Kinh Doanh

Tồn kho cao: Ngành mía đường khó phát triển bền vững

Hải Vân Thứ Năm | 19/04/2018 19:39

Đề án “Phát triển mía đường đến năm 2020” được phê duyệt khi ngành mía đường có lượng tồn kho lên tới 530 ngàn tấn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Trần Thanh Nam, ngày 18.4, đã phê duyệt Đề án “Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững, đáp ứng tiêu dùng trong nước và từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu.

Theo đề án này, đến năm 2020, diện tích sản xuất mía nguyên liệu ổn định 300.000 ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn. Đến năm 2030 giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2,5 triệu tấn.

Trong Đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tính đến việc tăng diện tích mía nguyên liệu đến năm 2020 phải đạt 300.000 ha, với vùng nguyên liệu tập trung là 285.500 ha.

Thế nhưng, thời gian từ nay đến 2020 là không đủ dài để ngành mía đường có thể xoay chuyển được tình thế, từ cắt giảm sản lượng, tồn kho rất lớn, thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu tiền thanh toán cho nông dân… đến “phát triển bền vững” như mục tiêu đề án đề ra.

Số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, lượng đường tồn kho đã tăng cao trên 530 ngàn tấn, tính đến ngày 15.3.2018, trong khi lượng đường tồn ở các công ty thương mại cũng lên trên 14 nghìn tấn. Tiêu thụ đường ngày càng khó khăn do giá đường sụt giảm ở cả trong nước và thế giới. Hiện, giá đường bán lẻ tại các siêu thị/chợ trong nước chỉ khoảng 15 nghìn đồng/kg.

Ton kho cao: Nganh mia duong kho phat trien ben vung

Trong khi đó, giá thành sản xuất đường của Việt Nam vẫn cao hơn các nước. Nếu giá thành sản xuất đường của Việt Nam khoảng 50 USD/tấn, thì của Thái Lan chỉ 30 USD/tấn và Braxin là 16 USD/tấn.

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho mặt hàng đường, từ tháng 1.2018, đường là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch và mức thuế suất cũng sẽ giảm về 0%. Việt Nam đang có 300.000 ha trồng mía, với có 41 nhà máy chế biến mía đường, quy mô sản xuất mức nhỏ và vừa là phổ biến. Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020” là cần, nhưng chưa đủ để ngành mía đường phát triển bền vững, cạnh tranh được ở thị trường trong nước với đường nhập khẩu, đặc biệt là đường của Thái Lan và Trung Quốc.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày