Kinh Doanh

Trung Quốc cấm gạo tiểu ngạch: Việt Nam phải làm như Philippines!

Thứ Năm | 14/08/2014 11:56

Cách làm của hai TCty khiến bà con nông dân không biết sản xuất theo tiêu chuẩn nào. Hạt gạo làm ra chất lượng thấp, chỉ bán cho Trung Quốc dễ tính.

Đi ngược thế giới

Trung Quốc vừa ngưng nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch, nhưng theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, việc này không ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.

Vụ hè thu năm nay ở ĐBSCL rất thuận lợi. Hiện bà con mới thu hoạch được khoảng 800.000 ha trong tổng diện tích 1,7 triệu ha nhưng lúa làm ra đến đâu được bán tới đó với giá cao. Các nước Philippines, Malaysia, Indonesia đặt hàng gạo Việt Nam ngay từ đầu. Ngay cả Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cùng hai Tổng công ty lương thực (Vinafood 1, Vinafood 2) ký hợp đồng với Philippines dù chưa đủ gạo giao nhưng thu mua cũng rất khó khăn. Các thị trường rất chuộng gạo Việt Nam bởi giá mềm, gạo tươi hơn các nước khácdo thương lái thu mua của nông dân ngay tại ruộng rồi giao bán ngay.

Cách làm của hai Tổng công ty lương thực khiến bà con nông dân không biết sản xuất theo tiêu chuẩn nào.
Cách làm của hai Tổng công ty lương thực khiến bà con nông dân không biết sản xuất theo tiêu chuẩn nào.

"Chính phủ đã cảnh giác, khuyến cáo cáo các trung tâm, Cục xúc tiến thương mại chào hàng một số nước, mở rộng thị trường trên thế giới", ông Lê Văn Bảnh cho biết. Tuy nhiên, ông Bảnh cho rằng, VFA cùng hai Tổng công ty lương thực từ khi thành lập tới nay hoạt động như trong thời bao cấp, rất yếu về khâu xúc tiến thương mại.

"Về nguyên tắc, Việt Nam đang đi ngược với thị trường thế giới. Là nhà kinh doanh lương thực, lẽ ra hai Tổng công ty phải xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường về nhu cầu lúa gạo, họ ăn thế nào, thích loại gạo gì, từ đó mới xem lại khả năng sản xuất của mình. Cái nào Việt Nam đã có sẵn thì đặt hàng nông dân sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Giống nào chưa có hoặc quy trình chưa có thì đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra quy trình để nông dân sản xuất. Qua đầu tư vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp chủ động về sản lượng, chất lượng sản phẩm, khi đó hạt gạo mới có giá trị.

Vừa rồi, Philippines mở thầu nhập khẩu 800.000 tấn gạo. Việt Nam tham gia dự thầu, sợ thua Thái Lan, Ấn Độ nên hạ giá xuống, sau khi trúng thầu mới bắt đầu thu mua. Như thế là sai. Bà con nông dân cũng bơ vơ không biết sản xuất theo tiêu chuẩn nào. Chính vì vậy gạo Việt Nam mới có chất lượng thấp, phải bán tiểu ngạch cho Trung Quốc là thị trường dễ tính", ông Bảnh phân tích.

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cũng chỉ ra một thực tế: nhiều người kêu nông hộ nhỏ sản xuất khó nên Bộ Nông nghiệp đưa ra mô hình cánh đồng mẫu lớn để tập trung sản xuất lúa gạo tren một diện tích lớn, giảm bớt lượng thuốc sâu, phân bón, hóa chất để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và giảm chi phí giá thành để cạnh tranh với thị trường thế giới. Tuy nhiên đến nay, ĐBSCL có chưa tới 100.000ha trồng lúa theo cánh đồng mẫu lớn vì các doanh nghiệp thuộc VFA và 2 Tổng công ty lương thực chưa tích cực tham gia nên chưa thể phát triển mạnh.

Một sự đi ngược so với thế giới nữa, theo ông Bảnh là người dân Việt Nam đang phải ăn gạo với giá cao hơn gấp nhiều lần giá gạo xuất khẩu.

"Thị trường Hà Nội hay ngay như Cần Thơ, gạo ăn được phải 12.000-14.000 đồng/kg, còn ăn ngon cũng phải 16.000-20.000 đồng/kg, tức là khoảng 600-1.000 USD/tấn, trong khi đó xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt 400-430 USD/tấn, tệ hơn nữa là 370-380 USD/tấn, tính ra chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng/kg. Điều đó chứng tỏ giá trị hạt gạo Việt Nam xuất khẩu rất thấp".

Ông Bảnh dẫn giải một loạt ví dụ: Ngành nông nghiệp cứ nói phải tái cơ cấu, gạo bán khó bán thì chuyển sang trồng cây khác, nhưng trồng cây gì, ai là người tiêu thụ thì lại không chỉ ra được. Hay cán bộ nông nghiệp bảo trồng thanh long siêu lợi nhuận, 1ha bán được 300-500 triệu đồng, so với lúa rất cao nên bà con đổ xô trồng thanh long. Việt Nam đang nhập khẩu ngô 2-3 triệu tấn/năm, thị trường rộng mở nên trồng ngô. Bà con nông dân trồng được nhưng ai mua thì không biết, không ai chỉ ra được.

Trong khi đó, nếu tôi là doanh nghiệp nhập thức ăn gia súc và thức ăn thủy sản cần ngô nhập của thế giới chỉ cần đăng ký vèo một cái là được vài trăm ngàn tấn, đúng ngày giờ trong hợp đồng hàng được mang đến hạt nào ra hạt đấy, tiêu chuẩn độ ẩm, vi lượng nọ kia đầy đủ cả. Còn mua 1.000 tấn ngô trong nội địa phải qua thương lái thu gom, các hạt độ ẩm khác nhau, vi lượng khác nhau thế nào cũng không biết luôn. Chưa kể, nhiều khi nhập giá nhập khẩu rẻ hơn giá nội địa vì họ cơ giới hóa, sàng lọc.

"Nếu Nhà nước muốn khuyên người nông dân mà không biết thị trường tiêu thụ, giá cả, hiệu quả lợi nhuận thế nào thì khó mà người dân theo được. Nhà nước đang thiếu một chiến lược về sản xuất và tiêu thụ nông sản", ông Bảnh nói.

Philippines làm được, tại sao Việt Nam không làm được?

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL dẫn câu chuyện về quả chuối của Philippines. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của chuối Cavendish của Philippines. Năm 2012, xung đột chủ quyền trên Biển Đông nổ ra giữa Trung Quốc và Philippines. Trung Quốc đã tiến hành trả đũa kinh tế nhằm vào mặt hàng dễ tổn thương nhất của Philippines là chuối. "Chiến tranh chuối" nổ ra khi Trung Quốc cáo buộc chuối Philippines bị nhiễm thuốc trừ sâu và vin vào đó đòi kiểm tra lại tất cả trái cây Philippines xuất đến Trung Quốc.

Hậu quả, hàng nghìn container chuối của Philippines bị bỏ thối ở các cảng của Trung Quốc, dồn các nhà xuất khẩu và người sản xuất ở Philippines tới chân tường, chịu lỗ nặng, ước tính lên tới 23,1 triệu USD.

Nhưng chính biện pháp trả đũa này đã thúc đẩy Philippines mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông… Bước đầu, họ gặp rất nhiều khó khăn, do các thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao hơn Trung Quốc. Nhưng ngành sản xuất chuối của Philippines thích ứng rất nhanh bằng cách tập trung đầu tư cho chất lượng. Tới cuối năm 2012, Philippines hoàn toàn làm chủ được thế trận. Họ ký được hợp đồng với Mỹ, Nhật Bản… tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá bán, cải thiện được đời sống cho nông dân, còn Trung Quốc thì buộc phải mở cửa nhập khẩu trở lại vì trả đũa không hiệu quả.

Đối chiếu với nông sản Việt Nam, TS Lê Văn Bảnh cho rằng đây là câu chuyện không phải nông dân Việt Nam mà doanh nghiệp, ngành công thương Việt Nam phải học tập.

Hiện trong các nước Đông Nam Á, nông dân Việt Nam có trình độ cao hơn hẳn so với Philippines, Thái Lan nhưng nước bạn làm được còn Việt Nam thì không, đó không phải là lỗi của người dân.

"Đó là bởi Việt Nam kém trong việc mở rộng thị trường. Chúng ta làm ăn theo kiểu có mặt hàng chỉ bán cho một ông khách có tính trái gió trở trời, nếu ông ấy không mua thì chẳng biết bán cho ai. Do đó, Việt Nam phải hoạt động đa dạng ở nhiều nơi để nếu người này không mua thì có người khác mua. Khi đã có thị trường tốt, rộng mở thì người ta yêu cầu thế nào, người nông dân làm đúng tiêu chuẩn như vậy thì bất kể thị trường có khó tính chúng ta vẫn vào được".

Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật. Người Nhật sang tận nơi, kiểm tra tại ruộng theo đúng 593 chỉ tiêu. Công ty đáp ứng được và xuất khẩu gạo giá cao thay vì chỉ 400 USD/tấn. Một công ty khác ở Cà Mau làm gạo hữu cơ bán được cho Mỹ với giá 3.500 USD/tấn.

"Rõ ràng về mặt khoa học kỹ thuật chúng ta làm được. Cần làm rõ vấn đề ai đặt hàng, ai bao tiêu và bán ra thị trường nào, sản lượng bao nhiêu, thu mua lúc nào để nông dân làm theo... thì hiệu quả hơn cách làm cũ", ông Bảnh nói.

Cũng theo ông Bảnh, Việt Nam có một thế mạnh lớn mà không tận dụng được so với Trung Quốc là an ninh lương thực. Hiện an ninh lương thực là điểm yếu của Trung Quốc, Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới trong khi Trung Quốc rất cần gạo cho dân số 1,5 tỷ người của họ. Thế nhưng chúng ta lại để họ ép giá, tự đẩy mình vào thế không bán cho Trung Quốc thì không bán cho ai được. Đó chính câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách, chiến lược và các doanh nghiệp Việt Nam phải trả lời.

Nguồn Đất Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày