Kinh Doanh

Phó Tổng thanh tra: Cần thay đổi nhận thức ODA là nguồn viện trợ không hoàn lại

Thứ Ba | 20/01/2015 11:09

Tâm lý coi các khoản ODA như viện trợ không hoàn lại khiến các bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng đúng mức tới việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Ngày 20/1, phát biểu tham luận tại Hội nghị cấp cao “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam”, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng đã chia sẻ thực trạng gian lận và tham nhũng trong thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) ở Việt Nam.

Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh, trong điều kiện của một quốc gia đang phát triển, việc phân bổ vốn ODA và các khoản vay ưu đãi vào các dự án hạ tầng kinh tế trong thời gian tới sẽ tiếp tục được ưu tiên và chiếm một tỷ trọng lớn, vì thế công tác phòng, chống tham nhũng, gian lận trong lĩnh vực này vẫn là một thách thức trong quản trị công của Việt Nam.

Một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện là phải thay đổi nhận thức về ODA cả ở cấp bộ, ngành và các địa phương, phải thực sự thay đổi tâm lý coi ODA là nguồn “viện trợ không hoàn lại”, hoặc chí ít thì “đời mình chưa phải lo trả nợ”, dẫn đến tình trạng “lobby ODA” để được triển khai các dự án không thực sự cần thiết hoặc buông lỏng công tác giám sát, kiểm tra trong triển khai thực hiện các dự án. Dẫn đến các “dự án ODA đắt đỏ”, lãng phí nguồn lực, ít phát huy tác dụng trong thúc đẩy tăng trưởng…

Theo Phó Tổng thanh tra, trong gần 30 năm thực hiện Chính sách Đổi mới, Việt Nam đã nhận được nguồn hỗ trợ ODA khoảng 80 tỷ USD. Một tỷ trọng lớn số tiền này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như giao thông, cảng biển, sân bay, hạ tầng đô thị… Đây thường là những dự án lớn, phức tạp về kỹ thuật , thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan, vì thế dễ xảy ra các hành vi tham những, gian lận. Tuy nhiên, thực tế những vụ việc tham nhũng gian lận được phát hiện và xử lý trong thời gian qua có thể nói là chưa tương xứng với những đánh giá về mức độ rủi ro trong lĩnh vực này.

Cho tới nay những vụ việc có tính điển hình liên quan tới các dự án ODA không nhiều, có thể kể tới vụ án tại Ban quản lý các dự án (PMU 18) thuộc Bộ Giao thông vận tải năm 2005; vụ án nhận hối lộ tại dự án Đại lộ Đông – Tây (PCI) năm 2008; và gần đây nhất là nhi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) hiện đang trong quá trình điều tra làm rõ. Điều cần lưu lý là trong cả 3 vụ việc điển hình nêu trên, những nghi vấn tham những, sai phạm không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện mà do báo chí nước ngoài đưa tin (vụ việc PCI và JTC) hay vụ án PMU được cơ quan điều tra phát hiện từ một vụ án hình sự khác (cá độ bóng đá).

Về kết quả phát hiện các gian lận, tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán trong quá trình thực hiện các dự án ODA, cho tới nay chưa có một tổng kết đánh giá chuyên đề về vấn đề này. Tuy nhiên, từ báo cáo kết quả hoạt động 10 năm của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đầu mối của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn vối ODA cho thấy việc phát hiện gian lận, tham nhũng trong lĩnh vực này vẫn là một thách thức, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong thời gian tới.

Về nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động chống gian lận, tham nhũng tại các dự án ODA, ngoài sự phức tạp về kỹ thuật và quy mô lớn với là đặc điểm chung của các dự án đầu tư hạ tầng, các dự án ODA có tính đặc thù.

Cụ thể, ODA là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của các quốc gia, các định chế tài chính dành cho Việt Nam, vì vậy một mặt đáp ứng nhu cầu, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Đồng thời ODA phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ tài trợ và chịu nhiều tác động của các bên liên quan tại quốc gia cung cấp ODA. Điều này có thể dẫn tới những khó khăn khi áp dụng những chuẩn mực quản lý về đầu tư công đối với các dự án ODA.

Ngoài ra, đó là hạn chế về nhận thức xã hội, chưa thực sự coi ODA là một bộ phận của ngân sách. Mặc dù, thực tế phần lớn ODA là tiền đi vay mà Việt Nam phải hoàn trả trong lương lai, đồng thời Chính phủ đã quy định chính sách quản lý ODA như đối với nguồn tiền từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế còn tâm lý coi tất cả các khoản ODA như viện trợ không hoàn lại, vì thế các địa phương, bộ, ngành thường đặt mục tiêu được phê duyệt ODA là ưu tiên cao nhất, mà chưa chú trọng đúng mức tới yêu cầu phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Từ 2 nguyên nhân trên, có thể dẫn tới quan điểm chỉ đạo của một số người đứng đầu địa phương hay bộ, ngành trong đấu tranh chống gian lận, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ODA, đó có thể là tâm lý hữu khuynh, lo ngại rằng khi những sai phạm bị phát hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển ở cấp quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, thông lệ các hiệp định cung cấp ODA đều quy định rằng khi các hành vi gian lận, tham nhũng được phát hiện thì số tiền sai phạm bị thu hồi sẽ được hoàn trả cho nhà tài trợ mà không thu về Ngân sách nhà nước. Những nguyên nhân này có thể tác động tới tâm lý của người đứng đầu cơ quan chức năng quản lý khi chỉ đạo thực hiện các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cũng như quan điểm xử lý sai phạm tại các dự án sử dụng ODA.

Nguồn DVO


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày