Kinh Doanh

Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp quay về nội địa

Thanh Hương Thứ Hai | 20/11/2023 09:40

Doanh nghiệp Việt Nam quay trở lại khai thác thị trường nội địa. Ảnh: Eurorack.

Quay về thị trường nội địa là một bài toán khó, vì thế nhiều doanh nghiệp đã cùng nhau liên kết để "vượt khó".
Doanh nghiệp Việt Nam quay trở lại khai thác thị trường nội địa. Ảnh: Eurorack.

Năm 2023 kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Việt Nam vốn là nước có lợi thế về xuất khẩu nhưng sức mua sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cũng như ở các địa phương khác.

Vì vậy, trong buổi giới thiệu Diễn đàn Mekong Connect 2023, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: “Có giai đoạn xuất khẩu ở TP.HCM giảm tới 37%. Trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu khi ký kết hợp đồng có thể có dòng tiền, nhưng hiện nay có một số ngành chuyển sang giữ kho ở nước ngoài. Khi nào đối tác bán được hàng thì mới thanh toán. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp”.

Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam quay trở lại khai thác thị trường nội địa. Nhận thấy được nhu cầu của doanh nghiệp, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều sự kiện liên kết mở rộng, khai thác thị trường trong nước, giúp các doanh nghiệp tìm được lối ra. Nhiều chiến lược kinh doanh liên kết giữa các tỉnh thành tại TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện. 

Gần đây nhất, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã cùng 24 địa phương trong nước tổ chức livestream phiên chợ OCOP vào thứ Bảy hàng tuần. Đến nay, các bên đã tổ chức 700 phiên livestream sản phẩm nông nghiệp với hơn 300 triệu lượt xem, có tổng doanh thu 100 tỉ đồng. Định hướng của Trung tâm là không chỉ mời các người nổi tiếng livestream mà chọn ra 10-15 chủ thể OCOP, để đào tạo trở thành những người livestream bán hàng, chính thức mở kênh bán sản phẩm của mình.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội cho phép các chủ thể, người bán tương tác trực tiếp với người mua. Chủ thể ngoài doanh thu còn tiếp nhận được rất nhiều phản hồi của người mua, từ đó tiếp tục chuyển mình, nâng cấp về mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, hệ sinh thái sản phẩm, phân khúc được thị trường”.

Ảnh: BSA.
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: BSA.

Phát biểu tại "Diễn đàn Mekong Connect năm 2023", Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, ông Võ Văn Hoan cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. 

Ngoài ra, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt ra mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội cùng 4 mục tiêu cụ thể: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Để đạt được các mục tiêu trên, TP.HCM đã và đang có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi xanh, phát triền bền vững. Thành phố xác định, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển bền vững và cần có sự chia sẻ lẫn nhau, chia sẻ từ quốc gia đi trước, chuyên gia có kinh nghiệm và sự chủ động, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm:

Việt Nam xuất khẩu quế đứng đầu thế giới


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày