Tạp chí số 716

Dòng vốn PE vẫn đổ vào Việt Nam

Hoàng Hạnh Thứ Ba | 23/02/2021 08:34

Trong năm 2020, dưới tác động của COVID-19, các hoạt động giao dịch PE của ASEAN-5 và Việt Nam đã chậm lại. Ảnh: TL.

Dòng vốn từ quỹ đầu tư tư nhân (private equity - PE) vẫn tìm đường vào Việt Nam, đặc biệt là vào các công ty khởi nghiệp.
Trong năm 2020, dưới tác động của COVID-19, các hoạt động giao dịch PE của ASEAN-5 và Việt Nam đã chậm lại. Ảnh: TL.

Trong năm 2020, dưới tác động của COVID-19, các hoạt động giao dịch PE của ASEAN-5 và Việt Nam đã chậm lại sau một năm 2019 sôi động. Số lượng giao dịch giảm từ 230 trong nửa cuối năm 2019 xuống còn 200 trong 6 tháng đầu năm 2020; giá trị thương vụ giảm hơn một nửa từ 9.152 triệu USD xuống chỉ còn 4.304 triệu USD. Thái Lan và Philippines vẫn ở vị trí cuối cùng trong xếp hạng hoạt động mua bán. Đáng chú ý, thị trường Philippines đã không ghi nhận bất cứ một giao dịch nào trong năm 2020. Việt Nam đứng sau Malaysia trong năm 2019 nhưng sau đó đã vượt lên trong nửa đầu năm 2020, từ thứ 4 lên vị trí thứ 3 và là quốc gia duy nhất có xu hướng gia tăng hoạt động mua bán đầu tư bất chấp đại dịch.

Đặc biệt tại Việt Nam, nhiều khoản đầu tư từ PE và VC (Venture Capital - vốn mạo hiểm) có xu hướng chảy vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp đột phá cho bán lẻ và dịch vụ như đặt lịch và tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến, công nghệ bất động sản (proptech), thương mại điện tử, nền tảng nhân sự và tuyển dụng...

Giữa sự hỗn loạn và bất ổn của đại dịch COVID-19, thị trường đầu tư tư nhân Việt Nam tiếp tục đạt đỉnh cao mới về số lượng giao dịch trong năm 2020 với tổng số 59 giao dịch. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ là 1.142 triệu USD, không tăng nhiều so với năm 2019. Công nghệ tiếp tục đà phát triển với số thương vụ cao nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, quy mô thương vụ vẫn khiêm tốn, cho thấy hầu hết các khoản đầu tư đều vào các công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu ở Việt Nam.

 

Liên quan đến vốn, theo khảo sát từ Công ty Tư vấn McKinsey, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay lên tới 21 tỉ USD. Hiện tại, trừ một số quỹ đầu tư PE lớn của khu vực như Warburg Pincus, KKR rót hàng trăm triệu USD vào doanh nghiệp hạ tầng, bất động sản, ngân hàng..., còn các quỹ PE khác thường có quy mô vừa và nhỏ, đa số chỉ giải ngân ở mức 5-15 triệu USD cho mỗi thương vụ. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, các thương vụ đầu tư tư nhân thường nhắm đến các công ty khởi nghiệp.

Theo Grant Thornton, các thị trường tiềm năng cho đầu tư tư nhân gồm giao vận với quy mô thị trường sẽ đạt 113 tỉ USD vào năm 2022, tương ứng với CAGR 16,6%; giáo dục khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh kéo theo nhu cầu đầu tư, 60% dân số từ 40 tuổi trở xuống đang phấn đấu có thêm kỹ năng và kiến thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động; mảng y tế tăng trưởng được hỗ trợ bởi sự gia tăng dân số và số lượng lớn người có độ tuổi trên 65, chiếm 8% dân số vào năm 2019 và sẽ tăng gấp đôi lên 16% vào năm 2040 với tổng dân số là 107,8 triệu người. Chi tiêu chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng với CAGR là 9,8%, từ 194 USD vào năm 2019 lên 309 USD vào năm 2024.

Trong đó, các mảng triển vọng nhất gồm công nghệ giáo dục với CAGR 20,2% giai đoạn 2019-2023; công nghệ tài chính (fintech) có giá trị thị trường 7,8 tỉ USD vào năm 2020; trí tuệ nhân tạo (A.I) đang nổi lên trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, ngân hàng; thương mại điện tử có tổng vốn đầu tư trên 1 tỉ USD từ năm 2016-2019; năng lượng tái tạo được ưu tiên với tỉ trọng mục tiêu của năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện lần lượt là 6,5%, 6,9% và 10,7% trong năm 2020, 2025 và 2030.

 

Ông Ong Tiong Hooi, lãnh đạo toàn cầu Khối tư vấn thương vụ của PwC, cho biết, bối cảnh và thách thức mới do dịch bệnh đang tạo ra những nhu cầu và cơ hội đặc thù dành cho các dịch vụ công nghệ và kỹ thuật số. Việc liên tục đẩy nhanh tiến trình số hóa đã trở nên thiết yếu đối với các ngành. Nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp nghiêng về chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng, làm gia tăng cạnh tranh giữa các công ty để có được cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết.

Điều đáng ngạc nhiên là theo khảo sát của Grant Thornton, 82% nhà đầu tư được khảo sát đã tìm thấy những con đường tăng trưởng mới trong giai đoạn bùng phát COVID-19. Các công ty có lợi thế về nguồn lực và đội ngũ quản lý linh hoạt có thể nhanh chóng vượt qua trở ngại và giành được thị phần từ những công ty đã bị đánh bật trong cuộc khủng hoảng hoặc thích ứng chậm chạp. 45% số người được hỏi đồng ý rằng COVID-19 tạo cơ hội thuận lợi để tăng tốc ứng dụng kỹ thuật số, không chỉ dưới hình thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ mới như bán hàng trực tuyến mà còn trong các hoạt động hằng ngày như họp và trao đổi qua các cuộc gọi video.

Ảnh: TL.
Theo khảo sát của Grant Thornton, tổng giá trị thoái vốn ở khu vực APAC đã giảm 59% xuống chỉ còn 16 tỉ USD. Ảnh: TL.

Theo khảo sát của Grant Thornton, tổng giá trị thoái vốn ở khu vực APAC đã giảm 59% xuống chỉ còn 16 tỉ USD. Do các chính sách hạn chế đi lại gây khó khăn cho quá trình thẩm định, sự sụt giảm thu nhập và giá trị định giá, cũng như các vấn đề về kinh doanh và nhân đạo. Trong khi đó, dự báo về kế hoạch thoái vốn cổ phần tư nhân Việt Nam chỉ bị tác động nhẹ. 73% nhà đầu tư được khảo sát kỳ vọng rằng các đợt thoái vốn sẽ chỉ bị chậm trễ tối đa 1 năm so với kế hoạch.

So với khảo sát của Grant Thornton vào năm ngoái, IPO đã vượt qua bán lại cho quỹ đầu tư khác để trở thành chiến lược thoái vốn được ưu tiên thứ 2. Điều này được cho là do thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng sẽ được MSCI nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi”. Việc bán lại cho các quỹ nước ngoài bị cản trở bởi rào cản COVID-19, trong khi IPO thì không. Mặc dù chỉ số VN-Index đã giảm 30% trong quý I/2020 xuống 662 điểm nhưng đã phục hồi trở lại mức 1.104 điểm vào cuối năm 2020.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày