Kinh Doanh

Tuần 1-7/7: Giá hàng hóa tăng do căng thẳng tại Ai Cập leo thang

Chủ Nhật | 07/07/2013 09:09

Giá hàng hóa tăng mạnh nhất tháng do nhu cầu tiêu thụ phục hồi trở lại và lo ngại nguồn cung gián đoạn do bạo động ở Ai Cập.
Chỉ số S&P GSCI theo dõi giá 24 mặt hàng nguyên liệu thô tăng 3,7% lên 634,02 điểm. Tăng mạnh nhất là giá dầu và kim loại.

Tuần này, nhu cầu hàng hóa nguyên liệu tăng trở lại. Thông tin chỉ số sản xuất Mỹ tăng từ 49 điểm lên 50,9 điểm trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất 4 năm hỗ trợ triển vọng tiêu thụ dầu thô và kim loại. Trung Quốc tăng cường gom nông sản và kim loại bổ sung kho dự trữ tranh thủ lúc giá thấp. Tại châu Âu, chủ tịch ngân hàng trung ương ECB tuyên bố sẽ giữ nguyên lãi suất thấp trong thời gian dài kích thích kinh tế, điều này cũng hỗ trợ giá hàng hóa nguyên liệu.

Tình hình căng thẳng chính trị tại Ai Cập leo thang, bạo động liên tiếp xảy ra. Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội lật đổ sau 1 năm cầm quyền. Hiện tại những bất ổn chính trị vẫn còn tồn tại cho đến khi tổ chức bầu cử chính quyền mới thành công. Cuộc đảo chính này gây lo ngại cho nhà đầu tư về nguồn cung dầu thô qua kênh đào Suez bị gián đoạn mặc dù các nhà chức trách kênh đào đã khẳng định mọi hoạt động diễn ra bình thường. Bất ổn chính trị cũng khiến nhu cầu vàng tăng, nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn.

Tuần qua, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng mới công bố chỉ số lương thực thực phẩm tháng 6 giảm 1% so với tháng 5.
Dầu thô

Giá dầu thô có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 2/2011. Dầu thô giao kỳ hạn tháng 8 tăng 6,9% trong tuần này lên 103,22 USD/thùng cao nhất 14 tháng. Giá dầu Brent giao dùng kỳ hạn tăng gần 5%, chốt tuần tại 107,72 USD/thùng. Chênh lệch giá giữa 2 loại dầu thu hẹp còn 4,5 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ đỉnh điểm của mùa hè, các nhà máy lọc dầu hoạt động với công suất cao nhất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, dự báo nhu cầu này còn duy trì đến hết tháng 8.

Giá dầu cũng chịu ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng Ai Cập. Ai Cập kiểm soát kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu nối từ Biển Đỏ đến Địa Trung Hải, mỗi ngày lượng dầu thô vận chuyển qua đây trên 2 triệu thùng dầu. Do vậy, nhà đầu tư lo ngại nguồn cung dầu bị gián đoạn. Các nhà chức trách khu vực này vẫn đảm bảo mọi hoạt động diễn ra bình thường.

Vàng

Giá vàng tuần này biến động liên tục, các phiên tăng giảm đan xen. Kết thúc tuần, giá vàng giao kỳ hạn tháng 8 tại sàn Comex giảm 0,9% xuống còn 1212,7 USD/oz. Giá vàng giao ngay tại sàn Kitco hiện đứng ở 1.223,8 USD/oz.

Giá vàng giảm dưới áp lực USD mạnh hơn. Phiên cuối tuần, đồng USD tăng 1,6% lên cao nhất so với các tiền tệ chủ chốt khác. Các số liệu kinh tế Mỹ khả quan cũng khiến lo ngại sớm giảm nới lỏng tiền tệ nước này gia tăng, kéo giá vàng đi xuống.

Trong tuần, giá vàng có phiên tăng mạnh, vướt 1.250 USD/oz do nhu cầu trú ẩn của giới đầu tư tăng trở lại trong bối cảnh lo ngại khủng hoảng nợ châu Âu tăng và những bất ổn leo thang tại Ai Cập. Chủ tịch ECB có bài phát biểu cho rằng khu vực đồng tiền chung vẫn phải đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Kim loại

Giá đồng giao sau 3 tháng tại sàn LME tuần này tăng 0,5%, chốt tại 6.780 USD/tấn.

Giá đồng giảm 10% trong quý II, ghi nhận quý giảm mạnh nhất từ tháng 9/2011, nhưng đến sang đầu quý III, giá có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Dự trữ đồng tại sàn LME liên tục giảm. Trung Quốc cũng đang tăng cường mua kim loại bổ sung nguồn dự trữ thiếu hụt. Các chuyên gia dự báo giá đồng sẽ tăng trở lại trên 7.000 USD/oz trước khi kết thúc năm nay.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Giá ngô giao tháng 12 giảm tiếp 3,9% xuống còn 4,912 USD/giạ, giá đậu tương giao tháng 11 giảm 1,9% chốt tuần tại 12,282 USD/giạ, riêng giá lúa mỳ giao tháng 12 tăng gần 2% lên 6,704 USD/giạ.

Giá nông sản giảm chủ yếu do dự báo nguồn cung dồi dào nhờ vụ mùa bội thu của các nước sản xuất chính trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao. Riêng giá lúa mỳ tăng trở lại nhờ thông tin Trung Quốc và Ai Cập mua vào bổ sung kho dự trữ.

Trung Quốc bắt đầu gom nông sản trong lúc giá xuống thấp bất chấp sản lượng nội địa cao kỷ lục 10 năm qua. Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 3/7 dự báo trong niện vụ này (bắt đầu từ 1/6), Trung Quốc sẽ mua 4 triệu tấn lúa mỳ, nhiều nhất trong 9 năm qua. Lượng nhập khẩu ngô cũng sẽ tăng 67% lên 5 triệu tấn. Còn theo Bloomberg nhận định trong 12 tháng bắt đầu từ tháng 10 tới, Trung Quốc sẽ nhập kỷ lục 7 triệu tấn ngô.

Nguồn Dân Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày