Người Tiên Phong

Vị luật sư chuyên nuôi "cá Tây"

Thứ Ba | 12/04/2016 09:30

Ít ai biết rằng cá tầm có mặt tại Việt Nam là nhờ công của một luật sư Việt kiều Đức.

Nửa thập niên qua, thị trường Việt Nam đã dần quen thuộc với cá tầm, loại cá có hình dáng khá lạ và thuộc chi cá cổ nhất còn tồn tại. Việc đưa một giống cá ở xứ lạnh về nhân giống thành công ở Việt Nam cũng được đánh giá là kỳ tích của ngành thủy sản. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng cá tầm có mặt tại Việt Nam là nhờ một luật sư Việt kiều Đức. Ðó là luật sư Nguyễn Trọng Cử, người có 35 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Câu chuyện bắt đầu từ nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học khẳng định cá hồi, cá tầm có thể nuôi và phát triển được ở Việt Nam. “Khi kết quả này được công bố, một thành viên trong nhóm nghiên cứu là Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản, đã ngỏ ý mời tôi tham gia vào dự án đưa cá tầm về Việt Nam. Tuy khá bất ngờ vì đây là lĩnh vực khá xa lạ, nhưng tôi đã mạo hiểm gật đầu đồng ý”, ông Cử nhớ lại.

Nhận lời mời tham gia vào dự án, ông Cử đã đến thăm và tìm cơ hội học hỏi ở rất nhiều trang trại nuôi cá tầm tại Đức và các nước châu Âu. Khi đến Rhoenforelle, một công ty gia đình có truyền thống hơn 130 năm nuôi cá hồi và cá tầm, ông may mắn được người chủ trang trại là Udo Gross đích thân hướng dẫn và cùng về Việt Nam để truyền nghề.

Với sự giúp đỡ và hỗ trợ từ Tổng cục Thủy sản và Cơ quan Quản lý của Việt Nam về thực thi Công ước buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), vị luật sư Việt kiều này bắt đầu gầy dựng sự nghiệp thứ 2 của mình ngay trên quê hương. Đó là năm 2010.

Trái với lầm tưởng rằng Việt Nam là xứ nhiệt đới nên sẽ không phù hợp để nuôi cá tầm, ông Cử và các cộng sự cho biết vẫn có những vùng có khí hậu ôn đới, nguồn nước phong phú và điều kiện lý tưởng để nuôi cá “Tây”. Tất nhiên, khó khăn luôn hiện hữu.

Trở ngại đầu tiên xuất hiện khi ông chọn Sapa là nơi xây dựng trại khảo nghiệm, với số vốn bỏ ra hơn 25 tỉ đồng. “Nhiệt độ tại đây chỉ khoảng 13-14 độ C, quá thấp nên chúng tôi phải đầu tư thêm hệ thống sưởi, nâng nhiệt độ lên 18 độ C. Trứng cá đã thụ tinh cũng phải nhập từ nước ngoài về, sau đó vận chuyển từ sân bay lên Sapa. Nguồn nguyên liệu này có giá hơn 150 triệu đồng/kg, nên nếu không cẩn thận là mất trắng hàng tỉ đồng mỗi chuyến”, ông chia sẻ.

Hiện nay, luật sư Cử có 3 trang trại nuôi cá tầm đặt tại Thác Bạc (Sapa), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và hồ Hòa Bình ở tỉnh Hòa Bình. Cá tầm nuôi tại những trại này sau 2 năm có thể đạt trọng lượng 20 kg/con. Ngoài ra, ông còn cung cấp hơn 1,4 triệu con giống cá tầm và cá hồi mỗi năm cho các trang trại nuôi ở Việt Nam. Theo ông, năm ngoái, 3 trang trại đã cung ứng hơn 100 tấn cá thương phẩm cho thị trường các tỉnh phía Bắc ra đến Đà Nẵng.

Thừa thắng, ông Cử và các cộng sự mở thêm hệ thống nhà hàng cao cấp nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ cá tầm và cá hồi. “Tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi trong thời gian tới nhằm phục vụ xuất khẩu”, ông bổ sung.

Thực tế, mô hinh kinh doanh của ông Cử cũng phải đối mặt với cạnh tranh từ hàng lậu. Năm 2013, khi cá tầm thương phẩm bắt đầu xuất hiện ồ ạt theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, một số doanh nghiệp nuôi cá tầm đã phải phá sản hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Theo ông Cử, cuộc chiến với cá tầm nhập lậu chắc chắn vẫn còn dai dẳng. Vì thế, trước mắt, ông và các cộng sự sẽ đẩy mạnh chất lượng cá thành phẩm lẫn dịch vụ khi đến tay người tiêu dùng. Tiêu biểu như việc hệ thống nhà hàng Thác Bạc Sapa vừa được đầu tư hệ thống bể lạnh hạ nhiệt theo công nghệ Đức. “Công nghệ này cho phép nhà hàng cung cấp cá tầm, cá hồi sống để phục vụ thực khách, chắc chắn sẽ ngon hơn sản phẩm đông lạnh như trước kia”, ông Cử giải thích.

Hoàng Quân


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày