Sóng ngầm hàng giả

Không chỉ tại Việt Nam, hàng giả được định giá khoảng 467 tỉ USD trong thương mại toàn cầu vào năm 2021. Ảnh: TL
Chống lại hàng giả không chỉ là vấn đề kinh tế nội bộ mà còn là một mệnh lệnh quan trọng trong chính sách đối ngoại và thương mại.Tại Trung tâm Thương mại Saigon Square (TP.HCM), một chiếc bóp da nhãn hiệu Hermès xuất xứ từ Pháp được báo giá 150.000 đồng. Còn túi xách các nhãn hiệu Chanel, Gucci hay Louis Vuiton được bán với giá từ 280.000-380.000 đồng; áo thun nhãn hiệu Lacoste, Boss hay Polo chỉ có giá niêm yết từ 100.000-150.000 đồng...
Từ lâu, dường như nền kinh tế hàng giả được chấp nhận, tạo nên sự nhộn nhịp của nhiều địa điểm thương mại điển hình như Saigon Square. Người mua là khách du lịch trong và ngoài nước đều vui vẻ khi sở hữu “hàng hiệu” với giá rất rẻ, đủ để họ tự tin bắt kịp xu hướng thời trang trên thế giới. Thậm chí, ở mọi ngóc ngách buôn bán ở Việt Nam, “hàng hiệu” cũng tràn ngập với muôn hình vạn trạng.
Thế nhưng, ở một góc khác, sự nhộn nhịp này lại đang trở thành nỗi lo lớn dần. Ông Nguyễn Thuận Đạt, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), thuộc Tập đoàn IPPG, cho biết nhiều thương hiệu bị làm giả nghiêm trọng, công khai trên thị trường. Trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, hàng nhái những thương hiệu xa xỉ được rao bán với giá chỉ bằng 10-30% giá trị thật. “Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh hàng chính hãng thất thu ít nhất 15-20%. Chưa kể, doanh nghiệp còn chịu gánh nặng chi phí khổng lồ cho việc bảo vệ thương hiệu, bao gồm thuê luật sư, truyền thông cảnh báo người tiêu dùng, kiểm tra thị trường và huấn luyện nhân viên phát hiện hàng giả...“, ông Đạt nói.
![]() |
Theo báo cáo Notorious Markets 2024 của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách các quốc gia có thị trường hàng giả nổi cộm, làm giảm mạnh độ tín nhiệm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, cuối tháng 5/2025 Chính phủ ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn quốc.
Thị trường đã chứng kiến tháng cao điểm với nhiều cuộc ra quân hàng loạt ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng... Hàng loạt cửa hàng đã đóng cửa để đối phó với cuộc kiểm tra lớn này; nhiều lô hàng giả đã bị thu giữ và xử phạt. Nhưng ẩn sau đó vẫn là cơn sóng ngầm của nạn hàng giả đã tồn tại trong thời gian dài.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2025, Sở Công Thương cùng các đơn vị liên quan đã xử lý 392 vụ vi phạm, tịch thu 61.000 sản phẩm. Đối tượng vi phạm sử dụng nhiều chiêu trò để qua mặt lực lượng chức năng như giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh dưới vỏ bọc là hàng “xách tay” về Việt Nam. “Đặc biệt, khi làm việc với các thương hiệu quốc tế như Rolex, Cartier, Franck Muller, Burberry, Nike..., họ đã trực tiếp phản ánh với chúng tôi về tình trạng hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam, đe dọa đến quyết định đầu tư lâu dài của các thương hiệu này”, ông Đạt bức xúc.
Không chỉ tại Việt Nam, hàng giả được định giá khoảng 467 tỉ USD trong thương mại toàn cầu vào năm 2021. Báo cáo “Bản đồ thương mại hàng giả toàn cầu năm 2025” đánh dấu nghiên cứu chung thứ 4 của OECD và EUIPO, cho thấy quần áo, giày dép và đồ da... vẫn nằm trong số các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm tổng cộng 62% hàng giả bị thu giữ. Báo cáo cũng phát hiện những đường dây làm hàng giả đang mở rộng sang những lĩnh vực mới bao gồm phụ tùng ô tô, thuốc men, mỹ phẩm, đồ chơi và thực phẩm.
“Buôn bán bất hợp pháp đe dọa đến an toàn công cộng, làm suy yếu quyền sở hữu trí tuệ và cản trở tăng trưởng kinh tế, rủi ro có thể gia tăng khi những kẻ làm hàng giả tận dụng các công nghệ và kỹ thuật mới để tránh bị phát hiện”, ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký OECD, lưu ý.
Báo cáo cũng nêu bật cách các tuyến đường thương mại hàng giả đang mở rộng, làm phức tạp thêm công tác phát hiện hàng giả. Nếu không xử lý nghiêm túc nạn hàng giả, Việt Nam có thể đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại từ các đối tác quốc tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia mà còn đe dọa đến việc tuân thủ các cam kết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Việc này cho thấy cuộc chiến chống hàng giả không chỉ là vấn đề kinh tế nội bộ mà còn là một mệnh lệnh quan trọng trong chính sách đối ngoại và thương mại, ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
![]() |
Mặc dù có khung pháp lý nhưng việc thực thi vẫn gặp nhiều rào cản do thủ đoạn làm giả tinh vi, tính chất khó nắm bắt của người bán hàng giả và mức phạt chưa đủ sức răn đe. Sự không nhất quán và thiếu rõ ràng trong các định nghĩa pháp lý cũng gây khó khăn cho việc truy tố hình sự. “Mức phạt không tương xứng với lợi nhuận khổng lồ từ việc bán hàng giả nên không đủ sức răn đe. Hơn nữa, tâm lý dễ dãi của người tiêu dùng, dễ thỏa hiệp với sản phẩm hàng giả”, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, đáng lo ngại là các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi và có tổ chức, thậm chí có hiện tượng móc nối với một số cá nhân trong cơ quan liên quan để hợp thức hóa thủ tục công bố sản phẩm, hợp pháp hóa hàng hóa vi phạm. Đối mặt với nạn hàng giả tại Việt Nam, Tập đoàn LVMH từng hợp tác với Tổng cục Quản lý thị trường thông tin về đặc tính của hàng thật, các đại lý phân phối được ủy quyền, các doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu, lộ trình vận chuyển và bất kỳ thông tin liên quan có thể giúp cho việc phân biệt hàng thật - hàng giả...
“Doanh nghiệp không thể một mình đơn độc chiến đấu chống lại mạng lưới phạm pháp đặc biệt trong nạn hàng giả hiện nay”, đại diện Tập đoàn LVMH cho biết.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư