Kinh Doanh

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam và Indonesia giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Thứ Ba | 27/11/2012 17:36

Theo hiệp định này, các công ty Nhật Bản sẽ hỗ trợ hai quốc gia Đông Nam Á thông qua những dự án giúp giảm phát thải.
Bộ trưởng bộ môi trường Nhật Bản cho biết hiệp định song phương giữa Nhật Bản với Việt Nam và Indonesia sẽ được ký kết vào cuối năm nay, tạo tiền đề cho phép thành lập chương trình cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại hai quốc gia Đông Nam Á.

Khí carbonic và một số khí thải khác có chứa carbon gây nên hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ toàn cầu nóng lên dẫn tới nước biển dâng cũng như tạo ra nhiều thay đổi khí hậu khó lường.

Theo hiệp định này, các công ty Nhật Bản sẽ hỗ trợ hai quốc gia Đông Nam Á thông qua những dự án giúp giảm phát thải. Ngược lại, các công ty Nhật Bản sẽ được nhận "điểm" (credit) để có thể gia tăng lượng phát thải của mình tại Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia mà không phải chịu thuế môi trường quá cao. Đây được coi như là phương pháp tín dụng bù trừ song phương BOCM Nhật Bản đề xuất.

Như vậy, cả hai phía đều được hưởng lợi từ hiệp định. Phía Nhật Bản có thể gia tăng sản xuất công nghiệp vốn thải nhiều khí carbonic của mình và xuất khẩu công nghệ giảm thải. Trong khi đó, chiều ngược lại, Việt Nam và Indonesia được tiếp cận với những công nghệ giảm phát thải tiên tiến.

Nhật Bản đang cố gắng làm việc với nhiều quốc gia đang phát triển khác để ký kết những hiệp định giúp giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính có khả năng gây nên tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Cuối năm 2012, Hiệp định Kyoto về phát thải khí hết hiệu lực. Trước đó, khi các nước xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính như Mỹ hay Trung Quốc không tiếp tục ký hiệp định Kyoto thì Nhật Bản cũng tuyên bố rút ra khỏi hiệp định này. Đối với Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cùng nhiều cơ quan hữu quan của Việt Nam đã tiến hành nhiều dự án nhằm giúp Việt Nam giảm phát thải. Tới nay đã có dự án kiểm kê khí thải (Bộ Tài nguyên Môi trường) và dự án xây dựng phương tiện vận chuyển hành khách số lượng lớn (Bộ Giao thông vận tải). Trong đó dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải được tiến hành theo phương pháp bù trừ tín dụng song phương BOCM.

Nguồn WSJ/Khampha


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày