Tăng tốc bơm vốn
Với Việt Nam, HSBC đưa ra dự báo lãi suất cơ bản có thể điều chỉnh tăng nhẹ vào đầu năm 2023. Ảnh: Quý Hòa.
Chính sách tiền tệ nới lỏng ngày càng rõ ràng trong bức tranh vĩ mô có nhiều yếu tố tích cực. Nhưng mức độ nới lỏng như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch giai đoạn 2022-2023.
Tín dụng tăng mạnh
Dịch bệnh và các quy định giãn cách xã hội đã khiến dòng vốn lưu động của nhiều doanh nghiệp cạn kiệt. Vì thế, ngay khi mở cửa trở lại, doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất nhưng rất cần nguồn vốn để mua nguyên liệu đầu vào cũng như trả lương cho nhân công.
Để đáp ứng nguồn vốn cho doanh nghiệp, các ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất thấp. Trước đó, các ngân hàng cũng đã xin nới room tín dụng để có nhiều dư địa cho vay. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, đã có khoảng 126.600 tỉ đồng tín dụng chảy vào thị trường trong tháng 11, gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm tháng 8 và tháng 9.
Tính đến ngày 25/11, tăng trưởng tín dụng đạt 10,1% so với cuối năm ngoái. Không chỉ có nhu cầu vốn tăng cao theo tính mùa vụ vào dịp cuối năm, dường như chiếc lò xo kinh tế đang cố gắng bung ra sau thời gian bị nén chặt vì giãn cách xã hội. Mặt khác, riêng tại TP.HCM còn được hỗ trợ từ gói cho vay ưu đãi quy mô 70.000 tỉ đồng để doanh nghiệp chuẩn bị cho mùa vụ cuối năm, qua đó góp phần đẩy tín dụng tăng nhanh.
Ở góc độ quản lý, chính sách tiền tệ mở rộng vào cuối năm đang dần rõ ràng hơn. Trong tháng 11 vừa qua, hàng loạt ngân hàng thương mại đã được nâng hạn mức tín dụng, giúp giải quyết bài toán cạn room tăng trưởng. Chẳng hạn, tại Vietcombank, trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tăng trưởng đã đạt 11,5% so với đầu năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 là 10,5%, với động lực chính là khối khách hàng cá nhân và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đây là mức tăng khá cao nếu xét theo quy mô và đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Không chỉ nâng trần tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực bơm tiền đồng qua hoạt động mua ngoại tệ giao ngay và kỳ hạn, với tổng giá trị ước tính hơn 75.000 tỉ đồng, theo ước tính của SSI. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, lãi suất liên ngân hàng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 ghi nhận nằm ở mặt bằng thấp hơn mức trung bình của cả năm 2020 và năm 2021.
Việc hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng trong bối cảnh lo ngại nợ xấu tiềm năng vì COVID-19 cũng đang được thảo luận thêm. Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu, xem xét việc lùi thời hạn áp dụng quy định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để các ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng. Lộ trình này đã được lùi lại một năm trong năm ngoái, cũng vì nguyên nhân dịch bệnh.
Theo SSI, lạm phát ở mức thấp và tỉ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng trong tháng 11. Khối phân tích của SSI cũng đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%, cao hơn con số dự kiến trước đó là 12%.
Dịch bệnh và các quy định giãn cách xã hội đã khiến dòng vốn lưu động của nhiều doanh nghiệp cạn kiệt. Ảnh: Quý Hòa |
Chờ gói hỗ trợ
Luôn có sự tranh cãi về tính hiệu quả của chính sách tiền tệ, nhưng trong bối cảnh hiện nay, tín dụng tăng trưởng tốt được đánh giá là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô trong tháng 11.
Theo đó, nhu cầu từ thị trường quốc tế tiếp tục duy trì là động lực chính cho tăng trưởng và giúp hoạt động sản xuất khả quan, trong khi tiêu dùng nội địa cũng cho thấy mức độ phục hồi so với tháng trước, dù dữ liệu sản xuất công nghiệp và bán lẻ vẫn chưa hồi phục về mức trước đợt bùng phát lần thứ 4 tại TP.HCM.
Bắt đầu tháng 12, nhiều cuộc thảo luận về các gói hỗ trợ tiền tệ liên tục được Quốc hội, Chính phủ và cơ quan quản lý các cấp thảo luận. Ở góc độ doanh nghiệp, ghi nhận cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng Thông tư 14 (các ngân hàng hỗ trợ tái cơ cấu nợ xấu vì COVID-19) chưa thực sự hiệu quả với số đông, các doanh nghiệp quy mô từ siêu nhỏ đến nhỏ cũng khó tiếp cận được vốn vay.
Thậm chí, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mới đây đưa ra kiến nghị xem các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt 6-12 tháng, ít đi kèm với điều kiện, không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành y tế, thực phẩm, sắt thép.
Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng vẫn còn, nhưng không nhiều. Lý do là lãi suất ở mức thấp trong 20 năm qua, quan ngại về sức hấp thụ vốn còn yếu, bối cảnh thế giới bắt đầu thu hẹp nới lỏng định lượng và tăng lãi suất và quan trọng hơn là quan điểm ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
“Nhập khẩu lạm phát” cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu ra gần đây. Trong báo cáo gần đây, Ngân hàng HSBC nhận định Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dường như đã sẵn sàng điều chỉnh tốc độ mua tài sản và nâng lãi suất điều hành.
Trước đây, mỗi lần Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình hình tài chính của các thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng khiến các nước phải đưa ra những đợt điều chỉnh tăng lãi suất cần thiết để duy trì bình ổn. Với Việt Nam, HSBC đưa ra dự báo lãi suất cơ bản có thể điều chỉnh tăng nhẹ vào đầu năm 2023. Điều này có nghĩa là Việt Nam vẫn còn một khoảng thời gian để hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư