Kinh Doanh

Xuất khẩu gạo: Bán rẻ nhất, nơm nớp Trung Quốc không mua

Thứ Tư | 28/05/2014 07:57

Xuất khẩu gạo VN sẽ tiếp tục phải đối diện với áp lực giảm giá do giảm sức mua từ Trung Quốc và sức ép giá rẻ từ Thái Lan.
Xuất khẩu gạo sụt, giảm

Xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý II tiếp tục nhận thêm thông tin xấu. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo trong tháng 4 và cả năm 2014 sẽ giảm sút ở hầu hết các thị trường, nhất là thị trường châu Phi.

Xuất khẩu gạo trong tháng 4 chỉ đạt trên 630.000 tấn, không đạt được kế hoạch đề ra là 700.000 tấn và thấp hơn cả tháng 3. Theo ông Huỳnh Minh Huệ- Phó Chủ tịch VFA, quý II là thời điểm quan trọng để xuất khẩu gạo, do vậy để đạt được mục tiêu là 3,5 triệu tấn trong 6 tháng sẽ phải “rất cố”.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của VFA trong thời gian tới xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối diện với áp lực giảm giá do giảm sức mua từ Trung Quốc và sức ép giá rẻ từ Thái Lan.

Nghĩa là ngay cả khi gạo Việt Nam được bán với giá rất rẻ nhưng vẫn thấp thỏm lo ngại bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này không nằm ngoài cảnh báo của VFA khi Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, chiếm 60% sản lượng gạo xuất khẩu.

Đặc biệt, khi Ấn Độ, Pakistan đều phát triển mạnh, riêng Ấn Độ trong 2 năm vừa qua đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Myanmar, Campuchia hiện cũng đang trở thành quốc gia xuất khẩu gạo tiềm năng có khả năng sẽ trở thành đối trọng của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Nguyên nhân được chỉ ra là do chính sách lúa gạo vẫn tồn tại một số vấn đề cần xem xét, đặc biệt là những chính sách can thiệp đến xuất khẩu và điều tiết thị trường.

TS Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra rằng, trong khi Chính phủ Thái đành chịu lỗ và để nông dân được lời, Việt Nam lại không quan tâm và hoàn toàn để Tổng công ty Lương thực và Hiệp hội Lương thực Việt Nam thao túng.

Vì chủ trương xuất khẩu gạo giá rẻ nên tất cả mọi người làm giá rẻ, những người làm gạo chất lượng cao giá tốt sẽ bị ra rìa hoặc tước đi quyền nọ, quyền kia. Nhà nước tập trung sản xuất gạo giá rẻ, xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi Trung Quốc không mua, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại chới với.

Phụ thuộc Trung Quốc

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang chịu sức ép lớn về tiêu thụ gạo từ nay đến cuối năm khi Indonesia chưa có dấu hiệu sẽ nhập khẩu, các thị trường còn lại tiếp tục bị gạo Thái cạnh tranh gay gắt.

Ông Trần Thanh Hải Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) sốt sắgg: "Hiện nay gần như xuất khẩu gạo của ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Xu hướng giá gạo sắp tới sẽ phụ thuộc vào sự biến động giá đối với thị trường Trung Quốc, nhất là xuất khẩu qua biên giới nhưng có nhiều rủi ro”.

Trước thực tế đó, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải năng động hơn trong tìm thị trường mới. Trú trọng xây dựng chất lượng và thương hiệu để nâng cao giá trị thay vì bán gạo cấp thấp, vị đại diện Bộ Công thương cho biết.

Phản ứng của Bộ Công thương dường như đang mâu thuẫn nhau. Cách đó không lâu, chính tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương quý I, cũng ông Trần Thanh Hải còn vui mừng chia sẻ trước thông tin Trung Quốc tiến hành mua gom gạo của Việt Nam.

Hiện tượng này không làm đại diện lãnh đạo Bộ Công thương lo lắng sẽ có ảnh hưởng đến sản lượng và vấn đề về giá, ngược lại còn coi đó là điều đáng mừng bởi hiện nay Việt Nam vẫn đang phải tìm kiếm thị trường đầu ra.

Theo phân tích của VFA, thị trường xuất khẩu gạo trong quý II trước mắt sẽ vẫn chủ yếu là Trung Quốc, chiếm khoảng 40%, và Philippines chiếm khoảng 30%.

Lối thoát nào cho xuất khẩu gạo Việt Nam

Trước thực tế, ngành lúa gạo Việt Nam là một thế mạnh nhưng càng ngày càng bị bào mòn, vắt kiệt sức của nông dân do sự yếu kém của thương nhân và nhà nước, tổ chức quản lý chuỗi giá trị sản phẩm gạo không làm được.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng từng chỉ thẳng, các Tổng công ty lương thực nắm hết thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phát triển theo cơ chế độc quyền kép: độc quyền thu mua và xuất khẩu lúa gạo, đồng thời là độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, là rào cản các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam.

"Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có quá nhiều quyền trong việc đề xuất chính sách, song lại hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước, làm việc phân phối xuất khẩu gạo.

Hiệp hội không có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, cũng không quan tâm đến nông dân mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu", nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói.

Ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng giống với nhiều chuyên gia nông nghiệp tâm huyết. GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam nói thẳng, doanh nghiệp thể hiện vai trò con buôn kiếm lời khiến nông dân luôn bị thiệt.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng xuất khẩu gạo cũng như các nông sản luôn lâm vào tình trạng được mùa mất giá không phải là bí giải pháp. Mà giải pháp đã có, đang làm nhưng làm không đến nơi, thiếu liên kết đồng bộ.

Theo GS Võ Tòng Xuân, giải pháp ấy là nguyên tắc là “ba chân”, gồm: Chân thứ nhất là tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu với những quy chế chặt chẽ, nghiêm ngặt từng thành viên trong chuỗi liên kết, vi phạm sẽ bị phạt.

Chân thứ hai là xúc tiến thương mại và chân thứ ba là tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng. Đáng buồn là thời gian qua chúng ta lại cắt khúc từng công đoạn này, mạnh ai nấy làm.

Như việc tổ chức trồng nông sản khác theo hướng tiêu chuẩn GAP nhưng khi dự án của các tổ chức phi chính phủ làm xong, rút đi thì người nuôi cũng ngưng thực hiện. Vì họ không thấy lợi ích trong việc tiếp tục áp dụng các quy chuẩn GAP.

Bởi lẽ phải liên kết chặt giữa sản xuất với tiếp cận thị trường thì chúng ta chỉ hướng dẫn phần kỹ thuật trồng mà chưa hướng dẫn người dân tiếp cận thị trường hay liên kết lại để cùng tạo ra sản lượng hàng hóa lớn cung ứng thị trường.

Cánh đồng lớn làm một mô hình chuỗi liên kết ba chân tốt nhất từ trước đến nay của ngành lúa gạo nhưng có mấy DN chịu làm và làm tốt các khâu.

Nguồn Đất Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày