Tài Chính

Bức tranh margin trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Vũ Hoài Thứ Ba | 27/10/2020 16:20

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán HSC. Ảnh: Quý Hòa.

Tại thời điểm cuối quý III/2020, dư nợ margin của Top 26 công ty chứng khoán nội có vốn hóa lớn nhất đạt 41.350 tỉ đồng, tăng 19,2% so với quý trước.
Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán HSC. Ảnh: Quý Hòa.

► Nhóm công ty chứng khoán ngoại đẩy mạnh cho vay margin.

► Công ty chứng khoán nội đang "phản đòn".

► Làn sóng dịch chuyển dư nợ từ nội sang ngoại được dự báo chững lại.

Chứng khoán ngoại đánh mạnh margin

Theo dữ liệu thống kê của FiinGroup dư nợ margin của nhóm công ty chứng khoán ngoại đạt 18.704 tỉ đồng, tăng 11,3% so với quý trước.

Thông tin từ ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, các công ty chứng khoán ngoại liên tục gia tăng lượng dư nợ trong 2 năm qua nhưng điều đó không đảm bảo vị trí vững chắc về thị phần và có sự trồi sụt đáng kể trong Top 10 rất rõ ràng.

Dư nợ margin của các công ty chứng khoán ngoại. Nguồn: FiinGroup, NCĐT.
Dư nợ margin của các công ty chứng khoán ngoại. Nguồn: FiinGroup, NCĐT.

Điều này cho thấy quá trình đảo nợ từ chỗ có lãi vay cao sang nhóm công ty chứng khoán ngoại có lãi vay thấp hơn tiếp tục diễn ra, nhưng bản chất chính là các deal repo (vay rút tiền cầm cố bằng cổ phần), với đặc tính như vậy thì lượng dư nợ này thường từ 3-6 tháng, hoặc lâu hơn mới "đảo" một lần. Từ đó không mang lại sự bền vững về thị phần như nhóm retail (bán lẻ).

Theo ông Tuấn, với lợi thế nguồn vốn rẻ từ phía quốc gia của mình, nhóm công ty chứng khoán ngoại xác định rõ mục tiêu phát triển của họ là đánh vào phân khúc nợ vay ở thị trường Việt Nam, qua đó thu hút được một lượng margin lớn, chủ yếu là làm deal repo và tập trung ở các thỏa thuận lớn.

Đối với nhóm công ty chứng khoán ngoại, dư nợ mặt bằng chung của nhóm này tăng trung bình trên 20% so với đầu năm, cho thấy lượng margin của các deal repo tăng lên rất mạnh thời gian gần đây. Điểm nhấn gần đây của nhóm công ty ngoại này thuộc về Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam khi dư nợ gia tăng đi kèm thị phần cho thấy họ có sự linh hoạt đáng kể trong việc tiếp cận và phục vụ nhóm làm deal hơn là các công ty chứng khoán còn lại.

 

Chứng khoán nội hoán đổi “ngôi vua”

Trong quý III/2020 vừa qua, thị phần môi giới cúa các công ty chứng khoán đã có sự thay đổi đáng kể. Đáng chú ý là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Công ty Chứng khoán VPS với 7,65% thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo tại thời điểm cuối quý III/2020. VPS đã vươn lên trở thành 1 trong 3 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trong quý III/2020. So với quý trước, thị phần của VPS đã tăng 1,78 điểm phần trăm.

Theo ông Tuấn, VPS đang đe dọa vị trí của SSI và HSC khá rõ khi họ "quá hiểu" khẩu vị của nhóm retail và liên tục tung sản phẩm để phục vụ nhóm này. “Việc VPS tiến vào Top 2 hay Top 1 cũng chỉ là vấn đề thời gian khi có những cú chạy nước rút như hiện tại”, ông Tuấn nhận định.

Trong khi đó, nhóm công ty chứng khoán còn lại cho thấy sự hụt hơi khá rõ của SSI và VCSC khi 2 ông lớn có sự sụt giảm đáng kể về thị phần so với cùng kỳ đi kèm với sụt giảm lượng dư nợ cho vay.

Điểm nhấn thú vị nằm ở HSC khi dư nợ tăng vọt hơn 40% trong quý III nhưng thị phần vẫn chỉ nhích nhẹ cho thấy lượng dư nợ tăng thêm này tương đồng với lượng dư nợ của nhóm công ty chứng khoán ngoại là thuần deal.

 

Một gương mặt thu hút sự chú ý đó chính là Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) với lượng dư nợ tăng hơn 50% chỉ trong một quý. Ông Tuấn cho biết, VDSC chính là đơn vị đang hỗ trợ hệ sinh thái KDC - KDF - TAC - VOC khá rõ trong thời gian vừa qua khi VDSC chính thức về tay ông chủ bánh kẹo gốc Hoa này.

Đánh giá chung về bức tranh margin, ông Tuấn đánh giá dư nợ kỉ lục hiện tại phần lớn tập trung cho deal repo chứ không thuần tuý tập trung cho nhu cầu vay nợ của nhóm nhà đầu tư cá nhân và đặc biệt là F0.

“Làn sóng dịch chuyển dư nợ từ nội sang ngoại sẽ chững lại khi những dấu hiệu về một đợt phản công từ nội khối đã và đang hình thành khá rõ. Điển hình như việc giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ và đặc biệt là đẩy mạnh kênh online của các công ty nội”, ông Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, các công ty chứng khoán có nền tảng giao dịch thân thiện, ổn định và đa dạng sản phẩm sẽ có lợi thế hút các nhà đầu tư F0 và bảo vệ thị phần rất tốt. Đây cũng là nhóm công ty sẽ có sự hưởng lợi rất đáng kể khi T0 ra đời và đáng để đón đầu trong tương lai 1 năm trở lên.

Ông Tuấn đánh giá lượng dư nợ sẽ tiếp tục tăng khi có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng chuyển sàn, niêm yết vì đây luôn là nhóm được đánh giá cao về chất lượng cơ bản của doanh nghiệp và được chủ động cho vay.

* Có thể bạn quan tâm 

►Nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào sự hồi phục của VN-Index

►Nước cờ kế tiếp của Masayoshi Son


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày