Kinh Doanh

Thép Pomina có lật ngược thế cờ?

Hà Cúc Thứ Tư | 01/11/2023 08:00

Ảnh: T.L

Cú sảy chân khiến khó khăn vẫn bủa vây Thép Pomina, nhưng cũng đã có tín hiệu tích cực ở phía trước.
Ảnh: T.L

Trong báo cáo soát xét bán niên vừa công bố, Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) ghi nhận doanh thu thuần gần 2.200 tỉ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ. Với việc kinh doanh dưới giá vốn, Công ty lỗ gộp 32 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 348 tỉ đồng. Bên cạnh sự đi xuống của hoạt động kinh doanh cốt lõi, Công ty còn gánh thêm chi phí tài chính tăng mạnh, trong đó chi phí lãi vay tăng 40%. Kết quả là Thép Pomina lỗ ròng 504 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 23 tỉ đồng...

Các kiểm toán viên của Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh Thép Pomina đang lỗ lũy kế gần 760 tỉ đồng. Theo đơn vị kiểm toán, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina.

Gồng gánh nợ nần 
Cơn bĩ cực của Thép Pomina đi cùng với khó khăn của cả ngành thép khi hầu hết các công ty thép đều ghi nhận kết quả sụt giảm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ nặng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với giá giảm nhanh để cạnh tranh. Giá thép đã về đáy thấp nhất 3 năm qua cùng với diễn biến ảm đạm của thị trường bất động sản, dự kiến ngành thép sẽ mất một thời gian rất dài nữa để hồi phục.

 

Trong quá khứ, Thép Pomina từng là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam và có thị phần cao hơn Tập đoàn Hòa Phát. Thời điểm năm 2010, Thép Pomina chiếm 17% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong khi Hòa Phát chỉ chiếm 12% thị phần. Chiến lược của Thép Pomina là tập trung ở phân khúc trọng điểm thép xây dựng và tập trung tại thị trường trọng điểm miền Nam.

Có thể nói “cú sảy chân” của Thép Pomina bắt đầu khi quyết định đầu tư dự án lớn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam vấp phải nhiều khó khăn. Thời điểm đó, lãnh đạo Công ty tin rằng với lợi thế giá nguyên liệu thấp và vị thế đang có, họ có thể đón đầu cơ hội tăng trưởng khi thị trường phục hồi. Thép Pomina tự tin là doanh nghiệp đầu tư bài bản với công nghệ hiện đại nhất trong ngành thép và để cạnh tranh với thép Trung Quốc bằng chất lượng nên đã quyết liệt đầu tư các nhà máy bằng công nghệ châu Âu.

Tuy nhiên, do doanh thu bán hàng thấp trong bối cảnh kinh tế khó khăn cùng với chi phí giá vốn cao khiến Thép Pomina mất thị phần vào tay đối thủ trong nước. Kinh doanh dưới giá vốn và áp lực chi phí lãi vay khiến Công ty lỗ ròng kỷ lục 1.078 tỉ đồng trong năm 2022, trong khi cùng kỳ lãi hơn 182 tỉ đồng. Đây là mức lỗ nặng nhất ngành thép. Sang năm 2023, Thép Pomina đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 150 tỉ đồng nhưng Công ty lại tiếp tục lỗ kỷ lục trong nửa đầu năm 2023. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chuyển cổ phiếu POM từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 10/10/2023.

Tái cấu trúc, chờ cơ hội phục hồi
Thép Pomina vẫn đợi sự hồi phục của ngành thép để tạo nên cú đột phá và lật ngược tình thế. Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội cổ đông gần đây, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thép Pomina, cũng đánh giá, đầu năm 2024, thị trường thép có thể khởi sắc nhờ đầu tư công. Tuy nhiên, tiêu thụ tăng nhiều lắm chỉ từ 15-20% vì nhu cầu thép ở Việt Nam chủ yếu đến từ bất động sản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn yếu, Thép Pomina quyết định điều chỉnh giảm mục tiêu kinh doanh năm nay theo hướng thận trọng để phù hợp với diễn biến thị trường thực tế.

 

Để vượt qua khó khăn, công ty thép này lên kế hoạch tái cấu trúc chưa từng có. Ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết khả năng hoạt động liên tục sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo dòng tiền trong tương lai và sự hỗ trợ về mặt tài chính của ngân hàng cũng như nhà đầu tư chiến lược. Trước đó, Công ty đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Nansei Steel. Dự kiến Thép Pomina sẽ thu về khoảng 700 tỉ đồng từ đợt phát hành này. Bên cạnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Thép Pomina dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Pomina 3, đồng thời vay vốn tại Ngân hàng BIDV. Với lượng tiền thu về, Công ty sẽ khôi phục sản xuất lò điện từ quý IV/2023 và lò cao từ quý II/2024, từ đó cải thiện kết quả kinh doanh và dòng tiền.

Lãnh đạo Công ty mong đợi sẽ có cơ hội khi những khó khăn của ngành thép được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV. Đây thường là giai đoạn nhu cầu thép tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, triển vọng đầu tư công vẫn sẽ hỗ trợ khơi thông tiêu thụ sắt thép trong nước. Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, kỳ vọng nửa cuối năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép sẽ cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi vì, lượng bán hàng đã cải thiện, nhất là kênh xuất khẩu. Các công ty cũng không còn phải  trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn như nửa cuối năm ngoái.

Với kỳ vọng tiêu thụ thép hồi phục, Thép Pomina muốn khởi động lại lò cao đã đóng cửa từ quý III/2022. Năm 2023, Thép Pomina đặt ra 4 phương án công suất hoạt động của phôi lò điện (EAF), từ 40.000-60.000 tấn/tháng. Lãnh đạo Công ty cho rằng khi lò cao chạy lại, lợi nhuận sau thuế sẽ bù đắp hết lỗ lũy kế trong giai đoạn 2024-2027.
Các chuyên gia đánh giá, nếu trụ vững trong khủng hoảng, doanh nghiệp này có cơ hội tái cơ cấu từ quản trị cho đến thị trường, mặt hàng..., đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả và phục hồi đà tăng trưởng với nền tảng công nghệ hiện đại hiện có. 
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày