, Lộc Trời đã tái cấu trúc xong toàn bộ Tập đoàn, trừ một phần của bộ phận logistics và khâu sản xuất là chưa được đồng bộ hóa hoàn toàn", Chủ tịch Hội đồng Quản trị Huỳnh Văn Thòn chia sẻ. “Tôi cam kết rằng trong quý III và IV năm nay, sau khi Lộc Trời khắc phục được độ vênh trong quá trình triển khai chiến lược mới, hoạt động kinh doanh sẽ được đẩy mạnh và bù lại cho kết quả của quý I và II”, ông khẳng định.

 Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn cho rằng nếu tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản, doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2024 là hoàn toàn trong tầm tay. Bên cạnh đó, Lộc Trời sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy công nợ.

Thời gian gần đây, các thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật đã trở nên quen thuộc với nông dân nhiều địa phương ở miền Nam. Lộc Trời có kế hoạch phát triển hơn 100 tổ bay để mở rộng quy mô phục vụ hơn 20.000 ha vụ đông xuân 2020-2021. Đây chính là nỗ lực mới trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, số hóa nông nghiệp... nhằm tạo nên bứt phá của  tập đoàn nông nghiệp này sau những bước hụt hơi thời gian qua. Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết dịch COVID-19 đã dạy cho Lộc Trời một bài học và theo ông, “chỉ có chuyển đổi Tập đoàn sang công nghệ số, phải thay đổi thật nhanh, mạnh mới có thể theo kịp thay đổi của thời đại mới”


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày